Premier League thờ ơ với thị trường chuyển nhượng mùa đông: Chỉ tại… giá dầu

20/01/2016 11:39 GMT+7

Cánh cửa chuyển nhượng mùa đông đã mở từ 2 tuần nay nhưng dường như nỗi thất vọng về những bản hợp đồng tháng 1 đang làm tê cóng ngay cả những trái tim sôi sục nhất của ông chủ các CLB như Man City, M.U, Arsenal và Chelsea.

Cánh cửa chuyển nhượng mùa đông đã mở từ 2 tuần nay nhưng dường như nỗi thất vọng về những bản hợp đồng tháng 1 đang làm tê cóng ngay cả những trái tim sôi sục nhất của ông chủ các CLB như Man City, M.U, Arsenal và Chelsea.

Elneny là tân binh mà Arsenal vừa mang về trong kỳ chuyển nhượng mùa đông này - Ảnh: AFP

Ngoại trừ Arsenal mang về Mohamed Elneny (Basel) với khoản phí không tiết lộ, được Arsene Wenger giới thiệu là “cầu thủ trẻ trung, giàu hứa hẹn” ở vị trí tiền vệ đánh chặn, 3 đội bóng còn lại trong nhóm tứ đại gia truyền thống vẫn “bình chân như vại”.

Khó tin rằng một Elneny, 23 tuổi, có thể giúp Arsenal giành được ưu thế vượt trội rõ rệt nào đó trước ứng viên sáng giá Man City, thoát khỏi sự đeo bám của Leicester, nếu không muốn nói đây chỉ là phương án đầu tư dài hạn, nhằm thay thế những Tomas Rosicky, Mikel Arteta và Mathieu Flamini vào mùa hè. 

Liệu M.U và Chelsea có ném tiền vào thị trường chuyển nhượng để cải thiện nửa đầu mùa giải đáng thất vọng? Liệu Jurgen Klopp có được cấp ngân sách để in dấu ấn của mình lên Liverpool? Và Man City có mang về thêm một tiền đạo để chia sẻ gánh nặng ghi bàn với Sergio Aguero, trong bối cảnh Wilfred Bony dường như sẽ ra đi (theo diện cho mượn)? 

Câu trả lời phụ thuộc vào: Giá dầu. 

Abramovich (phải) chẳng vui vẻ gì khi vừa bị mất một khoản tiền lớn - Ảnh: AFP

Truyền thông Anh vốn có năng lực đặc biệt trong việc khai thác các nguồn tin (tin cậy và lá cải). Và thông tin đáng chú ý của họ lần này là việc ông chủ Chelsea, Roman Abramovich, cùng cổ đông thứ 2 của Arsenal, Alisher Usmanov, đã mất một khoản tiền trị giá hơn 1 tỷ bảng từ đầu 2016 tới nay, bởi vụ trượt giá dầu ở Nga. 

Và bởi chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, nơi từ lâu đã tồn tại và hiểu rõ ràng về khái niệm “hiệu ứng cánh bướm”, nên những gì xảy ra tại Nga sẽ khiến các CĐV Anh, cụ thể là Chelsea và Arsenal, 2 CLB đón nhận “bầu sữa” khổng lồ từ các doanh nhân giàu có người Nga, hiểu rằng đội bóng của họ sẽ bị… cắt sữa.  

Riêng Abramovich, với tài sản trị giá 6 tỷ USD (4,2 tỷ bảng), đã thiệt hại khoảng 820 triệu USD (575 triệu bảng). Trong khi Usmanov, sở hữu gần 1/3 Arsenal (30% cổ phần), mất 910 triệu USD (638 triệu bảng). 

Những diễn biến mới nhất trên thị trường giá dầu, chứng khoán và bất động sản (Abramovich sở hữu nhiều bất động sản tại London, New York và miền nam nước Pháp) khiến tỷ phú 49 tuổi này chắc chắn không vui vẻ lắng nghe những yêu cầu chi tiền từ HLV tạm quyền Guus Hiddink. 

Trên thực tế, tình cảnh Chelsea cũng như Man City. Không phải vì Sheik Mansour thiệt hại tài sản vì giá dầu rớt thê thảm, mà bởi tương lai lâu dài của Hiddink cũng như Manuel Pellegrini chẳng có gì bảo đảm. Và một chuyên gia kinh tế thất bại nhất cũng nhìn thấy rõ ràng: đầu tư làm gì khi người mới tới sẽ lại yêu cầu xây dựng lại từ đầu!?

Cuadrado là một thương vụ thất bại của Chelsea - Ảnh: AFP

Mặt khác, thị trường chuyển nhượng mùa đông có tác dụng tích cực hay tệ hại cho các ứng viên vô địch Anh? 

Kể từ khi nó được thiết lập cách nay 13 năm, người ta đã chứng kiến biết bao vụ mua trong hoảng hốt, mua trong tình trạng bị ép giá, mua mà không rõ ràng chất lượng đối tượng được mua. 

Những thương vụ thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là Nemanja Vidic đến M.U với giá 7 triệu bảng vào 2006, Luis Suarez gia nhập Liverpool với 23 triệu bảng vào 2010 và Gary Cahill rời Bolton đến Chelsea với giá 7 triệu bảng vào 2012.

Ngược lại, việc mua hớ dường như đã trở thành chuyện cơm bữa trong tháng 1, với điển hình là thương vụ trị giá 50 triệu bảng của Chelsea vào 2011. 

Không ai có quyền nghi ngờ chất lượng chơi bóng của Fernando Torres tại Premier League trong màu áo Liverpool. Nhưng kể từ khi tới tây London, chân sút người Tây Ban Nha chỉ còn là bóng ma của chính mình. 

Chưa hết, Chelsea phải ngậm đắng nuốt cay với thương vụ gần 25 triệu bảng, mua Juan Cuadrado từ Fiorentina, để bây giờ cầu thủ chạy cánh đang chơi bóng cho… Juventus. 

Bony (trái) thường xuyên phải ngồi dự bị ở Man City - Ảnh: AFP

Man City không phải là ngoại lệ, với trường hợp Wilfred Bony tốn tới 25 triệu bảng, nhưng lúc này thậm chí còn không cạnh tranh được suất chính thức cùng cầu thủ trẻ Iheanacho tại Etihad. 

Không tính tới lượng tin đồn vô hạn, thị trường chuyển nhượng tháng 1 rõ ràng không được các HLV/quản lý đón nhận một cách hồ hởi, như mùa hè. Những người chuyên nghiệp luôn lựa chọn việc chờ tới tháng 4 để lên danh sách chuyển nhượng, và bắt tay vào đàm phán trong tháng 6, trước khi quyết định chính thức vào tháng 8. 

Minh chứng? Mùa hè trước, các CLB Anh đã chi tới 870 triệu bảng trong mùa hè, so với 130 triệu bảng vào mùa đông. 

Sự chênh lệch hiển nhiên xuất phát từ thực tế là trừ phi những đội bóng thực sự “khát” tăng cường sức mạnh, bằng không, thị trường chuyển nhượng mùa đông sẽ luôn bị xem là nơi lãng phí tiền, tài năng và thời gian. 

Sự thật này sẽ không bao giờ thay đổi, bởi hiện thực là nó sẽ chỉ sản sinh ngày càng nhiều thêm những bản hợp đồng thất bại hơn là thành công. 

Những bản hợp đồng đáng chú ý tại Premier League trong tháng 1.2016:

Arsenal - Đến: Mohamed Elneny (FC Basel - không tiết lộ phí)

Đi: Không

Leicester City - Đến: Demarai Gray (Birmingham - 3,7 triệu bảng)

Đi: Joe Davis (Fleetwood - cho mượn)

Manchester City - Đến: Anthony Caceres (Central Coast Mariners - không tiết lộ phí)

Đi: Ian Lawlor (Bury - cho mượn)

Tottenham - Đến: Không

Đi: Kenny McEvoy (York - giải phóng hợp đồng)

Manchester United - Đến: Không

Đi: Ashley Fletcher (Barnsley - cho mượn); Ben Pearson (Preston - không tiết lộ phí)

Chelsea - Đến: Không

Đi: Không

Liverpool - Đến: Marko Grujic - Red Star Belgrade (5,1 triệu bảng, cho mượn lại đến cuối mùa); Steven Caulker - QPR - mượn

Đi: Không


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.