Mãi chỉ là tiềm năng?

08/01/2010 08:44 GMT+7

Khi HLV Winterbottom thôi công việc ở tuyển Anh năm 1962, ông đã tiên đoán: “Hãy coi chừng châu Phi. Lục địa này sẽ cho ra một nhà vô địch trước khi thế kỷ kết thúc”. Nhưng thật khôn ngoan là Winterbottom không nhắc cụ thể đến thế kỷ nào.

Tuyển Bờ Biển Ngà được coi là niềm hy vọng của châu Phi tại World Cup 2010

Khi HLV Winterbottom thôi công việc ở tuyển Anh năm 1962, ông đã tiên đoán: “Hãy coi chừng châu Phi. Lục địa này sẽ cho ra một nhà vô địch trước khi thế kỷ kết thúc”. Nhưng thật khôn ngoan là Winterbottom không nhắc cụ thể đến thế kỷ nào.

Trước khi thế kỷ 20 kết thúc, Pele cũng nhắc lại điều này song các giải World Cup vẫn cứ trôi đi với biết bao hứa hẹn của lục địa đen, ngoại trừ chiếc cúp vàng. Châu Phi còn thua cả châu Á trong việc đến gần chiếc cúp đó. Năm 2002, Hàn Quốc đại diện cho châu Á đã lọt đến bán kết, nơi mà chưa đội nào của châu Phi đặt chân tới.

Hiện thời, các cầu thủ châu Á vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc có chỗ đứng ở các CLB trung bình tại châu Âu còn nhiều cầu thủ châu Phi đã là những người không thể thiếu ở các CLB lớn. Chelsea đã và sẽ khốn khổ khi Drogba, Essien về dự giải CAN, trong khi Eto’o chính là cầu thủ đã ghi bàn trong cả 2 trận chung kết Champions League gần đây cho Barca. Nhưng khi vào World Cup, đảm bảo các đội châu Á không kém các đội châu Phi.

Bóng đá châu Phi vẫn là tiềm năng không được khai thác triệt để. Lấy ví dụ Cameroon tại World Cup 1990, họ hạ ĐKVĐ Argentina tại trận mở màn, đi một mạch đến tứ kết nhưng ở tứ kết, họ đã thua Anh 2-3 chỉ vì chủ quan.

Nigeria là thí dụ sinh động nhất về việc lãng phí tiềm năng. Năm 1994, với một loạt cầu thủ mới đôi mươi như Okocha, Amokachi, họ đã đứng đầu bảng đấu có Argentina, Bulgaria song vào vòng 1/8, họ đã thua Ý trong thế chơi hơn 1 người khi Zola bị đuổi khỏi sân. Thất bại đó có thể được đổ cho kinh nghiệm non yếu.

2 năm sau, tuyển Nigeria phát hiện thêm một loạt tài năng khác như Kanu, Oliseh, Finidi và nhờ vậy, họ vượt qua Argentina, Brazil, để giành chiếc HCV bóng đá tại kỳ Olympic 1996. Với đội bóng có đến 20 cá nhân tài năng, ai cũng nghĩ Nigeria ít nhất lọt vào bán kết World Cup 1998. Đánh bại TBN ở vòng ngoài, Nigeria tiến vào vòng 1/8 gặp Đan Mạch mà quên mất bài học 4 năm trước. Họ chơi theo kiểu tự mãn, thiếu tổ chức và thất bại với tỷ số 1-4.

Okocha từng nói rằng sở dĩ các đội châu Phi thất bại là vì trình độ tổ chức thấp, bị các quan chức chính phủ can thiệp quá nhiều, nhập nhèm trong chuyện tiền bạc... Đến giờ, các căn bệnh đã được “chỉ mặt đặt tên” rõ như vậy vẫn còn tồn tại ở các đội bóng châu Phi. World Cup 2002, Senegal còn đi được tới tứ kết nhưng tại kỳ World Cup vào 4 năm sau, mỗi Ghana vượt qua vòng bảng và bị nghi ngờ bán độ trong trận thua Brazil ở vòng 1/8, các cầu thủ Togo tẩy chay đội tuyển vì LĐBĐ Togo ăn chặn tiền thưởng. Liệu các đội châu Phi sẽ cải thiện thực trạng của họ tại World Cup tới? Hãy xem họ đưa bộ mặt nào ở giải CAN 2010 khai mạc vào 10.1 tới để kết luận.  

Chính Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.