Tạm biệt Rocinha

10/06/2014 03:00 GMT+7

Chiếc xe buýt trượt dần xuống con dốc cao ngoằn ngoèo, sau lưng tôi là một Rocinha xơ xác mù sương. “Sớm trở lại khu ổ chuột nhé, Đỗ”, lời bà chủ nhà cứ ám ảnh tôi.

Chiếc xe buýt trượt dần xuống con dốc cao ngoằn ngoèo, sau lưng tôi là một Rocinha xơ xác mù sương. “Sớm trở lại khu ổ chuột nhé, Đỗ”, lời bà chủ nhà cứ ám ảnh tôi. 

>> Ánh sáng nơi khu ổ chuột Rocinha
>> Rocinha, giữa muôn trùng hẻm sâu
>> Sống trong lòng khu ổ chuột Rocinha

Tạm biệt Rocinha 1
“Tôi nhìn qua cửa kính xe buýt, thấy Rocinha dần xa mờ”

Buổi tối cuối tuần, dân cư khu ổ chuột quậy tưng. Quán nhậu mở cửa tới sáng, nhạc mở ồn ào cả phố, thanh niên la hét tưng bừng. Cảnh sát đứng đầy đường canh chừng. Tôi tính đi ngủ sớm để ngày mai đón xe đò trở lại Sao Paulo, ấy vậy mà cái ồn ào ngoài kia như mời gọi. Đêm cuối cùng ở Rocinha, tôi lại hòa mình vào cái không khí đã dần trở thành thân quen ấy. Ban nãy, biết rằng ngày mai sẽ rời đi rất sớm, tôi đã chào từ biệt bà chủ nhà Maracuja. Tôi cảm ơn bà đã cho tôi những ngày không thể quên ở favela. Lúc ấy, bà chỉ cười, và dặn tôi đi sớm nhớ cẩn thận.

 

Một tuần ở khu ổ chuột, nơi tận cùng của đáy xã hội, nơi cái nghèo bủa vây và bất trắc dường như luôn rình rập, tôi đã có những trải nghiệm không thể quên

Buổi sáng tôi thức dậy khi cả nhà còn ngủ, đầu váng vất vì tí bia tối hôm qua. Trong lúc thu xếp đồ đạc, tôi chợt bắt gặp trên bàn phím máy tính một mảnh giấy xé từ cuốn sổ tay. Chữ bà Maracuja bằng bút chì nguệch ngoạc: “Đỗ, chúng tôi rất vui khi có cậu ở chung. Cậu rất lịch sự. Chúng tôi sẽ nhớ cậu nhiều. Sớm trở lại nhé. Bảo trọng. Mulher Maracuja (ký tên). Hôn cậu”.

Tôi lặng người một hồi nhưng rồi cũng phải ra đi vội vã, vì còn đón chuyến xe đò về Sao Paulo. Căn nhà màu vàng vẫn còn im ắng. Khu ổ chuột thường ngủ rất khuya và vì thế dậy rất muộn. Những người trong gia đình bà Maracuja cũng thế. Tôi không dám đánh thức bà Maracuja để nói lời chia tay.

Một tuần ở khu ổ chuột, nơi tận cùng của đáy xã hội, nơi cái nghèo bủa vây và bất trắc dường như luôn rình rập, tôi đã có những trải nghiệm không thể quên. Tôi từng đi qua rất nhiều khu ổ chuột, từ Soweto, Diepsloot ở Nam Phi đến ngoại ô Harare ở Zimbabwe. Tôi từng vào nhà người dân ở những nơi chốn bần hàn ấy để trò chuyện, nhưng ở lại như với Rocinha những ngày qua thì chưa. Thế nên, mối lưu luyến như có thể sờ thấy được.

Tạm biệt Rocinha 2
Lời hẹn “Sớm trở lại nhé” của bà chủ nhà - Ảnh: Đỗ Hùng

Tạm biệt Rocinha 3
Bà Maracuja (bìa phải) gọi “Đỗ, chụp hình nè!” rồi làm dáng trước ống kính

Thú thực, tôi đã đến Rocinha với rất nhiều tò mò, e ngại và lo lắng. Thế rồi, dần dà, những e dè được xua tan một cách tự nhiên. Bằng chính những gì mình chạm vào mỗi ngày.

Lúc tới thăm vùng ngoại ô Soweto của thành phố Johannesburg ở Nam Phi hồi World Cup 2010, tôi đã học được một bài học. Người ta thường đồn rằng dân Soweto rất dữ, sẵn sàng gây sự với người lạ bất cứ lúc nào. Người ta kể đó là một chốn cặn bã, đầy côn đồ, cướp bóc. Khi đến đó, một người dân đã nói với tôi, rằng anh ta rất ghét cảnh du khách ngồi trong ô tô và chĩa ống kính qua cửa sổ để chụp hình. “Cứ như thể đi ngắm thú trong safari không bằng”, anh ta nói. Tôi giật mình. Nhiều người đã đến các khu ổ chuột với tâm lý của một kẻ đi safari, luôn sợ những con thú dữ vồ phải. Vì thế, họ luôn ở trên xe để đảm bảo an toàn. Tới các khu dân cư tồi tàn họ cũng làm vậy. Đấy chính là hố sâu ngăn cách giữa con người với nhau, để rồi e dè nhau, và sợ nhau.

 

“Cậu đã trở thành cư dân của cộng đồng này rồi”, có lần bà Maracuja nhận xét khi tôi kể về một trải nghiệm nho nhỏ hồi chiều. Lúc tôi đang vác máy ảnh trượt xuống từ một con hẻm tối và dốc của khu ổ chuột thì bắt gặp một cậu bé chừng 10 tuổi đi cùng chiều. Cậu vác thanh giường khá nặng, vất vả lần hồi đi xuống. Tôi đưa tay đỡ giùm. Cậu bé thấy có người giúp, thích thú vỗ tay cười lớn rồi chui ngược vào con hẻm tối. Lúc xuống tới đường cái, tôi ôm thanh giường ngẩn ngơ đợi cậu bé để giao lại. Mấy người xung quanh bảo rác đấy, vứt vào đống kia kìa. Tôi thở phào.

Có lẽ từ lời quở trách của 4 năm về trước của người đàn ông chợt gặp trên cao nguyên Gauteng mà tôi đã chọn đến ở Rocinha. Tôi nói với anh bạn Elliot Rosenberg rằng tôi không muốn chỉ ghé qua như một du khách, tôi muốn mình trở thành một phần của nơi này.

Rocinha không hoàn toàn bình yên. Ban đêm thi thoảng trong những cuộc nhậu tôi vẫn nghe tiếng súng vang lên đâu đó. Thấy cảnh sát giương súng từ đường phố chĩa vào những con hẻm tối tăm. Có buổi sáng, tôi đang ngồi chờ xe buýt thì thấy cảnh sát gí súng vào lưng một gã đàn ông, bắt ông ta úp mặt vào tường. Nhưng sự chân tình của bà Maracuja và những người dân nơi đây đã cho tôi thấy nhiều hơn mặt sáng của chốn tăm tối này. Tôi đã chui vào những con hẻm và chỉ trở ra sau cả tiếng đồng hồ. Tôi đã dần quen tai với những tiếng “Olá” (chào) và những nụ cười, cái gật đầu hay ngón tay trỏ đưa lên của những cư dân tôi bất chợt gặp trên đường. Tôi ngồi suốt đêm trong quán bia và xem các trận bóng đá ở giải vô địch địa phương trên truyền hình cùng những gã đàn ông sôi nổi. Có lúc tôi về sớm, mấy gã dân nhậu mình xăm khoát tay, bảo cậu về đi, đừng trả tiền. Lúc mới đến Rocinha, tôi đã được anh bạn Elliot khuyên không nên vác máy ảnh đi nhong nhong trên phố, chụp người này người kia; dân ở đây không thích bị chụp ảnh. Thế mà về sau, khi tôi vác máy ảnh đi, nhiều người ngoắc tay làm dáng bảo tôi chụp ảnh. Lũ trẻ mà có lần tôi chơi đá bóng với chúng trên vỉa hè cũng thế, rất thích chụp ảnh. Bà Maracuja có lần đi chợ về, thấy tôi vác máy ảnh lơ ngơ trên đường cũng gọi lớn: “Đỗ, chụp hình nè!”, rồi làm dáng rất điệu. Có lẽ cư dân khu ổ chuột chỉ không thích cách chụp ảnh như trường hợp Soweto ở trên.

Tôi đã trở thành cư dân khu ổ chuột ư? Hơi cường điệu. Nhưng những ngày ở lại Rocinha, sống giữa những cư dân favela hiền hòa, tôi thấy mình như có duyên nợ với nơi này. Đấy là lý do khiến tôi đã viết trên mảnh giấy nhỏ để lại trên bàn ăn ở nhà bà Maracuja, “Rocinha é maravilhoso. Até breve!” (Rocinha thật tuyệt. Hẹn gặp lại).

Trong các chuyến đi đó đây, tôi ít khi hẹn ngày trở lại một miền đất nào đó, vì biết chắc rất khó khăn. Nhưng Rocinha là ngoại lệ.

Đỗ Hùng
(từ Brazil)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.