Lành mạnh hóa bóng đá

28/03/2010 10:02 GMT+7

Chủ tịch UEFA Michel Platini vừa công bố bản phác thảo về những cải cách bóng đá trong thời gian tới. Theo đó, tham vọng chạy đua bằng tiền của các đại gia sẽ bị giới hạn

Ông chủ của Chelsea (trái) và chủ tịch của Man City sẽ hết cơ hội vung tiền - Ảnh: getty images

Chủ tịch UEFA Michel Platini vừa công bố bản phác thảo về những cải cách bóng đá trong thời gian tới. Theo đó, tham vọng chạy đua bằng tiền của các đại gia sẽ bị giới hạn

Bản phác thảo dài hơn 60 trang của UEFA về việc lành mạnh hóa tài chính ở các CLB bóng đá châu Âu mới được tiết lộ hôm qua. Theo bản phác thảo này, các CLB chỉ được phép tiêu tiền trong giới hạn số tiền họ kiếm được mỗi mùa bóng.

Tất nhiên, các CLB không thể thực hiện được luật này trong một sớm một chiều, vì thế UEFA cho phép họ có một thời gian quá độ để cân bằng thu-chi. Mỗi mùa giải từ năm 2011 đến năm 2014,    mỗi CLB chỉ được phép lỗ 15 triệu bảng/mùa. Mỗi mùa giải từ năm 2014 đến 2017, mỗi CLB chỉ được phép lỗ 10 triệu bảng/mùa. Sau đó, các CLB phải tự cân đối thu chi. Số tiền lỗ này phải được các ông chủ bỏ tiền ra lấp vào.

Như vậy, dù ông chủ của Man City, ông hoàng Mansour ở UAE, có rất nhiều tiền nhưng ông buộc phải chi tiêu trong giới hạn. Với Man City đang trong quá trình xây dựng đội hình để trở thành một đại gia mới của làng bóng đá châu Âu thời gian tới, thì luật này là một cú đập mạnh thẳng vào tham vọng của họ.

Nhưng bản phác thảo của UEFA cũng ghi rõ rằng tiền một CLB đầu tư vào xây dựng sân bóng mới, xây dựng hệ thống đào tạo trẻ sẽ không có giới hạn. Nghĩa là mua và trả lương cầu thủ thì chỉ trong chừng mực còn đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo cầu thủ thì thoải mái. Mục tiêu của UEFA rõ ràng: dẹp bỏ tình trạng giá và lương cầu thủ tăng liên tục đến mức gần như không thể kiểm soát được như hiện nay.

CLB nào không tuân thủ đạo luật đang ở dạng phác thảo này sẽ bị cấm thi đấu ở các cúp châu Âu. Điều đó có nghĩa là UEFA mới chỉ kiểm soát các CLB nằm trong tầm dự cúp châu Âu chứ không phải kiểm soát tất cả các CLB. Song UEFA cũng tuyên bố họ sẽ làm việc với từng LĐBĐ quốc gia cụ thể để đạo luật này có thể thực hiện rộng hơn.

Chúng ta cần phải làm một điều gì đó để bảo vệ tính công bằng của bóng đá_Michel Platini

Thật ra thì kiềm chế các CLB ở tầm dự cúp châu Âu là đủ mang lại hiệu quả rồi. Vì các CLB này đều là những CLB lớn, kiếm được nhiều tiền và cũng là những con nợ ngân hàng lớn nhất. Nếu các CLB này khống chế việc mua cầu thủ và thiết lập một mức lương trần thì các CLB nhỏ còn lại cũng phải làm theo như vậy.

Tới đây, UEFA sẽ gửi bản phác thảo đến các CLB, LĐBĐ để họ tham khảo, đưa ra ý kiến trước khi nó trở thành một đạo luật. Hiệp hội các CLB bóng đá châu Âu ECA về cơ bản là đồng ý với UEFA, song họ muốn kéo dài mỗi thời kỳ quá độ lên thành 5 năm thay vì 3 năm như dự luật phác thảo.

Giới bóng đá Anh cho rằng dự luật này là cú đánh thẳng của UEFA vào bóng đá Anh. Nhưng thực chất không phải vậy. Giải Premier League là giải đấu kiếm được nhiều tiền nhất châu Âu song theo kiểm toán mùa 2007-08, có đến 14/20 CLB ở giải này, trong đó có M.U, Liverpool, Chelsea thua lỗ, là điều không thể chấp nhận được. Với dự luật mới, các CLB Premier League vẫn cứ kiếm được nhiều tiền mà chỉ chi ít hơn thì họ càng lãi chứ. Mặt khác, họ sẽ dùng nhiều tiền hơn vào các học viện bóng đá, như vậy có lợi cho tuyển Anh hơn.

Cũng có dư luận cho rằng với đạo luật trên, giải Premier League (cũng như các giải khác) sẽ thiếu hấp dẫn vì ngày càng dễ đoán hơn, ví dụ M.U với doanh thu khổng lồ sẽ luôn thống trị giải đấu.

Nhưng không hẳn là như vậy. Hãy nhìn sang giải Đức hoặc giải Pháp chẳng hạn, đây là 2 nước quản lý việc chi tiêu trong nền bóng đá của họ rất chặt. Vậy mà vẫn có những đội bóng nhỏ như Wolfsburg, Hoffenheim, Lille, Auxerre, Montpellier vươn lên được đó thôi. Đây là đạo luật sẽ giúp bóng đá phát triển lành mạnh, đưa quyền sở hữu CLB bóng đá từ tay các ông chủ lớn trở lại với cộng đồng.

Đinh Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.