Tỉ phú châu Á “tấn công” Premier League

08/08/2010 00:12 GMT+7

Câu chuyện giành quyền sở hữu CLB Liverpool đang nóng ran trên các phương tiện thông tin đại chúng, và một lần nữa liên quan tới những tỉ phú đến từ châu Á.

Câu chuyện giành quyền sở hữu CLB Liverpool đang nóng ran trên các phương tiện thông tin đại chúng, và một lần nữa liên quan tới những tỉ phú đến từ châu Á.


Tỉ phú người Hồng Kông Kenny Huang và tỉ phú người Syria Yahya Kirdi đang thương lượng mua Liverpool

Hiệu ứng Thaksin Shinawatra

Ông Thaksin là cựu Thủ tướng Thái Lan - hiện sống lưu vong - và khi còn đương chức, từng có ý định mua lại CLB Liverpool. Liverpool cũng là CLB được người dân Thái Lan rất hâm mộ. Khi đó, dư luận cho rằng ông Thaksin muốn thông qua việc mua lại đội bóng chủ sân Anfield nhằm lấy lòng dân chúng để phục vụ ý đồ chính trị. Tuy nhiên, thời thế thay đổi, ông Thaksin một thời gian sau không còn là Thủ tướng Thái Lan nữa và phải sống lưu vong ở nước ngoài, nên ý định mua Liverpool cũng phải gác lại. Bởi cùng lúc, với những thay đổi liên tục trên chính trường Thái Lan, ở trong nước khối tài sản trị giá hàng tỉ USD của ông Thaksin cũng đã bị nhà chức trách niêm phong để phục vụ cuộc điều tra các cáo buộc tham nhũng… Mặc dù vậy, thông qua ảnh hưởng của mình cũng như từ một phần tài sản còn lại trong các ngân hàng ở nước ngoài, vị tỉ phú người Thái này đã tiến hành một kế hoạch hết sức bất ngờ là mua lại CLB Man.City vào giữa năm 2007 với trị giá 162,6 triệu USD.


Ông Thaksin từng sở hữu Man.City

Dư luận nước Anh thời điểm đó cũng tỏ ý nghi ngờ về nguồn tiền mà ông Thaksin bỏ ra mua lại Man.City, và cũng nghi ngờ tính lâu bền của thương vụ này. Ngoài ra, các tờ báo ở Anh như The Sun, Daily Mail còn khẳng định: “Ông Thaksin thông qua việc đầu tư vào Man.City là muốn tiếp bước theo cách thức của tỉ phú người Nga, Roman Abramovich - sở hữu CLB Chelsea - để được định cư lâu dài ở nước Anh”. Thế nhưng, tất cả đều lầm vì chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông Thaksin đã bất ngờ “sang tay” Man.City lại cho một đối tác khác ở châu Á là Tập đoàn Abu Dhabi United Group (ABUG), mà những người chủ sở hữu là các vị tỉ phú ở Ả Rập, đứng đầu là ông Sheikh Mansour, để hưởng lợi vài chục triệu USD. Ý định của ông Thaksin là vẫn muốn giữ lại một ít cổ phần ở Man.City để đứng danh chức chủ tịch danh dự, nhưng sau đó phía Tập đoàn Abu Dhabi cũng đã mua đứt. Triều đại của tỉ phú đến từ Đông Nam Á tại một CLB ở giải Ngoại hạng Anh cũng nhanh chóng kết thúc.

Tuy nhiên, chính từ hiệu ứng của ông Thaksin, rất nhiều doanh nhân và tập đoàn ở châu Á như từ Singapore, Malaysia, Trung Quốc… đã bắt đầu rục rịch ý định tiến sang châu Âu để sở hữu các CLB bóng đá mà trọng điểm là các CLB ở nước Anh, vì các CLB ở giải Ngoại hạng Anh này rất được người hâm mộ ưa chuộng tại châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Sau ông Thaksin, một doanh nhân người Hồng Kông là Carlos Yeung đã sở hữu một CLB ở giải Ngoại hạng Anh là Birmingham từ tháng 8.2009, và cho đến nay đã đặt nền móng phát triển CLB này khá vững chắc. Ngoài ra, suýt chút nữa một CLB có bề dày thành tích ở Anh là Newcastle đã thuộc về các doanh nhân ở châu Á hồi cuối mùa giải trước, khi CLB này xuống hạng và tỉ phú Mike Ashley rao bán đội bóng vùng đông bắc nước Anh này… trên cả trang eBay (trang mua bán trực tuyến ở Mỹ).

Liverpool, Blackburn, Leicester trong tầm ngắm

Sau các sự kiện trên, suốt thời gian qua nếu một CLB nào đó ở châu Âu rơi vào tình cảnh khó khăn và có khả năng phải đổi chủ thì ngay lập tức có liên hệ tới các đối tác đến từ châu Á. Tuy nhiên, họ chỉ nhắm đến các CLB có sự hoạt động ổn định hoặc chí ít cũng có danh tiếng.


Liverpool sẽ về tay ai? - Ảnh: Reuters

Và Liverpool là một trong số đó. Những ông chủ Mỹ là Tom Hicks và George Gillett hiện sở hữu CLB danh tiếng bậc nhất nước Anh này làm ăn thua lỗ, và đối mặt với khả năng không thanh toán kịp khoản nợ vay từ Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) vào khoảng 237 triệu bảng. Từ đó, suốt mùa hè qua liên tục có nhiều tin tức nói Liverpool sẽ đổi chủ mới. Báo chí Anh, như BBC Sports từng dẫn nguồn tin riêng cho rằng, có đến 6 đối tác muốn mua lại Liverpool. Tuy nhiên, gần đây nhất là việc một doanh nhân ở Hồng Kông là ông Kenny Huang bất ngờ đánh tiếng với dư luận là đang thương lượng mua lại khoản nợ từ các vị tỉ phú người Mỹ Hicks và Gillett, và cũng đã đạt những thỏa thuận rất khả quan với Ngân hàng RBS - nơi có quyết định bán CLB Liverpool cho đối tác mới. Những nguồn tin thân cận ông Kenny Huang còn tiết lộ, vụ mua bán này sẽ hoàn tất trước thời hạn chuyển nhượng đầu mùa giải kết thúc (31.8 tới). Song song đó, còn có một vị tỉ phú người Canada gốc Syria là Yahya Kirdi cũng lên tiếng đã “sắp hoàn tất thương lượng” mua lại Liverpool.

Hiện vụ mua bán này vẫn chưa kết thúc, nhưng chắc chắn với những diễn biến hiện nay Liverpool rất có thể sẽ đổi chủ và nhiều khả năng sẽ thuộc về các ông chủ châu Á. Doanh nhân Kenny Huang vừa nhận được một sự hậu thuẫn lớn nữa từ Tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC) - tập đoàn này thực tế là một quỹ đầu tư của Nhà nước Trung Quốc có tổng tài sản lên tới 300 tỉ USD (190 tỉ bảng). CIC sở hữu nhiều cổ phần của nhiều công ty lớn của Mỹ như hãng nước giải khát Coca Cola, Ngân hàng Morgan Stanley, Citigroup hay hãng điện thoại Motorola... Báo chí Anh (cụ thể là tờ Daily Mail) cũng cho biết, gần đây CIC đã âm thầm bán số cổ phần của họ ở Ngân hàng Morgan Stanley trị giá 558 triệu USD, tương đương với 351,4 triệu bảng - số tiền này tương đương với khoản nợ mà hai ông chủ của Liverpool, Hicks và Gillett, đã vay Ngân hàng RBS. Nên qua đó, dư luận ở Anh dự đoán rằng CIC sắp tới sẽ thâu tóm Liverpool. Tuy nhiên, CIC muốn tránh mặt để giảm bớt các chỉ trích từ Trung Quốc là “dùng tiền thuế của dân để đầu tư một cách cẩu thả” - như một độc giả trên trang Sina.com bình phẩm -  bằng cách nhờ Kenny Huang đứng đại diện.

Trong khi đó, cùng lúc với cuộc mua bán CLB Liverpool, một tỉ phú người Ấn Độ là Ahasan Ali Syed cũng đang lên kế hoạch mua lại CLB Blackburn với giá 300 triệu bảng. Chưa hết, một nhóm doanh nhân người Thái Lan mà đứng đầu là tỉ phú Vichai Raksriaksorn cũng vừa được BBC Sports tiết lộ là có ý định đầu tư vào CLB đang chơi ở giải hạng nhất Leicester City với mức giá khoảng 39 triệu bảng.

Rõ ràng đã có một trào lưu mới và có lẽ sắp tới đây, con số các CLB Anh thuộc về chủ ngoại mà đặc biệt là các nhà tài phiệt đến từ châu Á sẽ còn tăng.

Bầu Đức từng có kế hoạch mua cổ phần Arsenal

Cùng với nhiều tỉ phú châu Á khác, ngay như ở VN, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức cũng từng có kế hoạch mua lại một phần cổ phần của CLB Arsenal lừng danh. Ông Đức có mối liên hệ chặt chẽ với CLB Arsenal trên khía cạnh hợp tác đào tạo cầu thủ trẻ, mà kết quả là Học viện bóng đá HAGL - Arsenal ra đời và đang hoạt động rất hiệu quả, nên vì vậy ông Đức rất muốn sở hữu một phần cổ phần của CLB Arsenal. 2 năm trước, HAGL từng đặt bảng quảng cáo trên sân Emirates rất thành công. Hiện tại, bầu Đức vẫn giữ ý định nếu các ông chủ Arsenal bán cổ phần với mức giá chấp nhận được, ông sẽ mua ngay để tạo ảnh hưởng trên thị trường trong nước và nước ngoài.

9/20 CLB ở giải Premier League hiện đang thuộc sở hữu hoặc do một ông chủ ngoại nắm cổ phần đa số

Arsenal: Kroenke (Mỹ) 29,9%, Usmanov (Nga) 26%
Aston Villa: Randy Lerner (Mỹ)
Birmingham: Carlos Yeung (Hồng Kông)
Blackburn: Quỹ Jack Walker (Anh)
Blackpool: Owen Oyston (Anh) 80%
Bolton: Eddie Davies (Anh)
Chelsea: Roman Abramovich (Nga)
Everton: Bill Kenwright (Anh) 27%
Fulham: Mohamed al Fayed (Ai Cập)
Liverpool: Tom Hicks, George Gillett (Mỹ)
Man City: Mansour bin Zayed al Nahyan (UAE)
M.U: Malcolm Glazer (Mỹ)
Newcastle: Mike Ashley (Anh)
Stoke: Peter Coates (Anh)
Sunderland: Ellis Short (Mỹ)
Tottenham: Joe Lewis (Anh) 85%
West Brom: Jeremy Pearce (Anh)
West Ham: David Gold, David Sullivan (Anh) 60%
Wigan: Dave Whelan (Anh)
Wolves: Steve Morgan (Anh).

Giang Lao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.