UEFA và những nghi án thiên vị Barcelona

08/04/2016 18:05 GMT+7

Fernando Torres vẫn theo thói quen, ghi bàn vào lưới đối thủ yêu thích, dù là ở La Liga hay Champions League - bàn thắng thứ 11 vào lưới Barcelona. Có điều, anh cũng trở thành cầu thủ thứ 31 gia nhập danh sách những người nhận thẻ đỏ, trong những lần đối đầu với Barcelona, riêng tại cúp châu Âu. Thực hư nghi án UEFA thiên vị Barcelona? Bởi từ lâu, người ta đã lờ mờ biết tới “Hồ sơ UEFAlona”.

Fernando Torres vẫn theo thói quen, ghi bàn vào lưới đối thủ yêu thích, dù là ở La Liga hay Champions League - bàn thắng thứ 11 vào lưới Barcelona. Có điều, anh cũng trở thành cầu thủ thứ 31 gia nhập danh sách những người nhận thẻ đỏ, trong những lần đối đầu với Barcelona, riêng tại cúp châu Âu. Thực hư nghi án UEFA thiên vị Barcelona? Bởi từ lâu, người ta đã lờ mờ biết tới “Hồ sơ UEFAlona”.

Nỗi xấu hổ mang tên Ovrebo

Trọng tài Ovrebo đã có những quyết định gây bất lợi cho Chelsea trong trận đấu với Barcelona - Ảnh: AFP

CĐV Barca chắc chắn không thể nào quên ngày 6.5.2009, khi CLB của mình đối đầu với một trong những đội hình Chelsea mạnh nhất trong lịch sử. Một bàn thắng muộn của Andres Iniesta gỡ hòa 1-1, đồng nghĩa với việc Barca đi tiếp và giành chức vô địch Champions League mùa đó. Nhưng, có vô số những tình huống từ chối phạt penalty đáng ngờ của trọng tài người Na Uy, Tom Ovrebo, trong trận lượt về này. 

Toàn bộ đội hình Chelsea đồng loạt phản ứng trọng tài, trong đó Drogba thậm chí còn miêu tả Ovrebo là “nỗi sỉ nhục”. Guus Hiddink, dẫn dắt Chelsea lần đầu, cũng đặt dấu hỏi về số lượng quyết định gây tranh cãi của trọng tài và gọi đó là “nỗi xấu hổ khó tiêu hóa”. 

Chelsea đã khiếu nại tới… 5 quả penalty, từ pha bóng Eric Abidal kéo áo Drogba, tới cuộc vật lộn giữa Drogba và Yaya Toure để giành bóng, Dani Alves đẩy ngã Florent Malouda trong khu cấm địa nhưng Chelsea chỉ được hưởng một quả đá phạt trực tiếp, các pha bóng chạm tay trong vòng cấm của Gerard Pique và Samuel Eto'o ngăn cản các cú sút của Chelsea. Không có nhiều CĐV trung lập phản đối, nếu trọng tài chỉ cần cho Chelsea được hưởng 1 trong ngần ấy tình huống khiếu nại. 

Scandal Nou Camp lần 1

Inter Milan (áo trắng) cũng từng là "nạn nhân" của trọng tài khi đối đầu Barca - Ảnh: AFP 

Một năm trước khi Mourinho dẫn dắt Real và có tuyên bố lịch sử, chính thức công khai về sự hiện diện của “Hồ sơ UEFAlona”, chính chiến lược gia người Bồ Đào Nha này từng nói: “Tôi đã thấy các cầu thủ Barcelona cố gắng gây sức ép với trọng tài. Tại sao Barcelona không thể hành xử như những nhà vô địch và chấp nhận thực tế là họ đã thua trong một trận đấu mà người chơi hay hơn giành chiến thắng?”. 

Đó là trận bán kết lượt về Champions League 2009-2010, Barca thắng Inter 1-0. Sự việc liên quan tới Thiago Motta, từng khoác áo Barca và đang là trụ cột của Inter khi 2 đội bóng chạm trán. Ở thời điểm tiền vệ đánh chặn gốc Brazil, mang quốc tịch Ý, nhận thẻ đỏ trực tiếp sau pha va chạm với Sergio Busquets, anh đã có 1 thẻ vàng trước đó 10 phút. 

Không phủ nhận có va chạm giữa 2 người, nhưng Busquets đã phóng đại sự việc bằng những cú lăn lộn trên sân. Hiển nhiên, trong những tình huống như vậy, một thẻ vàng là không thể tránh khỏi, nhưng sẽ là thẻ vàng hay thẻ đỏ trực tiếp với một pha bóng như vậy? 

Scandal Nou Camp lần 2

Van Persie nhận thẻ vàng thứ 2 vì lỗi câu giờ - Ảnh: AFP

Trận lượt về vòng 16 Champions League 2010-2011 chứng kiến Barca thắng Arsenal 3-1. Nhưng CĐV Arsenal sẽ chỉ còn lưu trong ký ức của mình khoảnh khắc, có lẽ mang tính bước ngoặt của trận đấu, khi Robin Van Persie bị khỏi sân vì lỗi… câu giờ, sau khi bị phạt lỗi việt vị. Trận đấu mới chỉ qua 10 phút của hiệp 2. 

Đã có một vài giây trôi qua giữa thời điểm Van Persie sút trái bóng và trọng tài thổi còi. Ngay một CĐV trung thành nhất của Barca cũng phải thừa nhận rằng với một tình huống như vậy, chẳng có cầu thủ nào có thể phản ứng kịp (không sút bóng), đặc biệt trong môi trường ầm ầm, cuồng nhiệt ở Nou Camp. Thẻ đỏ (chính xác là tấm thẻ vàng thứ 2) với Van Persie rõ ràng là không công bằng. Và quyết định của trọng tài đã giết chết một trận cầu đẹp, giữa 2 đội bóng phong cách nhất châu Âu thời điểm đó. 

“Có 2 kiểu người sẽ không vui sau trận đấu này, đó là những người yêu Arsenal và người yêu bóng đá. Họ có thể tức giận với các quyết định của trọng tài. Trước khi ông ta đưa ra quyết định (với Van Persie), đó là một trận đấu rất hứa hẹn, rất thú vị. Thật đáng xấu hổ”, Wenger nói. Nasri cũng chia sẻ quan điểm với ông thầy, bằng những phát biểu còn gay gắn hơn. Và 2 người nhận án phạt cấm 1 trận từ UEFA vì lỗi hành vi không đúng mực. Wenger chịu thêm án phạt 10 ngàn Euro. 

Scandal tại Bernabeu

Mourinho luôn chịu thiệt thòi mỗi khi gặp Barcelona - Ảnh: AFP

Từ Chelsea, tới Inter Milan và sau đó là Real Madrid, các đội bóng do Mourinho dẫn dắt luôn có xu hướng chịu thiệt người trong những lần đối đầu với Barcelona. Và ở trận bán kết lượt đi Champions League 2010-2011 (Real 0-2 Barca), Pepe có “vinh dự” nhận thẻ đỏ trực tiếp từ pha vào bóng với Dani Alves. Nhiều người tin rằng không hề có va chạm giữa 2 cầu thủ, chỉ duy nhất một người khẳng định là có – trọng tài. 

Luật là luật. Quy định của UEFA là rất minh bạch: “Bất kỳ hành động nguy hiểm nào có thể gây ra chấn thương cho một cầu thủ đều phải bị phạt, dù có làm người đó chấn thương hay không”. Thế nên, ở tình huống của Pepe, trung vệ nổi tiếng với những pha bóng đá “láo”, một thẻ vàng là nghiễm nhiên. Thẻ đỏ? Đáng tranh cãi. 

Và ở trận lượt về, bàn thắng của Higuain bị từ chối công nhận, ở thời điểm Real đang dẫn Barca 1-0, do trọng tài cho rằng Cristiano Ronaldo phạm lỗi với Mascherano. Các góc máy quay chậm cho thấy trung vệ người Argentina đã ngã vật xuống sân, sau một cái chạm rất nhỏ từ một CR7 đang mất thăng bằng. Nếu bàn thắng được công nhận, kết quả thuận lợi cuối cùng hẳn đã nghiêng về Real.   

Scandal Nou Camp lần 3

Barcelona của Messi được tới 2 quả phạt đền trong trận đấu lượt về vòng tứ kết Champions League với AC Milan vào năm 2012 - Ảnh: AFP

Vẫn là Nou Camp. Và luôn phải là ở Nou Camp. AC Milan thua chủ nhà 1-3 trong trận tứ kết lượt về Champions League 2011-2012. Đội bóng Ý chịu phạt tới… 2 quả penalty trong trận này. 

Quả 11m đầu tiên xuất hiện sau cú tắc bóng của Antonini vào Messi, người đứng ở vị trí việt vị khi bóng đang trong tầm kiểm soát của Xavi (nhất là trong bối cảnh, bóng sẽ không chuyền tới Leo). Một tình huống 50-50, và trọng tài có thể đổ lỗi bản thân: nhận định sai!

Quả 11m thứ 2 gây tranh cãi là khi Nesta dường như kéo ngã Busquets trong quả đá phạt góc. Luật quy định: “Dù cầu thủ kéo hay đẩy thường xuyên, trong tình huống đá phạt gián tiếp, trọng tài có quyền coi đó là pha phạm lỗi trong khu cấm địa. Penalty”. Có điều, bóng chưa nhập cuộc, làm sao có thể tính lỗi Nesta? 

Torres là cầu thủ thứ 31 bị truất quyền thi đấu trong các trận đấu có Barcelona ở Champions League - Ảnh: AFP

Kể từ Joao Pinto (Porto), cầu thủ đầu tiên nhận thẻ đỏ trực tiếp trong trận bán kết Champions League tháng 4.1994, giữa Porto và Barca, cho tới Torres (Atletico), người mới nhất nhận thẻ đỏ trong một trận đấu với Barca tại cúp châu Âu, đã có 31 cầu thủ của Porto, PSV Eindhoven, Man United, Arsenal, Sparrta Prague, Chelsea, Galatasaray, Inter Milan, Juventus, Udinese, Sporting Lisbon, Lyon, Real Madrid, Viktoria Plzen, AC Milan, Celtic, Ajax, Man City, APOEL Nicosia bị truất quyền thi đấu khi chạm trán Barca. 

Trọng tài, cũng như các cầu thủ, không hoàn hảo. Công bằng mà nói, cũng có những ông vua sân cỏ đã bỏ qua nhiều tình huống thổi phạt có lợi cho Barca. Nhưng cũng bí ẩn như các quyết định của trọng tài, đội bóng xứ Catalan thực sự nhận được những quyết định ưu ái ở những thời khắc quyết định trận đấu. Tin hay không vào “Hồ sơ UEFAlona”, tùy bạn!?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.