Ronaldo chưa cần ra sân, Juventus đã thắng lớn

23/07/2018 20:12 GMT+7

Tháng 7.2014, Antonio Conte chia tay Juventus sau những mâu thuẫn sâu sắc với Ban lãnh đạo CLB về chính sách chuyển nhượng. Ngày đi, Conte để lại một câu nói nổi tiếng: 'Trong ví có 10 euro thì đừng mơ mộng vào nhà hàng gọi món 100 euro'.

Cuối năm 2014, trong cuộc Đại hội cổ đông, chủ tịch Juventus Andrea Agnelli trước những phàn nàn về việc Juve lép vế các CLB nước ngoài trong việc chiêu mộ ngôi sao hàng đầu, thủng thẳng tuyên bố: “Không có gì phải lo. Một ngày không xa, chúng ta sẽ có đủ điều kiện để đưa về những cầu thủ như Cristiano Ronaldo”.
4 năm sau, cũng vào tháng 7, lời tuyên bố của Agnelli trở thành sự thật. Siêu sao Cristiano Ronaldo chính thức cập bến Juventus với mức phí chuyển nhượng 112 triệu euro. Ở tuổi 33, rời Real Madrid gia nhập Juve, Ronaldo cùng lúc xác lập 3 kỷ lục: cầu thủ cao tuổi đắt giá nhất, thương vụ mua đắt giá nhất của Juve và thương vụ bán cao giá nhất của Real.
Để có Ronaldo, Juve đã chi rất mạnh tay. 112 triệu euro phí chuyển nhượng, 120 triệu euro lương & thưởng cơ bản trong hợp đồng 4 năm của CR7, chưa kể các khoản lót tay cầu thủ và hoa hồng cho đại diện. Tổng chi có thể đong đếm được của “Bà đầm già” không dưới 250 triệu euro.
Nhưng đây chính xác là thương vụ mà Juve đã… thắng lớn từ trước khi Ronaldo chính thức đặt bút ký vào bản hợp đồng để khoác lên mình màu áo Bianconeri. Hiệu ứng thương mại và giá trị kinh tế mà “Hiệu ứng Cristiano” – slogan mà ông Agnelli đã nói rất nhiều trong những ngày qua – là vô cùng “khủng khiếp”.

tin liên quan

Ronaldo vẫn gây sốt ở tuổi 33
Dù trải qua một kỳ World Cup không thành công nhưng C.Ronaldo vẫn cho thấy hiệu ứng và giá trị của mình còn nguyên vẹn trong thương vụ chuyển đến CLB Juventus với mức phí 105 triệu euro.
Tổng lượng follow và lượt thích trên Facebook, Twitter và Instagram tăng hơn 5 triệu kể từ “Bà đầm già” và Real xác nhận thương vụ Ronaldo, và giờ vẫn tiếp tục tăng theo đơn vị nghìn mỗi ngày. Không ngạc nhiên bởi Ronaldo chính là nhân vật thể thao có lượng fan trên các mạng xã hội cao nhất Thế giới. Đấy là hiệu ứng đáng chú ý tiếp nối mức tăng điểm cổ phiếu cực đỉnh (34,8%) sau 4 năm của Juve-khi-có-Ronaldo.
Tuần trước, vé vào sân Allianz cả mùa của Juve, tổng cộng 29.300, đã được bán sạch. Điều chưa từng xảy ra kể từ khi sân bóng này đi vào sử dụng hè 2011. Lô áo CR7 đầu tiên, khoảng hơn nửa triệu chiếc, qua các kênh phân phối chính thức của Juve và Adidas “cháy hàng” chỉ sau… 24 giờ mở bán. Thống kê cả mùa giải 2016-2017, Juve bán được tổng cộng 850 nghìn áo đấu chính thức. Riêng ngày đầu tiên bán áo CR7, con số đã đạt 520 nghìn.
Thống kê từ nhóm tifosi, 25,6 triệu tifosi từ 14-64 tuổi tại Ý, hơn 1/3 là CĐV Juve (8,32 triệu). Chắc chắn rất nhiều người trong số này sẽ chi tiền để sở hữu cho mình một chiếc áo số 7. Khác với đa số các CLB hàng đầu châu Âu đặc biệt ở Anh, mỗi áo đấu của CR7 có giá khoảng 102 euro bán ra, Juve được hưởng phần chia khá cao, từ 15-25% doanh thu. Chưa hết, với CR7, Juve chắc chắn sẽ thương thảo lại hàng loạt hợp đồng tài trợ và quảng cáo để có thể thu về nhiều lợi nhuận hơn nữa.

tin liên quan

CLB Juventus thu được bao nhiêu từ tiền bán áo đấu Ronaldo?
Tờ Independent cho biết CLB Juventus đã thu về 60 triệu USD tiền bán áo đấu của Cristiano Ronaldo chỉ trong 24 giờ. Điều này mở ra hy vọng 'Bà đầm già' sẽ nhanh chóng thu hồi 117 triệu USD phí chuyển nhượng mua siêu sao 33 tuổi.
Trang Calcio Mercato dự báo, tổng doanh thu của Juve mùa này, với “Hiệu ứng Cristiano” sẽ tăng mạnh, từ 75 đến 100 triệu euro. Trên BXH “Money League” của Deloitte vào thời điểm cuối mùa 2017-2018, Juve xếp hạng 10 với tổng doanh thu 405,7 triệu euro. Với hiệu ứng thương mại-kinh tế lớn lao từ thương vụ CR7, Juve hoàn toàn có thể chen chân vào Top 5 ở BXH công bố vào tháng 4 năm sau.
Bóng chưa lăn. Ronaldo chưa ghi bàn. Nhưng Juve đã có cho riêng họ những chiếc Cúp vô cùng giá trị rồi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.