Những kỷ lục có một không hai

24/05/2010 00:24 GMT+7

Lịch sử World Cup có không ít giai thoại để đời, và bên cạnh đó còn có những kỷ lục vô tiền khoáng hậu lưu mãi trong ký ức người hâm mộ mà đến nay không dễ phá.

Roger Milla ghi bàn trong trận gặp tuyển Nga ở World Cup 1994 - Ảnh: Reuters

Lịch sử World Cup có không ít giai thoại để đời, và bên cạnh đó còn có những kỷ lục vô tiền khoáng hậu lưu mãi trong ký ức người hâm mộ mà đến nay không dễ phá.

"Ông già gân" Roger Milla

Mùa hè nước Mỹ năm 1994, hơn 74.000 khán giả ngồi kín sân Stanford ở California theo dõi trận đấu chỉ còn mang tính thủ tục giữa Cameroon và Nga, vì ở lượt cuối vòng bảng này, cả hai đều đã hết hy vọng đi tiếp vào vòng 2. Mặc dù vậy, trận đấu tưởng chừng không có gì đáng nói ấy lại trở thành một mốc son trong các trang sử của World Cup. Đó là 5 bàn thắng của tiền đạo Oleg Salenko ghi chỉ trong mỗi trận đấu này, và cho đến nay lẫn trước kia chưa có cầu thủ nào làm được. Tuy nhiên, kỳ tích này không thể so với những gì mà huyền thoại của châu Phi - Roger Milla thực hiện được ở độ tuổi già kỷ lục tại World Cup: 42 tuổi và 39 ngày. Bởi, Milla không chỉ là cầu thủ lớn tuổi nhất lịch sử tham dự một VCK World Cup, mà ông còn trực tiếp ghi bàn nữa.

Thực ra trước đó 4 năm ở kỳ World Cup 1990 tại Ý, tên tuổi của ngôi sao đội tuyển "Những chú sư tử bất khuất" này đã được khán giả khắp thế giới biết đến, khi ông tỏa sáng rực rỡ với 4 bàn thắng và sáng tác ra điệu nhảy ăn mừng mỗi khi ghi bàn có một không hai ở khu vực đá phạt góc. Tuy bị đội Anh loại ở tứ kết, nhưng Cameroon đã ra về trong thế ngẩng cao đầu và là tấm gương sáng cho những đội tuyển khác ở lục địa đen noi theo.


Và cái húc đầu nhận thẻ đỏ để đời của Zidane - Ảnh: AFP

Ở tuổi 42,  Milla đã phá kỷ lục người già nhất thi đấu ở Cúp thế giới khi vượt qua kỷ lục cũ của thủ môn huyền thoại người Bắc Ireland, Pat Jennings. Có một sự trùng hợp kỳ lạ trong việc phá kỷ lục này, là thủ môn Jennings ra sân thi đấu ở độ tuổi 41 tại World Cup 1986 trong trận thua Brazil 0-3 và vượt qua kỷ lục cũ của một thủ môn huyền thoại khác là Lev Yashin (40 tuổi, 7 tháng và 23 ngày) lập trước đó. Khi Milla ra sân thay cầu thủ David Embe ở phút 64 trong trận Cameroon thua Brazil 0-3 ngày 24.6. 1994, ông đã xác lập kỷ lục mới là 42 tuổi và 35 ngày. 4 ngày sau, Milla lại phá kỷ lục của chính mình vừa lập khi được vào sân ở đầu hiệp 2 trận gặp Nga, và không chỉ có vậy, ông còn ghi một trong những bàn thắng nhanh nhất ở World Cup chỉ 1 phút sau khi vừa có mặt trên sân.

Với những kỷ lục mà Milla đã thực hiện, nhìn vào danh sách sơ bộ các đội dự World Cup sắp tới tại Nam Phi, gần như không có một cầu thủ nào có thể làm được điều tương tự.

Trận đấu nhiều bàn thắng nhất

Trong lịch sử các trận đấu ở 18 kỳ World Cup đã qua, trận Áo - Thụy Sĩ ở vòng tứ kết World Cup 1954 được xem là trận đấu có tỷ số cao nhất: 7-5 nghiêng về đội Áo. Sau này, cũng có nhiều trận đấu có tỷ số cao như trận Nigeria thắng Tây Ban Nha 3-2 ở World Cup 1998, Bỉ thắng Liên Xô (cũ) 4-3 ở World Cup 1986 và CHLB Đức thắng Anh 3-2 ở World Cup 1970; hoặc như trận Bồ Đào Nha lội ngược dòng thắng CHDCND Triều Tiên 5-3 ở World Cup 1966... Nhưng cho đến nay, chưa có trận nào có tỷ số kỷ lục như trận Áo - Thụy Sĩ hồi năm 1954, khi cầu thủ hai đội thay nhau ghi bàn trong cuộc rượt đuổi tỷ số nghẹt thở, và cũng đã có một kỷ lục có một không hai khác trong trận này là có đến 2 cầu thủ lập hat-trick gồm Theodor Wagner của đội Áo, và Sepp Hugi của Thụy Sĩ. Giới chuyên môn cho rằng bóng đá thế giới ngày càng khoa học và chặt chẽ nên việc ghi bàn càng trở nên khó khăn, nên chắc chắn sẽ khó có trận nào phá được

Ngược với kỷ lục ghi bàn ấn tượng trên là kỷ lục nhận thẻ đáng buồn của danh thủ người Pháp Zinedine Zidane. Ít ai nghĩ Zidane có một bản thành tích tệ như vậy trong 3 kỳ World Cup mà anh đã tham gia, vì nhận tới 4 thẻ vàng và 2 thẻ đỏ trong 12 trận thi đấu. Ở World Cup 1998 trên sân nhà, Zidane đã giúp tuyển Pháp đăng quang nhưng anh cũng liên tiếp nhận thẻ vàng ngay từ trận đầu tiên với Nam Phi, và sau đó là chiếc thẻ đỏ ở trận gặp Saudi Arabia, nên phải nghỉ thi đấu ở vòng 2 và phải đến vòng tứ kết mới trở lại thi đấu. World Cup 2002 cũng thật ê chề khi Zidane phải nghỉ 2 trận ra quân của tuyển Pháp và khi trở lại thi đấu thì anh cũng không giúp được gì cho những nhà ĐKVĐ Pháp, và đã trở thành đội ĐKVĐ thứ hai trong lịch sử World Cup sau Brazil bị loại ngay vòng 1. Tuy nhiên chiếc thẻ đỏ nhận ở trận chung kết World Cup 2006 giữa Pháp với tuyển Ý của Zidane mới thực sự để đời khi anh không thể kiềm chế những khiêu khích của trung vệ Materazzi đã húc đầu vào cầu thủ này, để rồi Pháp mất chức vô địch vào tay tuyển Ý sau những loạt sút luân lưu 11m. Chắc chắn kỷ lục của Zidane cũng có một không hai và khó ai lập được.

Giang Lao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.