Ý sẽ lại lên ngôi nhờ… tai tiếng bán độ?

20/05/2010 00:34 GMT+7

Có những điều trùng hợp lạ lùng trước ngày tuyển Ý lên đường sang Nam Phi để bảo vệ chức vô địch thế giới. Trước hai lần đăng quang ở World Cup gần đây nhất (1982 và 2006), bóng đá Ý đều chao đảo bởi tai tiếng bán độ. Lần này cũng có tai tiếng nhưng liệu tuyển Ý có lên ngôi?

Paolo Rossi (20) từng bị treo giò vì bán độ nhưng lại trở thành người hùng của tuyển Ý ở Espana 82 - Ảnh: Reuters

Có những điều trùng hợp lạ lùng trước ngày tuyển Ý lên đường sang Nam Phi để bảo vệ chức vô địch thế giới. Trước hai lần đăng quang ở World Cup gần đây nhất (1982 và 2006), bóng đá Ý đều chao đảo bởi tai tiếng bán độ. Lần này cũng có tai tiếng nhưng liệu tuyển Ý có lên ngôi?

Tai tiếng và đăng quang

Nếu nói đến bán độ, có lẽ bóng đá Ý được xếp hàng đầu khi đất nước hình chiếc ủng này là mảnh đất nổi tiếng với những phi vụ dàn xếp tỷ số, mua chuộc trọng tài… Khi những tai tiếng bán độ bị phanh phui, không ít ngôi sao, quan chức phải cúi đầu nhận tội, thậm chí vào khám, hay chí ít là bị treo giò. Nhưng tại sao người hâm mộ Ý lại không quay lưng với những giải đấu quốc nội và tuyển quốc gia? Đơn giản là vì sau những ngày tháng đen tối đó, người Ý lại được vỡ òa trong hạnh phúc khi họ trở thành bá chủ thế giới trên sân cỏ ở World Cup 1982 tại Tây Ban Nha và World Cup 2006 tại Đức. Điều thú vị là những ngôi sao ít nhiều có liên quan đến tai tiếng đều trở thành người hùng của đội tuyển áo thiên thanh ở những ngày hội bóng đá trên.

Tháng 2.1980, vụ tai tiếng dàn xếp tỷ số được xem là trầm trọng nhất trong lịch sử bóng đá tính đến thời điểm đó bị phanh phui. Hậu quả: CLB AC Milan bị giáng xuống hạng 2 và một số ngôi sao có liên quan như Bruno Giordano, Albertosi, Paolo Rossi... đều lãnh án phạt. Paolo Rossi, lúc đó là một ngôi sao trẻ đang chơi Perugia, bị treo giò 3 năm, nhưng sau được giảm xuống 2 năm. Thời điểm đó, tưởng chừng như bóng đá Ý sẽ khó gượng dậy nhưng thực tế đều ngược lại. HLV tuyển Ý Enzo Bearzot bỏ ngoài tai những lời chỉ trích của dư luận để gọi Rossi vào đội hình 23 cầu thủ chính thức tham dự Espana 82. Ở giải đấu đó, Rossi chỉ 7 lần dứt điểm nhưng ghi được đến 6 bàn trong các trận thắng Brazil (3-2), Ba Lan (2-0) và thắng CHLB Đức (3-1) ở chung kết, giúp Ý đăng quang.

24 năm sau, vụ bán độ dàn xếp tỷ số và mua chuộc trọng tài (Calciopoli) nổ ra ngay trước thềm World Cup 2006. Các cuộc điều tra Calciopoli được bắt đầu tiến hành khi ngày khai mạc World Cup chỉ còn chưa đầy 1 tháng. Các đội bóng đóng góp nhiều cầu thủ chơi cho tuyển Ý như Juventus, Fiorentina... đều bị liệt vào danh sách đen. Thời điểm này, ngay chính HLV Lippi cũng phải mệt mỏi với những cáo buộc, thủ môn Buffon thì dính đến chuyện cờ bạc... Thậm chí, trong lúc đang đá trận vòng 2 gặp Úc, không khí bao trùm tuyển Ý càng ảm đạm hơn sau tin ông Pessotto, Giám đốc điều hành CLB Juventus, nhảy lầu tự tử do có liên quan đến bán độ. Điều trùng hợp là vòng chung kết năm đó, HLV Lippi đưa Ý lên ngôi với phong độ ấn tượng của thủ môn Gianluigi Buffon trong trận chung kết (Ý thắng Pháp 5-4 trên chấm 11m).

Khó có lần thứ ba

Trước ngày đội tuyển áo thiên thanh lên đường sang Nam Phi, bóng đá Ý lại dính tai tiếng khi vụ Calciopoli được lật lại. Nhiều người cho rằng, chuyện Ý lên ngôi song song với tai tiếng bán độ bùng nổ như một định mệnh và nó diễn ra như một quy luật. Ở một góc độ nào đó, tai tiếng góp một phần giúp tuyển Ý lên ngôi ở Espana 1982 và Germany 2006. "Máy ủi" hậu vệ Gattuso từng phát biểu sau World Cup 2006: "Bóng đá nước nhà chìm trong bóng tối đã giúp chúng tôi thi đấu bằng 200% sức lực của mình để khẳng định bóng Ý không chỉ có tai tiếng".

Tuy nhiên, Gattuso nói là một chuyện, còn trên thực tế, đội bóng xứ sở mì ống xứng đáng đăng quang ở hai kỳ World Cup nói trên với những ngôi sao có trong đội hình. Ở Espana 82, họ có Gentile, Cabrini, Altobelli, Rossi và đặc biệt là thủ thành lừng danh Dino Zoff. Còn ở Germany 2006, HLV Lippi lại có Cannavaro, Totti, Del Piero, Zambrotta và Buffon... đang ở độ chín của sự nghiệp. Thậm chí trước thềm World Cup 2006, HLV Lippi từng khoe: "Bóng đá Ý có quá nhiều cầu thủ xuất sắc nhưng tôi không thể đem 50 cầu thủ đến Đức".

Còn ở World Cup 2010, tuyển Ý liệu một lần nữa đăng quang? Kể từ Espana 82, cứ 12 năm, đội quân áo thiên thanh lại vào chung kết (1982 - 1994 - 2006). Nếu theo quy luật đó, phải đến World Cup 2018, tuyển Ý mới có thể đi đến trận đấu cuối cùng. Nhưng trở ngại lớn nhất hiện nay đối với HLV Lippi nằm ở lực lượng. Có thể thấy một điểm chung ở 3 lần Ý vào đến trận chung kết World Cup gần đây là họ đều có một thủ lĩnh ở tuyến phòng thủ và một ngôi sao lớn trên hàng công: Zoff - Rossi (Espana 82), Baresi - R.Baggio (USA 1994) và Cannavaro - Totti (Germany 2006). Nhưng trong danh sách 29 cầu thủ vừa được triệu tập chuẩn bị World Cup 2010 lại không thể hiện điều đó. Ở hàng thủ, thủ thành Buffon đã 2 tháng chưa ra sân vì chấn thương, trong khi phong độ của các cựu binh Cannavaro và Zambrotta đều đang ở tuổi xế chiều.

Trong khi đó, trên hàng tiền đạo, Gilardino, Di Natale và Iaquinta... chưa thể hiện được là một cầu thủ lớn trong những trận đấu lớn, đặc biệt ở World Cup.

Đó là chưa kể đến những cái tên lạ hoắc như Sirigu, Bocchetti, Cossu, Candreva... Tại World Cup 2010, có thể thầy trò HLV Lippi gặp may khi rơi vào bảng đấu khá nhẹ với Paraguay, Slovakia và New Zealand. Nhưng với lực lượng như vậy, tuyển Ý sẽ khó làm nên chuyện trước Brazil, Argentina, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha... nếu muốn bảo vệ chức vô địch thế giới. L.Moggi, cựu Tổng giám đốc CLB Juventus, người đang bị xét xử ở phiên tòa Calciopoli vừa được mở lại, đánh giá: "Với một lực lượng như bây giờ, HLV Lippi có làm cách nào thì Ý cũng khó mà lập lại kỳ tích ở World Cup 2006".

Tây Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.