Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh: “VFF cần có những thay đổi”

09/12/2011 01:08 GMT+7

Hôm qua 8.12, Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) và nhấn mạnh thất bại của U.23 VN tại SEA Games 26 “để lại một dấu ấn buồn trong lòng người hâm mộ”.

Hôm qua 8.12, Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) và nhấn mạnh thất bại của U.23 VN tại SEA Games 26 “để lại một dấu ấn buồn trong lòng người hâm mộ”.

Thưa Bộ trưởng, đoàn TTVN đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu tại SEA Games 26, tuy nhiên Bộ trưởng có tâm trạng thế nào trước thất bại của đội tuyển U.23 VN?

Tại SEA Games 26 vừa qua, TTVN đã thi đấu xuất sắc, vượt chỉ tiêu HCV và hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Với gần 2/3 tổng số HCV đạt được tại SEA Games lần này đến từ các môn thể thao Olympic, TTVN cho thấy đã có hướng đi đúng và gặt hái được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, thất bại của đội tuyển U.23, thể hiện qua năng lực chuyên môn, chiến thuật, đặc biệt là tinh thần, thái độ thi đấu của các cầu thủ trong nhiều trận đấu, đã để lại một dấu ấn buồn trong lòng người hâm mộ. Là người đứng đầu ngành, tôi thực sự không hài lòng và cũng rất buồn về thất bại này của đội U.23.

VFF đã tiến hành mổ xẻ sau thất bại, nhưng không nhận được sự cảm thông thực sự từ người hâm mộ cũng như giới truyền thông vì chưa dám nhìn thẳng vào nguyên nhân dẫn đến thất bại. Với cương vị lãnh đạo cao nhất của Bộ, và dưới cả lăng kính như một khán giả, theo Bộ trưởng, sự chưa thành công của bóng đá VN ở đấu trường SEA Games xuất phát từ những lý do chính nào? VFF đã thực sự làm tốt vai trò trách nhiệm của mình chưa, hay đội U.23 chỉ đơn thuần thất bại về mặt chuyên môn, như liên đoàn tự đánh giá?

Đội tuyển U.23 thi đấu không thành công tại SEA Games 26 có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, tôi cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của đội U.23: Thứ nhất, công tác quản lý điều hành hoạt động bóng đá chuyên nghiệp còn nhiều bất cập, chưa tạo ra môi trường tốt cho các cầu thủ rèn luyện phẩm chất, ý chí và thi đấu cọ xát ở đỉnh cao. Thứ hai, công tác đào tạo vận động viên trẻ còn yếu. Thứ ba, công tác chuẩn bị cho đội tuyển U.23 thi đấu tại SEA Games 26 chưa tốt, nhất là về chuyên môn. Vì vậy, ngoài những lý do về chuyên môn, tôi cho rằng cũng có phần trách nhiệm của VFF trong thất bại của U.23.

VFF cần có những thay đổi, cả về công tác quản lý, điều hành hoạt động bóng đá lẫn tư duy chiến lược và đặc biệt là vấn đề nhân sự để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới

Là người trực tiếp chứng kiến Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đưa ra lời hứa sẽ thưởng 1 triệu USD cho đội U.23 VN nếu vô địch SEA Games 26, chắc hẳn Bộ trưởng có thể đong đếm được sự kỳ vọng rất lớn của xã hội dành riêng cho các cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, sự kỳ vọng đó chưa được đáp ứng đúng mức. Theo Bộ trưởng, bóng đá VN phải làm lại những khâu nào, kể cả nhân sự quản lý?

Đúng là sự kỳ vọng của xã hội dành cho các đội tuyển bóng đá, trong đó có đội U.23 là rất lớn vì đây là môn thể thao nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ cả nước. Thất bại của đội tuyển U.23 tại SEA Games thật đáng buồn và đây là dịp để những người có trách nhiệm nhìn nhận lại những bất cập và tiến hành những thay đổi mang tính căn bản. Người xưa đã có câu: “Thuốc đắng dã tật”, chỉ có mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nhận thức đúng khuyết điểm, trách nhiệm và quyết tâm đổi mới thì mới phát triển được. Bóng đá VN hiện nay cũng cần phải như vậy. Bộ VH-TT-DL sẽ chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt để đổi mới bóng đá VN trong thời gian tới.

Bộ trưởng nhận định thế nào về bộ máy VFF đương nhiệm, từ năng lực lãnh đạo, quản lý đến tư duy chiến lược cho cả chặng đường dài của bóng đá VN?

Trong nhiệm kỳ vừa qua, VFF đã có cố gắng để từng bước hoàn thiện bộ máy, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thu hút nguồn lực cũng như sự tham gia của xã hội trong phát triển bóng đá… Tuy nhiên, năng lực quản lý và tư duy chiến lược của lãnh đạo VFF còn có những hạn chế, thể hiện ở kết quả thi đấu của các đội tuyển quốc gia ở các giải đấu quốc tế và SEA Games vừa rồi.

Trong bối cảnh VFF còn nhiều hạn chế, liệu có cần sự cải tổ vào thời điểm này không, thưa Bộ trưởng?

Chính vì còn hạn chế mà VFF cần có những thay đổi, cả về công tác quản lý, điều hành hoạt động bóng đá lẫn tư duy chiến lược và đặc biệt là vấn đề nhân sự để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đáp ứng lòng mong đợi của xã hội.

Xã hội đang rất kỳ vọng vào sự ra đời của Công ty tổ chức giải đấu VPF - mô hình mà các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới đang áp dụng thành công. Bộ trưởng có yêu cầu gì với VFF cũng như các nhà sáng lập trong việc điều hành công ty vì chắc chắn sẽ có nhiều thử thách đang đón đợi?

Công ty VPF ra đời và đi vào hoạt động phản ánh xu thế tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp. Mặc dù đã thành công ở các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới cũng như ở một số quốc gia châu Á, nhưng khi áp dụng vào nước ta chắc chắn sẽ phát sinh những vấn đề mới xuất phát từ sự khác biệt trong cơ chế quản lý. Bộ đã yêu cầu VPF phải tuân thủ các quy định của pháp luật VN, điều lệ và quy định của FIFA, AFC, AFF và VFF, hoạt động vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, vì lợi ích chính đáng của người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Quan chức VFF bị “khủng bố” tin nhắn!

Như Thanh Niên đã đưa tin, trong phiên họp thường trực VFF ngày 7.12, Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn bày tỏ ý muốn không tiếp tục đảm đương chức vụ này. Hôm qua, trả lời báo chí, ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF - cho biết nếu chính thức từ chức, ông Tuấn sẽ phải nộp đơn cho chủ tịch và chủ tịch sẽ lấy ý kiến thường trực, BCH rồi mới quyết định. Tuy nhiên, ông Hỷ đang thuyết phục cấp dưới nên xem xét lại quyết định (chưa bằng văn bản) của mình, vì trong con mắt của chủ tịch, ông Tuấn đã đóng góp nhiều cho bóng đá VN.

Suốt mấy ngày nay, đặc biệt vào hôm qua, các lãnh đạo VFF liên tiếp nhận được tin nhắn từ một vài số máy lạ với nội dung gây sức ép từ chức. Thậm chí, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ còn nhận được một tin nhắn… chia sẻ và khen ngợi vì cho rằng ông đã dũng cảm nói lời từ chức (dù trên thực tế, người đứng đầu VFF cho biết ông chưa từ chức). Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phạm Ngọc Viễn nhận tin nhắn gây áp lực liên quan đến Công ty VPF. Bị “khủng bố” tin nhắn từ những người “vô danh” là việc chưa từng xảy ra ở VFF và khiến các quan chức VFF hết sức mệt mỏi. Được biết, phụ trách an ninh của VFF đã nhờ cơ quan công an vào cuộc, điều tra xử lý.

Nhật Duy

Lan Phương
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.