Nỗi ám ảnh của tuyển Anh

18/05/2010 00:54 GMT+7

“Quê hương bóng đá” - người Anh luôn tự hào như vậy. Thế nhưng người Anh chỉ 1 lần đăng quang (World Cup 1966), và họ đã bị ám ảnh suốt từ đó đến nay.

Paul Gascoigne và nỗi ám ảnh 11m - Ảnh: Reuters

“Quê hương bóng đá” - người Anh luôn tự hào như vậy. Thế nhưng người Anh chỉ 1 lần đăng quang (World Cup 1966), và họ đã bị ám ảnh suốt từ đó đến nay.

Liên tục “chết” trên chấm phạt đền

Kể từ lúc những bậc tiền bối như Gordon Banks, Jack Charlton, Bobby Moore, Bobby Charlton, Geoff Hurst, Roger Hunt... cùng HLV trưởng huyền thoại là Sir Alf Ramsey nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới lần đầu tiên của tuyển Anh ngay trên thánh địa Wembley, họ đâu biết rằng đã vô tình tạo ra cho hậu bối của mình một nỗi ám ảnh kéo dài suốt 44 năm qua. Bình luận viên kỳ cựu của BBC Sport, ông Phil McNulty, mới đây trong một bài viết đã đúc kết: “Từ sau ngôi vô địch World Cup trên sân nhà, đội tuyển Anh đã trải qua các giai đoạn từ kỳ vọng đến hy vọng và cuối cùng là thất vọng”. Thất vọng lớn nhất, có lẽ chính là 4 năm về trước ở nước Đức khi đoàn quân “Tam sư” (biệt danh của tuyển Anh) với nhiều tài năng xuất sắc và đang đạt phong độ cao do HLV Eriksson dẫn dắt với biết bao hy vọng, nhưng rồi đã ra về trong nước mắt sau vòng tứ kết (thua Bồ Đào Nha) bởi những quả đá luân lưu 11m oan nghiệt, kèm theo một loạt câu chuyện bên lề bê bối, như việc các cô vợ và bạn gái của tuyển thủ Anh đi theo các đức lang quân hay bạn trai của mình đã gây xao nhãng tinh thần của toàn đội...


Capello sẽ mang lại niềm tin cho tuyển Anh - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trên hết là sự thất bại trên chấm 11m gần như là một định mệnh gắn liền với tuyển Anh mà tất cả bắt nguồn từ World Cup 1990. Cho đến nay, không ai quên được cái đêm ở sân Stadio delle Alpi, thành phố Turin của Ý, ngày 4.7.1990, với hình ảnh gương mặt đẫm nước mắt của tiền vệ Paul Gascoigne trong ngày đó (đến nỗi bây giờ người ta đã dựng lại thành bộ phim với tựa “Một đêm ở Turin” - ảnh), khi tuyển Anh thất thủ đau đớn trên chấm 11m trước đối thủ truyền kiếp CHLB Đức ở trận bán kết. 6 năm tiếp sau đó ở kỳ Euro 1996 được tổ chức ngay tại nước Anh, họ một lần nữa “chết trên”  chấm 11m, và cũng gục ngã trước kình địch là tuyển Đức. 2 năm sau, ở World Cup France ‘98, với sự xuất hiện của thần đồng Michael Owen, nhưng tuyển Anh vẫn thua Argentina sau các quả 11m ở vòng 1/16. Đến Euro 2004 cũng vậy, tuyển Anh với thế hệ cầu thủ đã chín muồi tài năng như Beckham, Owen, Lampard hay Terry... cũng không thể vượt qua định mệnh khi lại gục ngã trên chấm 11m.

Chính vì bị nỗi ám ảnh kỳ lạ này đeo đuổi, dư luận ở nước Anh đã tốn nhiều giấy mực để đi tìm nguyên nhân. Một trong các lý do được lý giải là vì phần lớn các tuyển thủ Anh không chịu nổi áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ mà tác động chính đến từ giới truyền thông. Trước mỗi kỳ World Cup hay Euro, báo chí Anh luôn gieo vào tư tưởng các cầu thủ một điều duy nhất là phải đoạt chức vô địch, vì chỉ có thế mới tương xứng với vị thế của bóng đá Anh và cũng để chứng tỏ với thế giới rằng, nước Anh sau thế hệ 1966 vẫn có những thế hệ cầu thủ tài năng khác. Chính điều đó đều chỉ mang lại những cơn ác mộng. Một hình ảnh tiêu biểu về tâm trạng của các cầu thủ Anh khi đối mặt với cơn ác mộng 11m là trung vệ Gareth Southgate ở Euro 1996, khi bước lên chấm phạt đền với nét mặt âu lo, buồn bã, nặng trĩu như thể anh đang dự đám tang của chính mình. Hay như, cú trượt chân của John Terry trong trận chung kết Champions League giữa Chelsea và M.U, cách đây 2 năm...

Capello sẽ “giết chết” nỗi ám ảnh?

Trước kỳ World Cup sắp tới đây, báo chí Anh có vẻ như đã giảm bớt áp lực kỳ vọng lên các tuyển thủ Anh. Tuy nhiên, không vì thế mà quên đi cơn ác mộng 11m. HLV Capello gần đây, khi bị báo chí Anh vặn vẹo sẽ cho ai sút 11m trong trường hợp đội tuyển sẽ đối mặt với tình huống này tại Nam Phi, ông đều giữ sự im lặng tuyệt đối. Mãi đến gần đây, ông Capello mới giãi bày rằng, ông hiểu những quá khứ mà tuyển Anh đã đối mặt, và ông muốn trở thành người “giết chết” những nỗi ám ảnh đã theo đuổi “Tam sư” bấy lâu nay.

Ông Capello nói: “Cách đây 2 năm rưỡi, mới đến tiếp nhận công việc làm HLV tuyển Anh, khi tôi gặp các cầu thủ, tất cả đều lộ vẻ sợ hãi và tinh thần sa sút thảm hại. Bởi, họ không chỉ bị những ám ảnh quá khứ mà còn vừa đối mặt với cơn ác mộng Croatia (bị đội tuyển này loại khỏi VCK Euro 2008 ngay sân Wembley). Tôi đã gầy dựng lòng tin nơi các cầu thủ, giúp họ mạnh mẽ trở lại. Bây giờ đây, tôi có thể nói đây là một đội tuyển Anh đầy khát vọng chiến thắng”.

Những lời nói của ông Capello nhận được sự đồng tình từ dư luận nước Anh. Vì trên thực tế, qua những gì mà nhà cầm quân người Ý này đã làm được suốt thời gian qua cho tuyển Anh, đã làm thay đổi cách nhìn từ một bộ phận dư luận ở xứ sương mù. Mặc dù vậy, đâu đó vẫn dấy lên câu hỏi: Liệu tuyển Anh sẽ đăng quang sau 44 năm chờ đợi, hay những ám ảnh vẫn tiếp diễn? Ngay cả bình luận viên kỳ cựu như Phil McNulty cũng cho rằng: “Tuyển Anh khó lòng mà làm nên chuyện”. Nhưng, mặc cho tất cả, HLV Capello vẫn dõng dạc tuyên bố: “Với chúng tôi World Cup đã bắt đầu, và hãy hướng về phía trước với một sự lạc quan”.

Giang Lao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.