Không còn vung tay quá trán!

01/09/2010 22:35 GMT+7

Theo thống kê của hãng kiểm toán và tư vấn tài chính Deloitte, hầu hết các CLB ở châu Âu mùa này đều cắt giảm đáng kể ngân sách cho các phi vụ chuyển nhượng.

Theo thống kê của hãng kiểm toán và tư vấn tài chính Deloitte, hầu hết các CLB ở châu Âu mùa này đều cắt giảm đáng kể ngân sách cho các phi vụ chuyển nhượng.

Giảm gần 40% so với mùa trước

Đó là tính tổng cộng những khoản chi phí chuyển nhượng của tất cả các CLB ở các giải VĐQG hàng đầu tại châu Âu như Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Riêng giải Ngoại hạng Anh vẫn dẫn đầu, tuy nhiên so với mùa trước, chi tiêu mua sắm cầu thủ cũng giảm gần 22%. Sở dĩ tổng chi phí chuyển nhượng của các CLB ở Anh có mức giảm ít hơn là vì Man.City, nhờ sự hậu thuẫn về tài chính của những ông chủ Ả Rập, đã mua sắm "thả phanh" khi bỏ ra gần 126 triệu bảng tậu về 6 cầu thủ mới. Số tiền này chiếm tới 36% trong tổng số tiền chuyển nhượng của 20 CLB hàng đầu tại Anh.

Hiện ở Anh vẫn còn một thương vụ chuyển nhượng chưa hoàn tất, đó là vụ tiền vệ Van der Vaart chuyển từ Real Madrid sang Tottenham với giá 8 triệu bảng. Phi vụ này ban đầu Bayern Munich đã trả 18 triệu bảng, nhưng không biết vì lý do gì cuộc thương lượng đã rơi vào bế tắc chỉ vài giờ trước khi thị trường đóng cửa. Ngay lập tức Tottenham nhảy vào cuộc chỉ 2 giờ trước thời hạn chót - như lời HLV Harry Redknapp cho biết, và bằng nhiều cách thuyết phục CLB này đã nhận được cái gật đầu của ngôi sao người Hà Lan mà chi phí chuyển nhượng giảm hơn phân nửa. Tình tiết vụ chuyển nhượng này gần giống như vụ Arsenal từng mua tiền vệ Arshavin từ Zenit St Petersburg ở mùa giải trước, cũng rất sát với hạn chót của kỳ chuyển nhượng và cuối cùng cũng đã thành công.


Robinho và Van der Vaart là 2 cầu thủ trong phi vụ chuyển nhượng cuối cùng trước khi thị trường đóng cửa - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, dù có cộng thêm thương vụ này vào với số chi phí đã được kiểm chứng trước đó vào khoảng 350 triệu bảng mà các CLB Anh bỏ ra mua sắm cầu thủ trong mùa này, vẫn thấp hơn nhiều so với mùa trước (450 triệu bảng). Và càng thấp hơn khi so với mùa bóng 2008 (525 triệu bảng), đây cũng được coi là mùa mà các CLB Anh mua sắm "kinh hoàng" nhất. Mùa bóng có tổng mức phí chuyển nhượng cao thứ nhì (tính đến thời điểm hiện tại) là năm 2007 với 470 triệu bảng.

Trong khi đó, 2 giải VĐQG ở Ý và Tây Ban Nha từng so kè quyết liệt mức phí chuyển nhượng với các CLB ở Anh, nhưng sau vài mùa bóng "chạy đua" nay cũng đã thắt lưng buộc bụng và giảm chi phí mua sắm một cách đáng kể. Mùa này, các CLB của Ý bỏ ra khoảng 260 triệu bảng mua sắm cầu thủ, còn tại Tây Ban Nha là khoảng 240 triệu bảng.


Biểu đồ đi xuống của thị trường chuyển nhượng - Ảnh: Reuters

Theo chuyên gia phân tích tài chính của hãng Deloitte, ông Dan Jones cho biết: "Có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng các CLB đồng loạt cắt giảm chi tiêu mua sắm cầu thủ. Như ở Anh, chưa xuất hiện thêm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, bên cạnh đó là việc buộc phải cân bằng thu chi theo điều luật mới "công bằng tài chính" của UEFA, và còn thêm việc áp dụng luật "25", trong đó phải có 8 cầu thủ đào tạo trong nước... Tương tự, các CLB ở các nước khác tại châu Âu cũng vậy, ngoài những vấn đề như trên, họ còn phải cân đối cả quỹ lương trả cho cầu thủ nữa... Do đó, việc không còn vung tay quá trán nữa là đúng với thực tế".

Chính sách chuyển nhượng thay đổi

Trước thực trạng này, chắc chắn xu hướng chuyển nhượng kể từ mùa tới sẽ có nhiều thay đổi đáng kể. Ở Anh, những CLB mạnh như M.U, Arsenal hoặc gần đây có thêm Chelsea, tương tự là Tây Ban Nha với Real Madrid và Barcelona... đã chuẩn bị cho hoàn cảnh mới này, khi đều quay về với tiêu chí trước đây là đầu tư vào các trung tâm đào tạo của mình để tìm kiếm tài năng trẻ làm nền móng phát triển CLB trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hình thức trao đổi theo dạng cho mượn, chia sẻ việc trả lương hoặc đồng sở hữu cầu thủ... cũng được rất nhiều CLB áp dụng. Đó được xem như là phương cách tốt nhất để giảm chi phí chuyển nhượng mà có khi còn tậu được cầu thủ giỏi. Đơn cử như vụ CLB AC Milan vừa có được tiền đạo Ibrahimovic từ Barcelona theo dạng cho mượn một mùa, rồi sau đó sẽ tính tới chuyện mua đứt kể từ mùa bóng tới. Từ đó, AC Milan cũng thoải mái cho tiền đạo Huntelaar tìm đến bến đỗ mới là Schalke 04 với mức phí 10,7 triệu bảng, và rồi lại dùng số tiền này mua tiền đạo Robinho. Rõ ràng, với cách tính này, AC Milan đã có được một hàng công đáng gờm gồm Pato-Ibrahimovic-Robinho.

Tương tự, các trường hợp cho mượn khác cũng đáng lưu ý ở các ngày cuối của kỳ chuyển nhượng như vụ tiền vệ Aquilani không có chỗ đứng ở Liverpool đã đến Juventus; rồi mới đây có thêm vụ tiền vệ Aleksandr Hleb bị thất sủng ở Barcelona đã đến Birmingham; Borriello từ AC Milan sang AS Roma hoặc Eidur Gudjohnsen từ AS Monaco đến Stoke City...

Tuy nhiên, đây chỉ là một hình thức tạm thời, trong tương lai các CLB bắt buộc sẽ phải tính đến phương án khả thi nhất là coi trọng khâu đào tạo cầu thủ trẻ để sử dụng dựa trên nội lực của mình, thay vì chạy đua mua sắm như trước đây và có thể dẫn tới phá sản.

Giang Lao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.