Khi tàu điện ngưng chạy

11/06/2014 03:00 GMT+7

“Tôi không phản đối World Cup. Tôi yêu bóng đá. Tôi chỉ ngưng làm việc để đòi tăng lương”, một công nhân tàu điện ngầm giải thích.

“Tôi không phản đối World Cup. Tôi yêu bóng đá. Tôi chỉ ngưng làm việc để đòi tăng lương”, một công nhân tàu điện ngầm giải thích.

 
Cổng vào ga tàu điện ngầm kế sân Sao Paulo được khóa lại - Ảnh: Đỗ Hùng

Cuộc đình công của nhân viên hệ thống tàu điện ngầm đã làm cho việc đi lại bị rối loạn nghiêm trọng tại Sao Paulo. Ngày khai mạc World Cup 2014 đã cận kề và ban tổ chức lại có thêm một bài toán hóc búa để giải.

Tắc nghẽn ở nhiều nơi

Từ ga Republica ở trung tâm, tôi mua vé tàu điện để ra sân Sao Paulo kế bên ga Itaquera cách đấy khoảng 10 trạm dừng. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ cho tới khi tàu dừng ở ga Belém, một khu vực chếch sang phía đông trung tâm thành phố. Loa thông báo phát ra, đề nghị mọi người rời tàu để chuyển qua phương tiện khác.

 
Lối vào ga tàu điện ngầm vắng tanh

Hàng ngàn hành khách rời tàu chuyển qua xe buýt hoặc hệ thống tàu của Công ty CPTM vốn chỉ hoạt động một số tuyến. Trên sân ga, bảng thông báo ghi rõ không bán vé tàu điện ngầm. Các cổng đi tàu CPTM, cổng ra bến xe buýt đông nghẹt hành khách, người chạy ngược, người chạy xuôi; trong khi cổng xuống ga tàu điện ngầm lại đóng cửa im lìm.

Ở sân ga, tôi gặp vài công nhân đang giơ biển: “Chúng tôi yêu bóng đá. Nhưng chúng tôi cần tăng lương”. Anh Geovani da Silva, một công nhân biểu tình, nói: “Chúng tôi muốn World Cup diễn ra tốt đẹp ở đất nước này. Chúng tôi chỉ đình công để đòi tăng lương. Yêu sách được đáp ứng thì chúng tôi làm việc trở lại”. Thoạt đầu tôi cứ tưởng những công nhân này liên minh với Hiệp hội Công nhân vô gia cư để phản đối Brazil đăng cai World Cup 2014, với khẩu hiệu “Não vai ter Copa” (Sẽ không có World Cup). Té ra không phải, thông điệp của công nhân tàu điện cụ thể hơn: Tăng lương và chúng tôi sẽ đi làm. Đơn giản vậy thôi nhưng thực tế cũng có nhiều rắc rối.

 

Nếu đình công diễn ra trong dịp World Cup, song song với các cuộc biểu tình phản đối sự kiện này, thì tình hình sẽ là thảm họa. Ngày khai mạc đã quá cận kề mà nỗi lo thì cứ không ngừng phình to

Ban đầu yêu sách của công nhân là tăng lương, đến hôm chủ nhật thì một tòa án ở Sao Paulo ra phán quyết phạt bên công đoàn về việc đình công. Sau đó, người ta còn đuổi việc 42 nhân viên tàu điện ngầm vì lỗi phá hoại và cư xử sai trái. Thế là cuộc đình công biến thành biểu tình và có lúc trở thành bạo động, khiến cảnh sát phải dùng tới hơi cay để trấn áp.

Có mặt trong các ga tàu điện ngầm vào sáng hôm qua, tôi chứng kiến một phần cơn rối loạn mà cuộc đình công gây ra. Nếu đình công diễn ra trong một ngày có trận đấu ở sân Sao Paulo thì sẽ cực kỳ nghiêm trọng, khi hàng chục ngàn cổ động viên phải sử dụng đường bộ để đến sân trong điều kiện tắc đường là căn bệnh trầm kha của Sao Paulo.

Rời tàu điện, tôi loay hoay một hồi mới tìm được đường sang ga tàu CPTM để ra sân Sao Paulo. Trên các toa tàu, hành khách chật cứng như nêm. Ở các bến xe buýt bên dưới cũng vậy, những dòng người xếp hàng dài như vô tận.

Mạch máu ngưng chảy

Thủ phủ Sao Paulo có tới hơn 11 triệu dân, tính cả vùng phụ cận nữa thì dân số lên tới 20 triệu người. Đây là một trong những siêu đô thị lớn nhất thế giới về dân số.

 
Hành khách chuyển sang xe buýt - Ảnh: Đỗ Hùng

Trong lòng Sao Paulo, hoạt động đi lại của người dân phụ thuộc rất lớn vào các phương tiện chở khách công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm. Mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm chuyên chở tới 5,2 triệu lượt hành khách. Nếu ví Sao Paulo như một cơ thể người, thì các tuyến tàu điện ngầm như những mạch máu chạy khắp cơ thể đó. Khi một vài hoặc nhiều mạch máu ngưng trệ, cơ thể sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Trong năm ngày qua, cuộc đình công đã khiến việc đi lại của hành khách gặp nhiều khó khăn, hệ thống giao thông Sao Paulo bị rối loạn. Đường phố vốn thường xuyên tắc nghẽn giao thông giờ lại càng quá tải, do lượng hành khách khổng lồ bị tàu điện ngầm từ chối chuyển qua các phương tiện đường bộ.

Đến chiều tối ngày thứ hai, tình hình tạm thời lắng xuống khi lãnh đạo phía công đoàn tuyên bố tạm ngưng đình công và công nhân trở lại làm việc. Tuy nhiên, họ nói sẽ bỏ phiếu vào ngày thứ tư để quyết định có nối lại đình công hay không. Nếu 42 nhân viên nói trên không được tuyển dụng lại, công đoàn sẽ đình công tiếp vào ngày thứ năm, ngày khai mạc World Cup. Cơn đau đầu của chính quyền Sao Paulo và Ban tổ chức World Cup vẫn chưa hề dứt.

Nếu đình công diễn ra trong dịp World Cup, song song với các cuộc biểu tình phản đối sự kiện này, thì tình hình sẽ là thảm họa. Ngày khai mạc đã quá cận kề mà nỗi lo thì cứ không ngừng phình to.

Đỗ Hùng
(từ Sao Paulo, Brazil)

>> Cuộc thi viết cảm xúc World Cup 2014: Sẽ có nhiều lời hay ý đẹp
>> Cùng nhau dự đoán kết quả World Cup 2014
>> Ra mắt chuyên trang World Cup 2014 trên Thanh Niên Online
>> WAGs Anh thiệt quân trước thềm World Cup 2014
>> Johan Cruyff: Brazil sẽ vô địch World Cup 2014
>> Vidal kịp bình phục để dự World Cup 2014

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.