Bài học đắt giá cho thủ quân đội tuyển Việt Nam

05/09/2020 09:50 GMT+7

Ngoài yếu tố chuyên môn, duy trì phong độ khi tập luyện, thi đấu, các cầu thủ nhất là những ai đang khoác áo tuyển Việt Nam cũng phải chăm chút hình ảnh của bản thân cũng như cho các đội bóng mà mình đang phục vụ, tránh những điều tiếng đáng tiếc.

Lời xin lỗi của Quế Ngọc Hải 

Bóng đá Việt Nam đang nổi sóng với một số vụ việc liên quan đến những cầu thủ của đội tuyển Việt Nam. Tiền đạo Tiến Linh dù chỉ là “đầu quân” cho vui một đội bóng nghiệp dư nhưng chưa xin phép ý kiến của CLB chủ quản là Becamex Bình Dương nên đã bị “tuýt còi”. Trung vệ Quế Ngọc Hải đăng tải trên trang cá nhân Facebook clip có hình ảnh của đội tuyển Việt Nam mà cũng chưa xin phép CLB chủ quản cũng như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
Trước sự việc không hay xảy ra, lãnh đạo VFF đã phải lên tiếng nhấn mạnh: “Bản quyền hình ảnh trận đấu của đội tuyển quốc gia Việt Nam và hình ảnh đội tuyển Việt Nam thuộc quyền quản lý và sở hữu thương mại của VFF. Các đơn vị kinh doanh thương mại không được sử dụng hình ảnh đội tuyển Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được sự chấp thuận chính thức của VFF. Nếu sử dụng khi chưa được sự đồng ý của VFF là vi phạm quyền sở hữu của VFF. VFF yêu cầu các doanh nghiệp, các cầu thủ, thành viên đội tuyển quốc gia tuyệt đối tôn trọng quyền sở hữu hình ảnh các đội tuyển bóng đá quốc gia, đã được quy định rõ tại Điều lệ VFF, tránh lặp lại các vi phạm tương tự như trường hợp vừa qua”.
Ngày 4.9, Quế Ngọc Hải gửi lời xin lỗi đến VFF, CLB Viettel và toàn thể người hâm mộ. Còn CLB Viettel đã phát đi quan điểm chính thức: “Trên trang Facebook cá nhân của Quế Ngọc Hải có đăng tải hình ảnh Hải mặc trang phục có hình cờ Tổ quốc không đúng chuẩn mực. Bên cạnh đó còn sử dụng những hình ảnh của đội tuyển quốc gia Việt Nam mà chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Ngay sau khi nắm bắt thông tin, lãnh đạo CLB đã làm việc với anh để làm rõ sự việc. Đồng thời một lần nữa nhắc nhở để Ngọc Hải nhận thức rõ hơn về trách nhiệm cá nhân, các vấn đề pháp lý và các quy định nội bộ có liên quan của Tập đoàn Viettel. Đặc biệt, lãnh đạo CLB đã nhấn mạnh chuẩn mực hàng đầu của mỗi người đang công tác, làm việc tại tập đoàn là “thượng tôn pháp luật” - được hiểu là phải làm đúng pháp luật trong mọi không gian, thời gian và từng việc làm”.

Quế Ngọc Hải, đội trưởng cần phải gương mẫu và ý thức về sắc áo để giữ gìn

Độc Lập

Am hiểu pháp luật để tránh bị lợi dụng

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng Quế Ngọc Hải đã có lỗi khi đăng lên trang cá nhân một đoạn video clip vi phạm bản quyền của đội tuyển Việt Nam. Về điều này, Quế Ngọc Hải đã thừa nhận sai sót và đây chính là bài học đắt giá cho cá nhân Hải cũng như những cầu thủ đã từng vi phạm trước đó. Sau này, để tránh rắc rối về pháp lý thì trước khi thực hiện việc quảng cáo/quảng bá cho cá nhân, tổ chức theo hợp đồng quảng cáo, cầu thủ nên yêu cầu nhà sản xuất hoặc đơn vị thuê quảng cáo không được sử dụng hình ảnh, clip thuộc bản quyền của VFF, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng như của các tổ chức khác. Mặt khác, nên có điều khoản thỏa thuận được xem lại nội dung quảng cáo và phải được sự đồng ý của cầu thủ thì nhà sản xuất hoặc đơn vị thuê quảng cáo mới được phát hành sản phẩm quảng cáo/quảng bá. Cầu thủ nên cẩn trọng hơn trong việc quảng cáo hay quảng bá sản phẩm hay thương mại cho cá nhân, tổ chức để tránh bị “lợi dụng” rồi rơi vào các rắc rối cả về pháp lý và truyền thông.
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, lãnh đạo một CLB tại V-League nói: “Chúng tôi đã thuê rất nhiều luật sư để soạn thảo quy định quản lý hình ảnh cầu thủ, HLV, CLB. Trong quá trình tiến lên bóng đá chuyên nghiệp, việc sử dụng hình ảnh cầu thủ vì mục đích thương mại là một điều rất bình thường nhưng bắt buộc phải thông qua đội bóng, để tránh những sự cố đáng tiếc. Đội của tôi đã từng xảy ra sự cố tương tự như sự cố của Quế Ngọc Hải nên càng phải siết chặt quy chế về việc khai thác thương hiệu, hình ảnh và dấu hiệu liên quan đến cầu thủ. Đội không cấm cầu thủ tự tìm đối tác nhưng phải báo và phải được sự cho phép của đội, không được tự ý muốn quảng cáo gì thì quảng cáo. Kể cả trang cá nhân, cầu thủ cũng phải tìm hiểu kỹ nội dung mà đối tác yêu cầu đăng tải. Có một số clip, chúng tôi đã yêu cầu đối tác phải cho biết trước nội dung, kịch bản, cách dàn dựng, thậm chí trang phục. Mọi việc khai thác hình ảnh, phải đúng pháp luật, đúng quy chế CLB và không được vi phạm bản quyền của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Vi phạm hình ảnh là điều không nên có của thủ quân đội tuyển

Độc Lập

HLV Đoàn Minh Xương bình luận: “Không phải ngẫu nhiên mà AFC đưa ra một loạt tiêu chí để công nhận một CLB chuyên nghiệp, trong đó có tiêu chí về tổ chức - nhân sự. Qua sự việc liên quan đến Quế Ngọc Hải hay một số trường hợp khác, VFF nên khuyến cáo các CLB phải tổ chức lại bộ máy hoạt động, để có những bộ phận phụ trách về đào tạo cho cầu thủ trong việc gìn giữ hình ảnh. Đừng xem nhẹ yếu tố này khi bóng đá ngày càng phát triển. Cơ chế bóng đá chuyên nghiệp cho phép cầu thủ được coi như những “sản phẩm” có giá trị. Các CLB cần mời các chuyên gia về kinh tế, về thương mại, về pháp luật, về marketing, giảng cho cầu thủ những kiến thức cần thiết về những vấn đề liên quan đến khai thác hình ảnh. Đừng để xảy ra những sai sót kiểu như vừa rồi, gây hiệu ứng không tốt trong xã hội”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.