Niềm hy vọng hòa bình từ sứ giả thể thao

Tây Nguyên
Tây Nguyên
06/02/2019 10:05 GMT+7

Năm 2018 dù rộn rã World Cup, ASIAD 18 và Olympic mùa đông, nhưng sự hợp nhất của một số tuyển của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tranh tài ở một số sự kiện thể thao lớn không những ghi dấu lịch sử mà còn nhấn mạnh vai trò sứ giả hòa bình của thể thao.

Chiến thắng không phải là tất cả

Trước thềm ngày khai mạc vào tháng 2, Olympic mùa đông 2018 do Hàn Quốc đăng cai dấy lên nỗi lo về sự an toàn khi căng thẳng giữa nước chủ nhà và CHDCND Triều Tiên leo thang. Hai quốc gia này vốn vẫn đang trong tình trạng đình chiến sau một thỏa hiệp ngừng bắn kể từ năm 1953 và sự thù địch không có dấu hiệu “giảm nhiệt” trong năm 2017. Mối quan ngại trên càng tăng cao khi nước láng giềng CHDCND Triều Tiên bỏ lỡ các mốc thời gian để đăng ký tham gia sự kiện.
Giữa bối cảnh u ám ấy, một tia sáng chợt lóe lên sau những động thái của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Đó là việc IOC đồng ý đặc cách cho VĐV CHDCND Triều Tiên tham dự Olympic mùa đông năm nay và chủ nhà Hàn Quốc sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đi lại cho đoàn VĐV nước láng giềng. Kết quả vượt ngoài sự mong đợi, bởi CHDCND Triều Tiên không những đồng ý cử đoàn tham dự, mà còn chấp thuận cả việc diễu hành chung cùng với đoàn Hàn Quốc dưới lá cờ thống nhất ở lễ khai mạc và thành lập đội tuyển khúc côn cầu nữ liên Triều tranh tài ở sự kiện.
Tuyển khúc côn cầu trên băng nữ liên Triều được người hâm mộ đề cử giải Nobel Hòa bình 2018 AFP
Đội tuyển khúc côn cầu này với thành phần gồm 35 VĐV, trong đó có 12 cô gái đến từ CHDCND Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 2 miền Triều Tiên thành lập chung một đội tuyển thể thao thi đấu ở một giải đấu quốc tế lớn như Olympic. Vì vậy, trận đấu đầu tiên của các cô gái tuyển liên Triều đã thu hút mọi ánh mắt từ thế giới, tạo nên một cơn sốt trên mạng xã hội. Những cô gái Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sau đó đã sát cánh cùng nhau tranh tài ở 5 trận đấu. Chỉ có điều, họ đã thất bại “toàn tập” và thậm chí còn xác lập một kỷ lục tệ hại nhất: thua 3 trận vòng bảng với hiệu số -19, thất bại 0-2 trước Thụy Sĩ ở bán kết tranh hạng từ 5-8, trước khi thúc thủ 1-6 trước Thụy Điển ở trận tranh hạng 7.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc 35 cô gái có quá ít thời gian tập luyện cùng nhau và khúc côn cầu trên băng không phải môn thế mạnh của Hàn Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên. Thế nhưng, điều kỳ lạ khi những thất bại ê chề ấy lại được xem là một hình ảnh đẹp nhất được ghi dấu trong lịch sử thể thao. Thậm chí, không ít cư dân mạng thế giới đã đề cử giải Noel hòa bình cho đội tuyển khúc côn cầu nữ liên Triều. Bởi trước thềm Olympic mùa đông 2018, các đội tuyển CHDCND Triều Tiên hầu hết đều chủ động “cách ly” với bên ngoài và đặc biệt những cử chỉ thân thiện đối VĐV Hàn Quốc được ngấm ngầm coi là “điều cấm kỵ” ở các giải đấu thể thao quốc tế.
“Hiếm khi môn thể thao trở thành thứ yếu trên một trong những sân khấu thể thao vĩ đại nhất. Hiếm khi lịch sử đẹp được ghi dấu mà không có một huy chương giành được hoặc một kỷ lục thành tích quá tệ được xác lập… Đội tuyển khúc côn cầu liên Triều đã ra mắt và thất bại toàn diện nhưng đã gửi một thông điệp tới thế giới rằng chiến thắng không phải lúc nào cũng là tất cả”, cây bút Aimee Lewis của CNN viết.
Niềm hy vọng hòa bình được thắp sáng
Bên cạnh những chỉ trích tiêu cực, đã có những ý kiến cho rằng động thái thống nhất trong thể thao là những “mưu đồ chính trị” cho mục đích riêng của cả Hàn Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên. Nhưng một lần nữa, thể thao lại là sứ giả để chứng mình rằng hòa bình có thể lập lại trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, ngoài cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, cả hai quốc gia mới đây đã thành lập 3 tuyển chung và cùng diễu hành dưới lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc ASIAD 2018.
Tuyển chèo thuyền liên Triều đoạt những huy chương lịch sử ở ASIAD 18 AFP
Lịch sử một lần nữa ghi thêm dấu mốc khi tuyển thuyền rồng nam, nữ liên Triều đoạt 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Mới đây nhất, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đồng ý thành lập một số đội tuyển chung tranh tài ở Olympic 2020. Niềm hy vọng thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên càng được thắp sáng khi cả hai quốc gia vừa thông qua việc cùng đấu thầu để đồng đăng cai Olympic 2032.
Thể thao đang mang lại những khoảnh khắc đẹp trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2018. Và biết đâu sự hợp lực, đoàn kết của những đội tuyển liên Triều có thể sẽ giúp họ trở thành một thế lực của thể thao châu Á và thế giới trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.