Những đội bóng kỳ lạ: Đội bóng Palestine trong lòng... Israel !

11/04/2015 08:40 GMT+7

Một đội bóng người Ả Rập xuất hiện trên đấu trường 2 Cúp châu Âu? Chuyện khó tin, nhưng quả đã có một đội như vậy.

Một đội bóng người Ả Rập xuất hiện trên đấu trường 2 Cúp châu Âu? Chuyện khó tin, nhưng quả đã có một đội như vậy.

Bnei và chiếc cúp quốc gia Israel 2004 - Ảnh: AFP
Bnei và chiếc cúp quốc gia Israel 2004 - Ảnh: AFP
Bnei Sakhnin đi vào lịch sử Cúp UEFA mùa bóng 2004 -2005. Đó là đội bóng Ả Rập đầu tiên thi đấu ở một trong các Cúp châu Âu.
Bóng đá Israel đã chết !
Vé dự Cúp UEFA mùa bóng 2004 - 2005 đến từ một thành tích lịch sử của Bnei: đoạt cúp quốc gia Israel 2004. Khi ấy, các cổ động viên của CLB kình địch Beitar Jerusalem đã bỏ tiền thuê hẳn một trang quảng cáo trên báo để đăng mục... ai điếu, với dòng chữ lớn: "Bóng đá Israel đã chết"!
Cả Beitar Jerusalem lẫn Bnei Sakhnin đều không có nhiều điều đáng nói về giá trị chuyên môn. Vậy mà báo chí lại xếp cặp đấu này ở Israel vào vị trí rất cao trong danh sách những trận derby nóng bỏng nhất trong làng cầu thế giới - bỏ xa các cặp derby danh tiếng ở Milan, Liverpool, Manchester hoặc Roma. Đấy là vì sự thù nghịch từ tôn giáo, sắc tộc đến chính trị. Thật ra, Bnei phải đối đầu với sự kình địch của mọi CLB còn lại ở giải VĐQG Israel, trong đó Beitar là căng thẳng nhất.
Đấy là CLB duy nhất thuộc cộng đồng người Hồi giáo ở giải VĐQG Israel hiện nay. Chính thức thì nói như vậy. Trên thực tế, người ta có thể nói luôn: Bnei là một đội bóng Palestine ở Israel. Chính vì đặc điểm này, luôn có những chính trị gia xem Bnei là một công cụ hơn là một đội bóng đơn thuần. Thi thoảng, đây đó lại xuất hiện những bài viết với tựa đề đại khái như thế giới cần quan tâm đến một đội bóng gọi là Bnei!
Quả thực, Bnei xuất hiện trước tiên là vì lý do chính trị. Thành phố Sakhnin được thành lập vào năm 1995, với dân số 25.000 người, tuyệt đại đa số là người theo đạo Hồi. Không lâu trước khi khu vực này được công nhận là thành phố thì đội Bnei Sakhnin đã được thành lập. Vì nhiều lý do, các phe nhóm đối đầu ở Israel đều muốn có sự hiện diện của Bnei, như một thông điệp nói lên cuộc sống tinh thần của người Ả Rập Israel. Tầm quan trọng của Bnei nhanh chóng vượt khỏi biên giới Israel. Hội đồng Olympic Qatar nhanh chóng chi tiền tài trợ để Bnei có một sân bóng “xem được”. Đấy là lý do vì sao sân nhà của CLB Israel này lại mang tên Doha.
Vẫn tồn tại dù bị ghét
Rắc rối lớn bắt đầu xuất hiện vào năm 2003, khi Bnei làm nên chiến tích lịch sử: thăng hạng và lần đầu tiên xuất hiện ở giải VĐQG Israel. Chẳng những thế, họ còn tiếp tục thành công, đoạt cúp quốc gia chỉ 1 năm sau đó và tiến ra đấu trường châu Âu. Đến đây thì các chính khách không còn khả năng kiểm soát mọi chuyện trong phòng họp nữa. Bóng đá là môn thể thao đại chúng. Và khi thi đấu ở đẳng cấp cao, Bnei đương nhiên khó thoát khỏi các vấn đề xã hội. Cổ động viên Bnei phải chịu mọi sự đè nén khi theo chân đội đến các sân bóng thuộc cộng đồng Thiên Chúa giáo. Rồi họ "phản công" trong các trận sân nhà, bằng cách trương cờ Palestine.
Không khó hiểu khi các khẩu hiệu chống Ả Rập, chống Hồi giáo xuất hiện nhan nhản ở mọi sân bóng còn lại trong làng cầu Israel mỗi khi Bnei làm khách. Mọi trận đấu có Bnei Sakhnin ở giải Israeli Premier League đều nóng bỏng. Beitar Jerusalem nhanh chóng tuyên bố xem Bnei Sakhnin là kình địch vĩnh cửu. Ở châu Âu, người ta luôn xem một câu nói xúc phạm người da đen trên khán đài là trọng tội phân biệt chủng tộc. Câu chuyện sẽ trở nên đình đám và UEFA sẽ tuyên bố điều tra sự việc. Nhưng tất cả đều trở nên nhẹ bỗng khi so sánh với bầu không khí thù nghịch trong các trận đấu có Bnei ở Israel.
Có một nhân vật được xem là huyền thoại ở Bnei Sakhnin. Đó là Abbas Suan, cầu thủ đã gắn bó với đội ngay từ ngày đầu thành lập, giải nghệ cũng trong màu áo Bnei, sau đó huấn luyện và nay đang làm giám đốc kỹ thuật của đội. Vào năm 2005, Suan từng ghi bàn vào đúng phút chót, giúp Israel gỡ hòa 1-1 trong trận gặp đối thủ chính ở vòng loại World Cup là CH Ireland, tại sân nhà. Anh được tôn vinh? Không hề. Các cổ động viên trương luôn các khẩu hiệu: "Suan không đại diện cho Israel", hoặc "Chúng tôi ghét người Ả Rập".
Luôn bị xem là đối thủ đáng ghét nhất trong mắt 13 CLB còn lại ở giải VĐQG, có thể xem Bnei Sakhnin là CLB... khổ nhất thế giới? Thế nhưng thú vị là họ không chỉ tồn tại mà còn đứng vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.