Serie A không tin vào những đồng euro

20/03/2016 11:15 GMT+7

Thất bại của Juventus tại vòng 16 Champions League không làm giảm ý nghĩa một thực tế, khiến cả châu Âu lo sợ, đang ngày càng hiển hiện: Người Ý đang trở lại!

Thất bại của Juventus tại vòng 16 Champions League không làm giảm ý nghĩa một thực tế, khiến cả châu Âu lo sợ, đang ngày càng hiển hiện: Người Ý đang trở lại!

HLV Allegri đang thành công với Juventus - Ảnh: AFP

Những lợi thế về tài chính của các đội bóng Anh, Tây Ban Nha, Đức không còn chiếm ưu thế rõ rệt. Các đội bóng Ý đang hành quân trên các nẻo đường châu Âu một lần nữa, được trang bị bằng vũ khí lợi hại nhất của mình: các chiến lược gia chất lượng nhất. 

Người Turin vẫn luôn miêu tả Massimiliano Allegri là "gã Milan" và chưa bao giờ thực sự thừa nhận thực tế rằng Max kế vị Antonio Conte tại Juventus, và còn làm tốt hơn cựu đội trưởng "Bà đầm già". "Gã Milan" không chỉ đem về chức vô địch Serie A, mà cả cúp quốc gia và đặc biệt là giúp fan Juventus hít thở không khí Champions League trở lại. Những tham vọng về cú ăn ba vẫn chưa được đáp ứng, nhưng chiếc xe của Allegri không còn bị cào xước hay bôi bẩn bằng tương cà chua bởi CĐV Juventus. 

Công khai từ chối Chelsea, cam kết ở lại Turin thuyết phục mọi người tin rằng Max thực sự có thiện chí phát triển đội bóng. Từ từ, Allegri xây dựng hình ảnh mới của mình trong lòng mọi người, cũng như cách ông dần dần chuyển đổi hệ thống 3-5-2 yêu thích của Conte sang mô hình 4-3-1-2 đặc sệt Milan trước kia. 

"Gã Milan" đang truyền cảm hứng của mình cho "Bà đầm già" - Ảnh: AFP

Chiều lòng "những kẻ cuồng tín ở Turin", Allegri vẫn để Juve chơi với 3 trung vệ mỗi khi chủ động nhường quyền kiểm soát bóng, tăng cường sức phòng ngự, như chuyến hành quân tới Roma hồi tháng 3.2015, hay trận tứ kết lượt về đầy bất trắc ở Monaco, hay trận chung kết cúp quốc gia với Lazio. 

Nhưng, ở những trận đấu với Real Madrid, Barcelona và Bayern Munich, khi Juvetus bị cho là dễ "bó giáp quy hàng", Allegri đã chứng tỏ sự dũng cảm và khôn ngoan khi tung ra đội hình 4-3-1-2, kiên cường tranh chấp bóng cùng đối thủ ở hàng tiền vệ thay vì cố gắng ngăn chặn các hiểm họa tấn công của đối phương. Những khoảnh khắc tại Santiago Bernabeu hay Allianz Arena sẽ còn được fan Juve truyền tụng lâu dài về sau. Dù thắng hay thua, "Bà đầm già" đã cho thấy những khoảnh khắc hồi xuân rõ rệt. 

Montella cũng để lại ấn tượng khi dẫn dắt Fiorentina - Ảnh: AFP

Khoảng thời gian của Vincenzo Montella với Fiorentina đã đem lại những cảm giác hân hoan, tự hào và cả vị cay đắng, khi triều đại của Allegri cùng Juventus bắt đầu được xây dựng. Bất chấp cái kết không hậu, Montella gặt hái quá nhiều kinh nghiệm trong 2 năm cuối cùng gắn bó với sân Artemio Franchi, đưa Fiorentina lần thứ 3 liên tiếp giành vị trí thứ 4 và các trận bán kết cúp quốc gia cùng Europa League. Người ta chẳng thể mong chờ nhiều hơn thế, khi "tiểu phi cơ" chỉ được cung cấp nguồn tài chính nhỏ giọt. 

Điều người ta cần phải nói về triều đại ngắn ngủi của Montella là nỗ lực xây dựng phong cách bóng đá đặc trưng cho đội bóng xứ Florence. Ông tạo nên một loạt những hệ thống thi đấu, làm nên vô số điều kỳ diệu với một đội hình lắp ghép bởi hàng loạt những kẻ thất bại ở Premier League (Stefan Savic, Borja Valero, Marcos Alonso) và các ngôi sao luống tuổi (David Pizarro, Joaquin, Alessandro Diamanti).

Hãy nhìn lại, Montella đã luôn lèo lái Fiorentina tiến về phía trước, bất chấp những sự ra đi khó thay thế mỗi mùa - Matija Nastasic và Riccardo Montolivo mùa 2012-13; Stevan Jovetic và Adem Ljajic mùa 2013-14; và Juan Cuadrado mùa 2014-15. Bất chấp, Montella vẫn xoay tua Fiorentina bằng các hệ thống 3-4-1-2 và 4-3-3, đem về những chiến thắng khiến người Florence lại một lần nữa mơ mộng. 

Serie A giờ đây đã nhiều bàn thắng hơn - Ảnh: AFP

Đằng sau thành công của các đội bóng Ý tại cúp châu Âu không thể thiếu hình bóng các HLV của họ. Và một điều kỳ lạ mà đáng ngạc nhiên, Serie A là giải đấu cống hiến nhất trong tốp 5 giải hàng đầu châu Âu ở mùa 2014-2015, với tỉ lệ bàn thắng/trận đấu cao hơn La Liga, Premier League và Bundesliga. 

Những bàn thắng luôn là kết quả của nỗ lực, dù cá nhân hay tập thể. Nó là bức chân dung sống động về một giải đấu, vốn bị coi là thực dụng bởi lối chơi phòng ngự tiêu cực và thứ bóng đá thận trọng. Và người ta cần ghi nhận những nỗ lực của các "họa sĩ sân cỏ" với những ý tưởng sáng tạo về chiến thuật. 

Chiến thuật chính là vũ khí có sẵn và không bao giờ hết đối với các đội bóng nhỏ, muốn trường kỳ đánh du kích ở trong nước hay bên ngoài, bất kể mục tiêu thành công hay trụ hạng. Ở khía cạnh này, bóng đá Ý rõ ràng đang chiếm một vị trí cao đáng nể, thu lợi ích vô hạn định nhờ nhận ra: những ý tưởng sáng tạo tốn kém ít hơn việc mua những cầu thủ mới. 

Chelsea thất bại khi chỉ dùng tiền mua cầu thủ - Ảnh: AFP

Ở phía bên kia chiến tuyến, Premier League rõ ràng đang rơi vào vòng xoáy của sa mạc sáng tạo. Tại đó, các đội bóng và nhà quản lý tìm kiếm giải pháp cho những thất bại sân cỏ bằng cách chi tiền. Việc nuôi dưỡng những cái Tôi vĩ đại và tập trung vào cá nhân đang khiến các đội bóng Anh trở nên yếu đuối khi bước ra châu Âu, bởi thất bại trong việc xây dựng một đội bóng tập thể. 

Bóng đá Ý ngày nay không còn chiếm vị trí số 1 như trong thập niên 90 hay đầu những năm 2000. Thậm chí, họ còn tụt qua vị trí thứ 2, 3 của La Liga và Bundesliga. Đó không còn là "dream land" của các cầu thủ ngoại hạng, nhưng vẫn luôn là ngôi nhà của nguồn cảm hứng chiến thuật.

Trong khi mức lương dành cho HLV và cầu thủ giảm xuống hàng năm, các đội bóng Ý, với những nền tảng chiến thuật chặt chẽ, dường như đang đánh chiếm trở lại vị trí hàng đầu. Thời kỳ Phục hưng của Calcio còn chưa thực sự thấy bình minh, nhưng khi đồng tiền đang ngày càng lạm phát, những ý tưởng sáng tạo vẫn luôn giữ vững giá trị của mình. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.