Serie A: Đang tụt xuống hạng hai

15/03/2010 09:27 GMT+7

Bóng đá Ý phải thực hiện một cuộc thay đổi triệt để nếu không muốn bị tụt hậu thêm nữa...

Milan vừa phải nhận thất bại đáng xấu hổ trước M.U - Ảnh: AFP

Bóng đá Ý phải thực hiện một cuộc thay đổi triệt để nếu không muốn bị tụt hậu thêm nữa...

Ngày trước, những ngôi sao bóng đá sáng nhất thế giới như Maradona, Platini, Zidane đều đến Serie A chơi bóng. Song sau khi Ibrahimovic và Kaka sang TBN hồi mùa hè qua, Serie A không còn ngôi sao nào nổi bật nữa. Các SVĐ ọp ẹp đi từng ngày, lượng khán giả đến sân ngày càng ít, bạo lực và tệ phân biệt chủng tộc diễn ra triền miên và tình hình tài chính của nhiều CLB đang bi đát. Mới đây nhất, thêm việc Milan thua một cách nhục nhã trên sân Old Trafford càng cho thấy Serie A đang trở thành giải đấu hạng hai ở châu Âu.

Nói Serie A đang trở thành giải đấu hạng hai chẳng phải là ẩn dụ gì hết, mà thực tế đang dần trở thành như thế. Từ khi UEFA cho phép 3 giải hàng đầu ở châu Âu có 4 đại diện dự Champions League thì các giải VĐQG ở  Ý, Anh, TBN luôn có được vị thế đó. Nhưng vị thế này của Serie A sắp bị Bundesliga chiếm giữ, căn cứ vào thành tích trên đấu trường châu Âu của các CLB trong 5 mùa gần đây nhất.

Serie A còn 2 đại diện ở cúp châu Âu là Inter tại Champions League và Juve tại Europa League. Còn các đội Đức như Hamburg, Wolfsburg, Bremen đang ở vị trí tốt để đi tiếp trong giải Europa League, Stuttgart còn phải tranh đấu với Barca nhưng Bayern đã có 1 chỗ tại tứ kết Champions League. Kết quả của Inter và Juve mùa này không chỉ quan trọng với chính họ mà còn quan trọng với Serie A. Nếu họ bị loại sớm, mùa tới Serie A sẽ chỉ có 3 đại diện dự Champions League, nhường 1 đại diện cho Bundesliga. Ngay sau trận chung kết Champions League mùa này, UEFA sẽ công bố kết quả.

Một tuần sau đó, UEFA sẽ công bố nước chủ nhà Euro 2016. Ý cũng tham gia cuộc đua với TNK, Pháp nhưng cơ hội giành quyền đăng cai của Ý rất mong manh vì các sân bóng của họ đang ở tình trạng xấu. Tuổi trung bình một SVĐ ở Ý là 63, chúng chỉ được tân trang lần gần đây nhất khi Ý đăng cai World Cup 1990. Toilet, các phòng chức năng, quầy ăn, cửa vào ở các sân này đều cũ kỹ, nhếch nhác, tương phản với truyền thống yêu cái đẹp và sành ăn chơi của người Ý. “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi văn hóa bóng đá Ý chứ không chỉ là thực hiện những thay đổi ở từng đội bóng”, HLV Ancelotti nói như vậy khi ông rời Ý tới Chelsea.

Số lượng CĐV trung bình/trận ở Serie A kém hơn 10.000 người so với Premier League và kém hơn 17.000 người so với Bundesliga. Xem bóng đá đối với các tifosi hiện giờ là một việc rất phức tạp. Bạn phải trình thẻ căn cước khi mua vé và họ sẽ điền tên bạn vào vé. Nếu Chủ nhật, bạn bận đi dự đám cưới nào đó, bạn không thể đưa vé của bạn cho cha bạn đi xem. Nếu bạn muốn mang một lá cờ vào sân cổ vũ đội nhà, làm ơn đăng ký cho lực lượng an ninh vào giữa tuần. 

Chính phủ Ý làm các việc trên nhằm kiểm soát nạn bạo lực trên các khán đài nhưng điều đó làm các CĐV căng thẳng hơn và họ phải tìm cách “giải tỏa” căng thẳng đó bằng cách choảng nhau bên ngoài sân bóng. “Chính quyền làm vậy là giết chết Serie A”, Giuseppe Russo, một CĐV Milan nhận xét. Russo nhìn sang các sân bóng Đức đầy vẻ thèm thuồng: “Sân của Cologne, Hamburg... đều rất tiện nghi. Còn ở Ý, các sân của Bologna, Siena còn không có cả mái che”.

Juve đang cải tạo sân Delle Alpi theo thiết kế Anh với khán đài ngay sát sân bóng để các CĐV thích thú hơn và cơ sở vật chất tiện nghi đang là CLB đầu tiên ở Ý sở hữu sân bóng riêng. Sân này sẽ mở cửa vào năm 2011. Các sân bóng ở Ý thuộc về chính quyền. Mà chính quyền thì không có tiền tân trang, các CLB cũng vậy. Hy vọng tân trang các sân bóng chỉ có cơ sở nếu Ý được đăng cai Euro 2016. Nhưng điều này khó xảy ra vì UEFA muốn có sự lựa chọn an toàn hơn. Như Pháp chẳng hạn, người Pháp mới tổ chức thành công World Cup cách đây 12 năm.  

Đinh Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.