Năm 2018: Khi cầu thủ Đông Nam Á cởi bỏ tâm lý 'ao nhà'

01/01/2018 13:25 GMT+7

Ngày nay, giới cầu thủ ở khu vực Đông Nam Á xem việc chuyển đổi môi trường thi đấu là điều hết sức bình thường, và là cơ hội để phát triển nghề nghiệp cũng như sẽ nhận những mức lương cùng các bản hợp đồng quảng cáo có giá trị hậu hĩnh.

Đây là điều chưa từng xảy ra trong thời gian dài của bóng đá khu vực, vì lẽ nhiều cầu thủ theo phong tục người châu Á xưa nay là chỉ muốn gắn bó bên cạnh gia đình, bạn bè và rất ngại thay đổi môi trường sống lẫn công việc.

Chính tâm lý “ao nhà” này là rào cản sự phát triển năng lực của giới cầu thủ trong khu vực Đông Nam Á, theo các bình luận viên trên trang FOX Sports khu vực châu Á nhận định. Cũng trên trang FOX Sports, bình luận viên rất am hiểu bóng đá khu vực, ông John Duerden nhìn nhận việc thay đổi quan điểm trong giới cầu thủ “vùng trũng” đã giúp bóng đá khu vực Đông Nam Á trở nên sinh động và nhiều màu sắc hơn. Các giải VĐQG trong khu vực vì thế cũng hấp dẫn hơn, như nhiều kênh truyền hình ở Myanmar mới đây đã mua bản quyền truyền hình giải Thai League trực tiếp toàn bộ các trận có CLB Police Tero vì đang có ngôi sao số 1 nước này thi đấu là tiền đạo Aung Thu.

Nhiều kênh truyền ở Myanmar mua bản quyền Thai League để theo sát tiền đạo Aung Thu thi đấu cho CLB Police Tero Chụp màn hình

Trước đây, rào cản “ao nhà” từng khiến ông “Bầu” Đức (Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch CLB HAGL) cách đây hơn 15 năm đã phải tốn rất nhiều công sức và thậm chí còn lấy cả uy tín, tài sản của cá nhân mình ra để tuyên bố đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình tiền đạo Kiatisuk Senamuang thì mới thuyết phục được cựu danh thủ này sang đầu quân cho HAGL, mở ra giai đoạn ồ ạt nhiều cầu thủ Thái Lan sang Việt Nam thi đấu tại giải V-league.

Tuy nhiên, nay thì những vụ chuyển nhượng cầu thủ “bom tấn” trong khu vực kiểu như của Kiatisuk đến HAGL đã dễ dàng hơn nhiều. Một phần vì cầu thủ ngày nay không còn cảm thấy xa cách gia đình nữa khi chuyển sang nước khác thi đấu do nhờ có mạng xã hội giúp cách biệt này thu hẹp lại đáng kể. Ngoài ra, việc chuyển đến các môi trường thi đấu có tính cạnh tranh cao như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nếu chứng minh được thực lực thì giá trị của cầu thủ sẽ tăng rất nhanh.

Cầu thủ Chanathip Songkrasin thành công ở Nhật Bản kéo nhiều cầu thủ Thái đến Nhật thi đấu trong năm 2018 Chụp màn hình

Như cầu thủ Chanathip Songkrasin được mệnh danh là “Messi Thái” và nổi lên cùng thời với tiền đạo Công Phượng của Việt Nam, sau gần 6 tháng chơi cho CLB Consadole Sapporo ở Nhật Bản theo diện cho mượn và ra sân thi đấu 16 trận giúp CLB này trụ lại giải J League 1. Lập tức ở mùa bóng mới 2018, Songkrasin được Consadole Sapporo đề nghị thi đấu tiếp với mức lương “khủng” 40.000 USD/tháng. Songkrasin hiện chỉ còn 6 tháng hợp đồng với CLB chủ quản là Muangthong United, nên sẽ đấu tiếp cho Consadole Sapporo theo diện cho mượn trước khi chuyển hẳn sang CLB này với chi phí chuyển nhượng chưa được tiết lộ. Nhưng theo tờ The Nation (Thái Lan) mức giá sẽ không dưới 5 triệu USD, vì Songkrasin ngoài tài năng còn là cầu thủ có sức hút quảng cáo lớn như vừa ký hợp đồng làm đại sứ cho một hãng trang phục thể thao ở Nhật Bản với thời hạn 3 năm có giá trị theo báo chí Thái Lan tiết lộ là gần 100.000 USD/năm.

Sự thành công của Songkrasin lập tức tác động mạnh đến nhiều cầu thủ có tiếng khác ở Thái Lan, và hiện tạo nên làn sóng đổ xô đến Nhật Bản thi đấu. Chỉ trong vòng 1-2 tuần trở lại đây, đã có thêm chân sút Teerasil Dangda từ Muangthong United chuyển đến CLB Sanfrecce Hiroshima ở J League 1. Và sắp tới thêm tiền vệ tài năng Theerathon Bunmathan, thủ quân tuyển Thái Lan và cũng của CLB Muangthong United, sẽ chuyển sang CLB Vissel Kobe.

Chân sút Teerasil Dangda từ Muangthong United chuyển đến CLB Sanfrecce Hiroshima ở J League 1 Chụp màn hình

Khi những ngôi sao Thái Lan này tìm đến môi trường cạnh tranh cao hơn, thì các CLB Thái cũng săn lùng các sao ở Đông Nam Á khác về thay thế và có mức độ ảnh hưởng không kém. Trong đó những cầu thủ ở Việt Nam như Văn Quyết, Quang Hải hay Công Phượng, Vũ Văn Thanh, Lương Xuân Trường… rất được chú ý. Nhưng tiếc là các cầu thủ Việt chưa thoát tâm lý cần thay đổi để làm mới mình, hoặc bị CLB chủ quản không muốn cho ra đi nên các thương vụ chuyển nhượng này chưa xảy ra. Cho đến nay, giới cầu thủ từ V-League chuyển đến các giải khu vực, cụ thể là Thai League mới có tiền đạo nhập tịch Hoàng Vũ Samson đến Buriram United theo diện chuyển nhượng tự do, và mới nhất thêm trung vệ Alvaro Silva (người Philippines gốc Tây Ban Nha, từng chơi cho CLB Malaga ở La Liga) cũng của CLB Hà Nội nhiều khả năng đến CLB Sukhothai hoặc tại giải Malaysia Super League (MSL).

Giữa lúc đó, thị trường chuyển nhượng ở các giải trong khu vực cũng cực kỳ nhộn nhịp, như Thai League vừa có thêm “sao” Myanmar, tiền vệ Kaung Sat Naing gia nhập CLB Samut Sakhon. Trong khi đó, CLB Muangthong United sau khi chia tay 3 trụ cột đến Nhật Bản thi đấu đã lập tức mang về các tuyển thủ Thái từ lứa U.23 tài năng như Chenrop Samphaodi hay Suporn Peenagatapho. Tại giải MSL, CLB giàu có Melaka United cũng mới mua thêm tuyển thủ Singapore, Shahdan Sulaiman. Tiền vệ kiến tạo Sulaiman cũng là cầu thủ thứ 4 từ Singapore chuyển sang giải MSL từ đầu tháng 12 đến nay sau Hariss Harun (đến CLB Johor Darul Ta’zim), Safuwan Baharudin (đến Pahang) và Madhu Mohana (đến Negeri Sembilan). Trước đó, giải MSL cũng có sự hiện diện của 2 ngôi sao từ Indonesia là cặp tiền đạo Evan Dimas và Ilham Armaiyn (CLB Selangor FA).

tin liên quan

Công Phượng giỏi hay dở?
Chân sút được kỳ vọng nhất của đội tuyển U.23 Việt Nam với mục tiêu có điểm ở VCK U.23 châu Á 2018 để tạo kỳ tích của thầy Park Hang-seo vẫn là Công Phượng dù gần đây anh bị 'soi' kỹ lưỡng.
Trên trang FOX Sports, chương mục cập nhật thị trường chuyển nhượng các giải đấu trong khu vực Đông Nam Á sẽ mở cho đến trước mùa giải mới khởi tranh từ tháng 2 và 3.2018. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.