Thảm hoa trên sân bóng: Luzhniki và bảy năm chìm trong bí ẩn

04/11/2015 08:22 GMT+7

Suốt 7 năm liền, chỉ có những người trong cuộc biết về thảm họa Luzhniki , nhưng mỗi người cũng chỉ biết trong mức độ liên quan của mình.

Suốt 7 năm liền, chỉ có những người trong cuộc biết về thảm họa Luzhniki, nhưng mỗi người cũng chỉ biết trong mức độ liên quan của mình.
Vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân khi thảm họa Luzhniki tròn 30 năm (ngày 20.10.2012)
Có bao nhiêu nạn nhân? Những số liệu từng được công bố khác nhau đến... một trăm lần. Điều duy nhất chắc chắn chỉ là: có rất nhiều người thiệt mạng tại SVĐ Trung tâm Lenin (nay là sân Luzhniki) trong trận Spartak Moscow - Haarlem ở Cúp UEFA ngày 20.10.1982.
Đấy là một trận đấu thuộc lượt đi vòng 2 Cúp UEFA. Đội chủ nhà Spartak (Liên Xô) thắng đối thủ Hà Lan 2-0 trong cái lạnh tê tái: âm 10 độ C. Vì trời quá lạnh nên ban tổ chức chỉ bán được hơn 16.000 trong tổng số 80.000 vé. Cũng vì vậy, ban tổ chức chỉ mở cổng hai trong số bốn khán đài là A và C (mỗi khán đài có sức chứa khoảng 23.000 chỗ). Đã vậy, tại mỗi khán đài, người ta cũng chỉ mở hạn chế một số cổng. Đa số người hâm mộ Spartak (khoảng 12.000) chọn khán đài C, gần trạm xe điện. Chỉ có khoảng 100 cổ động viên Hà Lan theo chân Haarlem, và dĩ nhiên họ ngồi ở khán đài ngược lại.
Trận đấu tưởng như đã hướng tới chiến thắng 1-0 cho Spartak. Các cổ động viên lũ lượt ra về. Nhưng chỉ 20 giây trước khi trọng tài nổi còi dứt trận, Sergei Shvetsov bất ngờ nâng tỷ số lên 2-0. Ai xem bóng đá cũng biết, tỷ số 2-0 và 1-0 trong thể thức loại trực tiếp khác nhau rất lớn. Những người còn xem reo hò vang dội trong khi những người đang về lập tức quay lại chung vui. Nhưng khi quay lại, họ va phải những người đang ra về. Thế là xảy ra tình trạng hỗn loạn. Rất nhiều người trượt ngã trên những bậc thang trơn trượt. Đấy lại là những bậc thang dẫn đến một cánh cổng đang bị khóa chặt!
Chỉ có tờ báo địa phương Vechernyaya Moskva đăng vài chữ tin vắn trong ngày hôm sau: “Đã xảy ra tai nạn chết người tại SVĐ Trung tâm Lenin, vì khán giả ra về một cách mất trật tự. Vụ việc đang được điều tra”! Các báo khác đều chỉ bàn về chuyên môn, tuyệt không nhắc đến khán giả. Trong khi đó, báo chí ở Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan... đưa tin theo lời kể của các phóng viên theo chân Haarlem: có 3 khán giả thiệt mạng và nhiều người khác bị thương vì giẫm đạp lên nhau sau trận Spartak Moscow - Haarlem. Số liệu từ hãng tin Hà Lan ANP được rất nhiều báo sử dụng: 3 người chết và 60 người bị thương.
Tờ báo Mỹ The New York Times đưa tin sau đó những 3 ngày, nhưng lại là thông tin chấn động: “Hơn 20 người thiệt mạng...”. Rồi tờ La Stampa của Ý “đẩy” số người thiệt mạng lên đến 72. Tóm lại là càng về sau thì số người thiệt mạng càng tăng. Câu chuyện không chỉ xuất hiện ở trang thể thao, mà lan sang các mảng khác. Chẳng hạn người ta đưa tin về một đám tang tập thể, giữa đêm khuya, ở Moscow. Thân nhân của những người chết đều chỉ được thông báo và nhận diện người thân của mình trong một thời gian ngắn. Rất nhiều người ở Moscow chỉ biết đến sự kiện này qua đài phát thanh của các nước phương Tây. Cũng cần lưu ý: đấy là thời điểm mà sức khỏe nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev rất kém (ông mất ngày 10.11.1982). Người kế nhiệm Brezhnev là Yuri Andropov thì chỉ bắt tay vào việc từ ngày 12.11.1982. Thông tin về thảm họa tại sân bóng sẽ được xử lý như thế nào? Quá khó, thậm chí là không có ai ở Moscow khi ấy đủ quyền quyết định về sự việc này!
Mãi đến ngày 18.4.1989, tờ báo thể thao nổi tiếng ở Liên Xô là Sovetsky Sport mới đăng bài tương đối đầy đủ về thảm họa Luzhniki, với số nạn nhân mà tờ báo này ước lượng là “khoảng 100 người”. Ngay sau đó, rất nhiều tờ báo khác ở Liên Xô cùng nhau làm sống lại sự kiện này. Nhiều tờ khẳng định: có đến 340 người thiệt mạng - nghĩa là cao gấp 100 lần so với thông tin đầu tiên xuất hiện trên báo chí phương Tây 7 năm trước đó. Gần như mọi hãng tin và những tờ báo lớn trên khắp thế giới đều quan tâm đến “tiết lộ chấn động” của tờ Sovetsky Sport. Giới chức trách Liên Xô khi ấy đã đồng ý cho báo giới xem lại hồ sơ, và người ta công bố số liệu chính thức: 66 người thiệt mạng. Sự kiện xảy ra tại Moscow ngày 20.10.1982 tại Cúp UEFA giờ đã trở nên rõ ràng và được xem là một trong những thảm họa sân bãi lớn nhất trong làng bóng châu Âu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.