Những trận đấu kỳ lạ: Dynamo Moscow đá với Arsenal bằng 12 cầu thủ

12/10/2015 07:45 GMT+7

Kể cả khi bỏ qua những chi tiết hy hữu, hoang đường hoặc kỳ lạ, thì trận giao hữu giữa Arsenal (Anh) và Dynamo Moscow (Liên Xô) vào tháng 11.1945 cũng đã là một trong những trận đáng nhớ nhất xưa nay, chưa kể giá trị lịch sử của nó.

Kể cả khi bỏ qua những chi tiết hy hữu, hoang đường hoặc kỳ lạ, thì trận giao hữu giữa Arsenal (Anh) và Dynamo Moscow (Liên Xô) vào tháng 11.1945 cũng đã là một trong những trận đáng nhớ nhất xưa nay, chưa kể giá trị lịch sử của nó. 

Sương mù dày đặc nên Dynamo Moscow đá với 12 cầu thủ mà không bị phát hiện - Ảnh: AFP
Sương mù dày đặc nên Dynamo Moscow đá với 12 cầu thủ mà không bị phát hiện - Ảnh: AFP
Đệ nhị thế chiến vừa kết thúc. Liên Xô thận trọng nhận lời mời của Hiệp hội Bóng đá Anh (FA), cử một đội bóng sang đá giao hữu trên quê hương bóng đá. Dynamo Moscow được chọn, và đấy là CLB Liên Xô đầu tiên thi đấu với các đối thủ phương Tây.
Giới hâm mộ xôn xao ngay từ khi có thông tin, rằng một đội bóng từ Liên Xô sẽ đá giao hữu ở Anh. Thời ấy, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) còn chưa được thành lập, và hẳn nhiên là cũng chưa có các cúp châu Âu tầm CLB. "Quả bóng vàng châu Âu" hoặc đấu trường Euro dĩ nhiên đều chưa xuất hiện. Tóm lại, dân Anh gần như không có chút thông tin nào về bóng đá Liên Xô thuở ấy.
Khoan nói đến các nước Đông Âu, quê hương bóng đá thậm chí gần như không biết rằng bóng đá đã phát triển mạnh mẽ đến mức độ nào bên ngoài hòn đảo sương mù. Cần nhớ: World Cup 1950 mới là kỳ World Cup đầu tiên có mặt đội tuyển Anh.
Vậy nên, kế hoạch về chuyến du đấu quan trọng của Dynamo Moscow tại Anh được các bên bàn bạc rất tỉ mỉ, với hàng loạt chi tiết chỉ được thống nhất sau những tranh cãi căng thẳng. "Hệ thống trọng tài" chẳng hạn. Sau khi xác định Dynamo Moscow sẽ đá 4 trận trong tour giao hữu, các bên thỏa thuận luân phiên dùng "hệ thống trọng tài Liên Xô" và "hệ thống trọng tài Anh". Trong "hệ thống trọng tài Liên Xô", đang áp dụng thuở ấy, thì hai trọng tài biên đều đứng ở cùng một đường biên. Một thỏa thuận khác: các bên được phép thay cầu thủ - trong thời kỳ mà bóng đá chưa cho phép điều này.
Ở trận đầu tiên gặp Chelsea, Dynamo Moscow thủ hòa 3-3 dù bị dẫn điểm 0-2 rồi 2-3. Nhận định mang tính xem thường "những cầu thủ nghiệp dư" của báo chí Anh trước đó coi như phá sản. Ở trận kế tiếp gặp đối thủ yếu Cardiff City, Dynamo Moscow thắng đến 10-1.
Đến đây, mọi chuyện mới trở nên hấp dẫn. Giới hâm mộ Anh biết thêm: Dynamo Moscow chính là CLB hay nhất Liên Xô thời ấy. Họ đã đoạt chức VĐQG 4 lần, dù giải vô địch Liên Xô chỉ mới bắt đầu từ năm 1936 và bị hoãn vì chiến tranh trong giai đoạn 1941 - 1944. Khi giải này được tổ chức lại vào năm 1945 thì Dynamo Moscow lại đoạt chức vô địch.
Thế còn Arsenal? Đây cũng là đội hàng đầu ở Anh trong các thập niên 1930 - 1940, chưa kể Arsenal còn tăng cường các hảo thủ từ nơi khác như Stanley Matthews, Stan Mortensen (của Blackpool) hoặc Joe Bacuzzi (Fulham). Đương nhiên phải đá với Arsenal - đấy là yêu cầu quan trọng của phái đoàn Liên Xô khi các bên đàm phán trước đó. Lập luận: "Đến London mà không thi đấu với Arsenal thì cũng như đến Ai Cập mà không thăm Kim tự tháp".
Trận giao hữu “thượng đỉnh” Arsenal - Dynamo Moscow diễn ra như thế nào? Hầu như không ai - kể cả những người có mặt tại sân - biết được tường tận! Chỉ biết: tỷ số là 4-3 nghiêng về đội khách Dynamo Moscow, và... chấm hết. Lạ thay, tuy không thể tường thuật tỉ mỉ trong nửa trang báo, nhưng người ta lại viết được cả một cuốn sách về trận đấu kỳ lạ này. Chi tiết mơ hồ: nhiều người khẳng định Dynamo Moscow kết thúc trận đấu với... 12 cầu thủ trên sân!
Hôm ấy, sương mù dày đặc đến nỗi người ta chỉ có thể thấy rõ mọi chuyện trong phạm vi... vài mét. Các cầu thủ Arsenal nói rằng lúc Dynamo thay người trong hiệp hai thì cầu thủ dự bị vào sân nhưng chẳng có cầu thủ nào bước ra. Cầu thủ vào sân thay người ở một đường biên trong khi các trọng tài biên đều đứng ở đường biên còn lại. Theo các hậu vệ Arsenal, cả hai bàn cuối của Dynamo Moscow đều được ghi trong tình huống việt vị, nhưng làm sao có thể bắt việt vị khi tầm nhìn của trọng tài chỉ là vài mét? Người ta còn kể: cứ mỗi khi có cầu thủ chơi xấu, anh ta chỉ cần chạy nhanh vài bước là thoát khỏi tầm nhìn, trọng tài chẳng còn biết phải phạt ai!
Những chi tiết ấy đều đáng tin đối với những ai biết rõ thế nào là sương mù London. Từng có một trận sân nhà của Charlton Athletic phải ngưng giữa chừng vì sương mù quá dày đặc. Vào phòng thay đồ một lúc, các cầu thủ Charlton mới phát hiện thiếu thủ môn Sam Bartram và họ đi tìm. Hóa ra, Bartram vẫn đang trấn giữ khung thành, nghĩ rằng toàn đội đang tấn công ở cầu môn bên kia và đối thủ cũng đang lùi về phòng ngự nên xung quanh anh chẳng còn ai.
Dù sao đi nữa, Dynamo Moscow đã thành công trong chuyến du đấu lịch sử tại Anh. Chuyến đi kết thúc sau trận hòa 2-2 với Glasgow Rangers.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.