Bao giờ giám sát mới hết “dĩ hòa vi quý”?

04/03/2010 09:51 GMT+7

Ở V-League từ nhiều mùa qua và đến nay, hầu hết các giám sát được chọn đều là những quan chức VFF hoặc các trọng tài đã lớn tuổi nghỉ hưu, các HLV từng theo học một vài khóa giám sát.

Vụ trọng tài Xuân Hòa bẻ còi có sự tiếp tay của 2 giám sát - Ảnh: Q.T

Ở V-League từ nhiều mùa qua và đến nay, hầu hết các giám sát được chọn đều là những quan chức VFF hoặc các trọng tài đã lớn tuổi nghỉ hưu, các HLV từng theo học một vài khóa giám sát.

Họ được coi là những người có trình độ chuyên môn cao và được kỳ vọng sẽ thay mặt VFF, BTC để điều hành các trận đấu đi đến nơi về đến chốn, đồng thời phải thể hiện chính kiến và sự dũng cảm để đầy lùi các hành vi phi thể thao. Tiếc thay trong thực tế, đa phần các giám sát không hoàn thành nhiệm vụ.

Không phải các giám sát không nhận ra những bất cập trong từng trận đấu. Ngồi ở vị trí thuận lợi quan sát tận tường và lắng nghe được sự đánh giá của người xem, những “cánh tay nối dài” của BTC hoàn toàn có thể rút ra được những điều hay lẽ phải cũng như nêu rõ ràng quan điểm của mình với từng sự việc trên sân. Nhưng trong hầu hết các bản báo cáo của các giám sát fax về VFF sau trận đấu, rất ít khi dám nói thẳng những điều mắt thấy tai nghe. Họ đều chỉ đưa ra các con số như: khán giả bao nhiêu, bàn thắng thế nào, thẻ phạt ra sao, rồi ghi nhận sơ về không khí trên sân, đánh giá cho điểm trọng tài hoặc cùng lắm có thêm vài nhận xét chung chung cho có... màu sắc. Chẳng hạn các đội bóng cũng rất nỗ lực, tuy nhiên đôi khi trận đấu trở nên tẻ nhạt vì các lỗi câu giờ... Có giám sát còn “đá quả bóng” về BTC khi đề nghị xem thêm băng để làm rõ lỗi vì ngồi xa không theo dõi kịp!

Tất nhiên không phải các giám sát đều thiếu trách nhiệm. Nhưng phần lớn những người làm nhiệm vụ “quan tòa” trên sân này chọn phương án “dĩ hòa vi quý” bằng cách vo tròn, tránh đụng chạm hoặc làm theo chỉ đạo của ai đó từ xa khi có chuyện xảy ra. Như sự cố trên sân Chi Lăng cách đây 2 mùa bóng, vụ trọng tài Nguyễn Xuân Hòa “bẻ còi” có sự đóng góp của 2 giám sát Trần Văn Thành, Phạm Văn Quang. Họ làm như vậy cũng vì “nồi cơm” (nếu làm căng quá đẩy BTC giải vào thế khó xử với sự cố xảy ra thì lần sau khó được bố trí đi làm giám sát). Chính vì hiểu như vậy nên không ít giám sát chọn cho mình cách làm an toàn và tránh báo cáo về BTC những hiện tượng không hay, bất chấp dư luận có phản ứng tới đâu. Thế nên mới có chuyện nhiều tình tiết thô bạo trong trận HA.GL-BD vừa rồi đã được cố ý bỏ qua.

Dư luận hoàn toàn có thể thông cảm nếu thực sự giám sát dám nghĩ dám làm nhưng vì những zíc-zắc hậu trường nên tiếng nói trung thực của giám sát bị VFF và BTC giải không đếm xỉa. Nhưng sẽ khó chấp nhận nếu giám sát chỉ chọn cho mình con đường an phận. Điều đó sẽ góp phần kéo lùi bóng đá VN.

Q.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.