Những kỳ án của World Cup

20/05/2010 23:44 GMT+7

18 kỳ World Cup đã qua, với không ít vinh quang và nước mắt. Tuy nhiên, cũng có lắm chuyện bê bối mà cho đến ngày nay người ta vẫn còn tranh cãi.

Cú sút của Hurst bật xà ngang dội xuống tại Anh năm 1966 - Ảnh: AP

18 kỳ World Cup đã qua, với không ít vinh quang và nước mắt. Tuy nhiên, cũng có lắm chuyện bê bối mà cho đến ngày nay người ta vẫn còn tranh cãi.

2 quả bóng trong một trận đấu

Theo thống kê của tờ Times Online, trong 50 vụ tai tiếng của thể thao thế giới từ xưa đến nay thì riêng World Cup đã có hơn chục vụ đình đám, và đã xuất hiện ngay từ kỳ World Cup đầu tiên ở Uruguay năm 1930.

Đó là vụ tranh cãi sẽ dùng quả bóng nào để thi đấu trận chung kết giữa Uruguay và Argentina, khi cả hai đội tuyển bên nào cũng nằng nặc đòi dùng quả bóng quen thuộc của mình để thi đấu. Vụ tranh cãi âm ỉ đến nỗi đẩy FIFA lâm vào thế khó xử, vì một mặt muốn chiều theo ý của đội chủ nhà để giải đấu được suôn sẻ, nhưng mặt khác cũng sợ Argentina tẩy chay. Tuy nhiên, cuối cùng ông trọng tài chính người Bỉ Langenus đã đưa ra giải pháp dung hòa, là mỗi hiệp sẽ sử dụng bóng của mỗi đội. Argentina chọn bóng của mình thi đấu ở hiệp 1 và dẫn 2-1. Nhưng sang hiệp 2, Uruguay dùng quả bóng có tên gọi “Tiento” đã ghi một mạch 3 bàn để thắng chung cuộc 4-2 và giành chức vô địch thế giới lần đầu tiên. Từ đó, lịch sử tên gọi những quả bóng được sử dụng ở mỗi VCK ra đời, và FIFA cũng quy định chỉ sử dụng một loại bóng chính thức duy nhất.

Hiện, những quả bóng từng được sử dụng qua mỗi VCK World Cup được trưng bày ở Bảo tàng Bóng đá quốc gia Anh, trong đó có cả 2 quả bóng đã dùng trong trận chung kết World Cup đầu tiên. Tại VCK sắp tới tại Nam Phi, quả bóng thi đấu chính thức có tên gọi là Jabulani.

Sau giai thoại trên, lịch sử World Cup cũng chứng kiến thêm nhiều vụ tranh cãi nổi tiếng khác như “bàn thắng ma” của tiền đạo Geoff Hurst nâng tỷ số lên 3-2 trong trận chung kết World Cup 1966 giữa tuyển Anh và CHLB Đức (chung cuộc là 4-2). Khi đó, việc tranh cãi quả bóng đã qua vạch vôi chưa sau cú sút mạnh của Hurst bật xà ngang dội xuống là đề tài liên tu bất tận của báo giới và dư luận cả hai nước này, và mãi cho đến sau này nhờ những công nghệ tiên tiến về truyền hình người ta mới xác nhận chính xác là bóng chưa qua vạch vôi. Và dĩ nhiên, người Đức rất ấm ức và cho rằng, nếu không có “bàn thắng ma” đó thì chưa chắc người Anh đã đăng quang.

Một vụ ghi bàn gây tranh cãi khác và cũng liên quan tới việc nhận định sai lầm của trọng tài, là “bàn tay của Chúa” của Diego Maradona tại World Cup 1986 ghi trong trận Anh - Argentina (1-2) ở vòng tứ kết. Khi đó, Maradona ghi cả 2 bàn thắng cho Argentina, nhưng bàn mở tỷ số là một pha tiểu xảo dùng tay chơi bóng, còn bàn thứ hai là một trong những pha làm bàn đẹp nhất mọi thời đại, khi danh thủ này dẫn bóng một mạch từ sân nhà qua sân đối phương và loại bỏ mọi đối thủ để ghi bàn.

Cũng liên quan tới Maradona, tại World Cup 1994 ở Mỹ, danh thủ này đã bị phát hiện sử dụng chất khích thích và bị trục xuất khỏi VCK. Tuy nhiên, Maradona một mực kêu oan cho rằng anh trong sạch và người ta đã âm mưu loại anh ra khỏi giải đấu chỉ vì không muốn Argentina giành ngôi vô địch nữa.


“Bàn tay của Chúa” của Diego Maradona tại World Cup 1986 - Ảnh: Reuters

Tiêu cực vì không đá cùng giờ

Tại World Cup 1978, việc đội chủ nhà Argentina thắng đậm Peru 6-0 ở lượt cuối vòng bảng thứ hai và qua mặt Brazil nhờ hơn hiệu số để vào chơi trận chung kết, đã khiến dư luận nghi ngờ là có sự dàn xếp. Trước đó, Brazil đã kết thúc vòng bảng với 2 trận thắng và 1 trận hòa, được 5 điểm (theo kiểu tính điểm cũ là thắng 2, hòa 1 và bại 0), có hiệu số +5. Argentina có ít hơn 2 điểm và hiệu số +2, nhưng còn một trận chưa đấu với Peru, mà lại diễn ra muộn hơn trận của Brazil gặp Ba Lan gần một giờ. Và vì vậy, người ta đã nghi ngờ Peru đã “thả cửa” cho các cầu thủ Argentina mặc sức tung hoành để ghi đến 6 bàn thắng - một tỷ số vừa đủ để đội chủ nhà lọt vào chung kết nhờ hơn hiệu số (+8 so với +5) dù bằng 5 điểm như Brazil.

Ở World Cup 1982, cũng xảy ra nghi án dàn xếp tỷ số, và thậm chí còn trắng trợn hơn khi dư luận nghi ngờ Đức và Áo đã “bắt tay nhau” để loại Algeria khỏi vòng 2. Ở trận này, Đức thắng Áo 1-0 với bàn thắng ghi từ sớm ở phút thứ 10, để rồi sau đó 2 đội không thèm chơi bóng nữa. Vì với tỷ số này là đủ cho 2 đội dắt tay nhau vào vòng 2, trong khi Algeria dù thắng Chile 3-2 nhưng đã thi đấu trước đó 1 ngày đành ngậm ngùi ra về vì thua hiệu số dù bằng 4 điểm như Đức và Áo sau 3 trận vòng bảng.

Tất nhiên, trong những nghi án dàn xếp tỷ số này chỉ có các nạn nhân là lên tiếng kêu ca. Nhưng, với những đội liên quan thì cũng có lý do để phản bác lại khi cho rằng họ không vi phạm luật lệ của FIFA. Chính vì vậy, để chấm dứt các vụ tranh cãi, về sau này FIFA đưa ra quy định bắt buộc các trận ở lượt cuối vòng bảng đều phải đá cùng giờ.

Giang Lao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.