Rajagobal - người vượt thác

30/12/2010 23:09 GMT+7

Đó là HLV bản địa duy nhất ở Đông Nam Á đã hai lần liền đánh bại hai HLV ngoại thuộc loại “hàng hiệu” của bóng đá VN, cả mới lẫn cũ: ông Calisto và ông Riedl.

Rajagobal trong niềm hân hoan chiến thắng - Ảnh: Reuters

Đó là HLV bản địa duy nhất ở Đông Nam Á đã hai lần liền đánh bại hai HLV ngoại thuộc loại “hàng hiệu” của bóng đá VN, cả mới lẫn cũ: ông Calisto và ông Riedl.

Người đàn ông Malaysia mộc mạc như một nông dân ấy sinh ngày 10.7.1956, nguyên là tiền đạo của tuyển Malaysia từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Rajagobal bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp từ năm 1978 cho CLB PKNS của Selangor. Đến năm 1990 thì ông chuyển sang làm HLV cũng cho đội này. Trong gần 9 năm dẫn dắt PKNS, sự nghiệp của Rajagobal khá trầm lắng, không có thành tích nào nổi trội. Tuy nhiên, như ông tâm sự: “Chính khoảng thời gian đó giúp tôi trải nghiệm rất nhiều về bóng đá Malaysia, làm sao để có được lớp kế thừa tài năng thay thế cho những cầu thủ không còn phong độ và sa sút do nạn mua bán độ tràn lan”.

Với khuynh hướng muốn làm trẻ, năm 1999 ông Rajagobal gia nhập đội ngũ HLV của LĐBĐ Malaysia (FAM), nhưng ông vẫn kết hợp vừa dẫn dắt các CLB Selangor (1999-2000), Kelatan (2001) vừa được giao nhiệm vụ quan sát, phát hiện tài năng trẻ cho bóng đá Malaysia. Đến năm 2004, ông chính thức trở thành HLV đội U.20 Malaysia và từ đó việc dẫn dắt các đội trẻ gắn liền với sự nghiệp của ông.

Năm 2008, Rajagobal đã đưa U.21 Malaysia sang VN tham dự giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên tại Huế mà như ông khẳng định với Báo Thanh Niên: “Đó là giải quốc tế lớn đầu tiên mà tôi dẫn dắt. Chính nhờ giải này mà tôi nhìn ra được bóng đá Malaysia đang đứng ở đâu, còn thiếu gì để tiến bộ. Từ đó tôi đã làm tất cả để có một thế hệ tài năng mới chinh phục SEA Games”. Sau khi HLV tiền nhiệm là ông Sathianathan thất bại ở AFF Cup 2008, ông Rajagobal đã được giao trách nhiệm dẫn dắt đội tuyển. Chính ông đã quyết tâm làm mới đội tuyển Malaysia từ dàn cầu thủ trẻ do chính mình đào tạo vô địch SEA Games cũng như trưởng thành từ U.20.

Phẩm chất của người vượt thác là luôn duy trì sự tỉnh táo, quyết đoán nhanh và chọn đúng điểm rơi cho con thuyền của mình đã được ông

Rajagobal thể hiện một cách chói sáng

Không chỉ giỏi phát hiện tài năng và sử dụng cầu thủ trẻ hợp lý, ông Rajagobal còn cho thấy khả năng đọc trận đấu tuyệt vời, cũng như khả năng điều chỉnh chiến thuật tới mức khó lường của mình trước các đối thủ không hề thiếu kinh nghiệm trận mạc. Đối đầu với đội tuyển VN - nhà ĐKVĐ - ông Rajagobal đã biết “nuôi dưỡng” tư tưởng tấn công kiếm bàn thắng trên sân khách của đội quân ông Calisto bằng hiệp 1 chơi ru ngủ và hiệp 2 chợt nổ bùng mãnh liệt, khiến đối thủ rơi ngay vào trạng thái hoảng loạn.

Với Indonesia - một đội bóng đầy khát vọng vô địch - ông Rajagobal lại biết cách “bọc dao trong vải” ở hiệp 1 ngay trên sân nhà, và khi đối thủ gặp tâm lý vì phản ứng với khán giả (chiếu đèn laser), đội bóng ông Rajagobal đã bất ngờ chơi tấn công mãnh liệt và ghi liền 3 bàn thắng trong vòng 15 phút của hiệp 2. Và ở trận lượt về, sự kiên nhẫn mang thương hiệu Rajagobal lại được các cầu thủ Malaysia thể hiện một cách điềm tĩnh và xuất sắc, khi họ chịu sức ép gần như suốt trận của chủ nhà, nhưng chỉ chịu thua với tỷ số nhẹ nhàng 1-2.

Có thể nói ông Rajagobal đã nhào nặn và gắn kết một đội bóng còn trẻ tuổi đời và tuổi nghề, khiến họ chơi vừa hiểu nhau vừa chững chạc, khiêm nhường và kiêu hãnh. Phẩm chất của người vượt thác là luôn duy trì sự tỉnh táo, quyết đoán nhanh và chọn đúng điểm rơi cho con thuyền của mình đã được ông Rajagobal thể hiện một cách chói sáng. Đó quả là một bài học cho bóng đá Việt Nam.   

Thanh Thảo - Đăng Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.