Lời nguyền của ứng cử viên số 1

05/06/2010 09:38 GMT+7

Khó khăn chờ đón Tây Ban Nha tại World Cup 2010, khi họ nhập cuộc với tư cách ứng cử viên số 1.

Tuyển Tây Ban Nha đã thắng chật vật (1-0) trước Hàn Quốc trong trận giao hữu rạng sáng hôm qua, 4.6. Đây là trận đấu khó khăn của ĐKVĐ châu Âu. Trong ảnh là pha phối hợp thiếu đồng bộ của hàng thủ Tây Ban Nha trước sự uy hiếp của cầu thủ Hàn Quốc - Ảnh: AFP

Khó khăn chờ đón Tây Ban Nha tại World Cup 2010, khi họ nhập cuộc với tư cách ứng cử viên số 1.

Tây Ban Nha là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch World Cup 2010, họ nhỉnh hơn một chút so với đội tuyển 5 lần vô địch thế giới Brazil trong mắt các chuyên gia dự đoán và nhà cái, điều này không khó hiểu.

Hai năm trước, Tây Ban Nha cuối cùng cũng gạt bỏ được cái dớp “kẻ thất bại vĩ đại” bằng chức vô địch châu Âu, danh hiệu lớn đầu tiên kể từ năm 1964, khi họ lên ngôi ở cùng giải đấu. Lối chơi quyến rũ của họ đặt trên nền tảng chuyền bóng và di chuyển - “tiki taka”, theo cách gọi của người Tây Ban Nha, trong đó chú trọng đến việc cầm giữ bóng, một triết lý đơn giản song thường bị coi nhẹ đã giúp La Furia Roja (Cơn thịnh nộ màu đỏ) giữ ngôi vị số 1 trên bảng xếp hạng thế giới từ năm 2008 đến đầu năm nay.

Thế nhưng, như một sự nghiệt ngã của bóng đá, những đội bóng giỏi nhất thường không giành được chiến thắng tối thượng. Trong lịch sử World Cup, có khá nhiều đội bóng vĩ đại chưa bao giờ đặt chân đến vùng đất hứa. Có thể kể đến Hungary huyền ảo của năm 1954, Hà Lan với lối chơi tổng lực ở năm 1974 và 1978, tuyển Pháp của Michel Platini ở năm 1982 và 1986.

4 năm trước đây, Argentina là đội được kỳ vọng nhiều nhất song một tuyển Ý lì lợm đã lên ngôi. Và đặc biệt, việc đội bóng Brazil xuất chúng với những tượng đài như Zico, Eder, Socrates, Junior và Falcao phải ra về trắng tay ở năm 1982 vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của bóng đá. Có những đội bóng thi đấu tầm tầm trong những năm trước thềm World Cup nhưng lại đột nhiên nổi dậy trong vòng 4 tuần để đi đến hết đoạn đường. Người Đức là ví dụ điển hình và đã biến nó trở thành truyền thống của họ.

Đó là lịch sử. Còn hiện tại, điều gì đang chờ đợi Tây Ban Nha ở Nam Phi? Trên lý thuyết, Tây Ban Nha nằm trong một bảng đấu thuộc dạng ngon ăn nhất với Thụy Sỹ, Honduras và Chile. Việc La Furia Roja vượt qua vòng bảng hầu như chỉ còn là vấn đề thời gian song mọi chuyện sẽ bắt đầu khác đi một khi họ lọt vào vòng knock-out.

Hãy giả định không có bất ngờ và kết quả ở các bảng khác đều như dự đoán, có 2 khả năng xảy ra. Sau khi dẫn đầu bảng H, đối thủ của Tây Ban Nha sẽ là Bồ Đào Nha ở vòng 1/8, Ý ở tứ kết và Đức hoặc Argentina ở bán kết. Nếu vào theo đường nhì bảng, đối mặt với Tây Ban Nha sẽ là Brazil ở vòng 1/6 trong khi Hà Lan và Anh chờ đợi họ ở 2 vòng kết tiếp. Rõ ràng, ông Vicente del Bosque và ban huấn luyện thích viễn cảnh đầu hơn song các đối thủ ở hai con đường trên đều có khả năng lấy cạn sức lực của họ, đẩy trận đấu đi đến hiệp phụ hay thậm chí loạt đá luân lưu.

Nếu điều đó xảy ra, sự mệt mỏi sẽ trở thành vấn đề thực sự, đặc biệt với những cầu thủ đến Nam Phi sau khi trải qua một mùa bóng dài cùng CLB. Một tuần trước khi khai mạc, một vài cầu thủ quan trọng trong đội hình của Del Bosque vẫn là thương binh hoặc chỉ mới hồi phục chấn thương, bao gồm tiền đạo Fernando Torres, bộ ba tiền vệ Xavi Hernandez, Andres Iniesta và Cesc Fabregas. Trong khi đó, phong độ của David Villa, Carlos Puyol và Sergio Ramos không thật sự ổn định.

Tây Ban Nha lọt qua vòng loại theo đúng phong cách của họ, thắng cả 10 trận song đó là trước những đội bóng như Thổ Nhĩ Kỳ, Bosnia-Herzegovina, Bỉ, Estonia và Armenia. Lối chơi “tiki taka” của họ sẽ không hiệu quả trước Ý, Brazil, Hà Lan và Đức, những đội lọc lõi hơn và có khả năng đánh trả. Để áp dụng lối chơi đặc trưng, họ cần nhiều khoảng trống. Và như Inter Milan trong mùa này đã chứng tỏ ở bán kết Champions League với Barcelona, một Tây Ban Nha ở cấp CLB, sự pha trộn giữa lối chơi kỷ luật theo vị trí, lì lợm và tập trung có thể vô hiệu hóa thứ bóng đá “tiki taka”.

 Nếu Tây Ban Nha lên ngôi, đó sẽ là một chiến thắng cho bóng đá tấn công tích cực. Song trong lịch sử đầy những thế hệ vàng, như Bồ Đào Nha ở thập niên 1990 với những Luis Figo, Paulo Sousa và Rui Costa… đã phải ngậm đắng. Liệu Tây Ban Nha vượt qua tất cả áp lực của sự kỳ vọng để đăng quang vào ngày 11.7? Phần đông người hâm mộ bóng đá sẽ hân hoan nếu họ lên ngôi. Song chẳng có điều gì được đảm bảo ở World Cup.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.