'Bộ tứ huyền ảo' U.19 Việt Nam lên truyện tranh

27/09/2014 07:25 GMT+7

(TNO) Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi hay tin Nhà xuất bản Trẻ chuẩn bị phát hành bộ truyện tranh Học viện bóng đá, lấy cảm hứng từ đội U.19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG.

(TNO) Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi hay tin Nhà xuất bản Trẻ chuẩn bị phát hành bộ truyện tranh Học viện bóng đá, lấy cảm hứng từ đội U.19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG.

>> Bầu Đức phấn khởi với lứa cầu thủ mới của Học viện HAGL JMG Arsenal
>> Bầu Đức: U.19 Học viện sẽ 'hút' khán giả đến với V-League
>> Bầu Đức: Xé lẻ U.19 Việt Nam chỉ có hại

 
Ý tưởng về bộ truyện tranh ra đời sau khi lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG "hạ sơn" và tung hoành trên sân cỏ U.19 Đông Nam Á

Càng bất ngờ hơn nữa khi được biết, nhóm thực hiện là những người rất trẻ. Họa sĩ Học viện bóng đá là Bách Lê, chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tác truyện tranh Darkness (Hà Nội); còn người viết kịch bản là Bá Diệp (tức Phạm Bá Diệp, tác giả vừa đoạt giải khuyến khích cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V với tác phẩm Urem - người đang mơ).

Theo trần tình của họ thì "bóng đá là một niềm đam mê của nhóm tác giả. Truyện tranh là niềm đam mê thứ hai. Chúng tôi mong muốn kết hợp cả hai niềm đam mê này để tạo nên một bộ truyện tranh về bóng đá Việt Nam".

Ý tưởng về bộ truyện tranh ra đời sau khi lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG "hạ sơn" và tung hoành trên sân cỏ U.19 Đông Nam Á.

"Chứng kiến một đội bóng trẻ trung chơi thứ bóng đá quyến rũ như thế, chúng tôi nảy sinh ý tưởng làm truyện tranh về bộ tứ cầu thủ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG (Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều)", anh Long Huỳnh - Trưởng nhóm sáng tác (Nhà xuất bản Trẻ) chia sẻ.

Ý tưởng này ngay lập tức được Ban giám đốc Nhà xuất bản Trẻ chấp nhận và nhiệm vụ đầu tiên của nhóm là tìm sự đồng ý của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Trở ngại đầu tiên xuất hiện khi chính ông Đoàn Nguyên Đức lắc đầu, với lý do "sợ bọn nhỏ được tung hô thành sao, bị phân tâm và dẫn đến những ảo tưởng không hay".

Không nản chí, nhóm sáng tác tiếp tục thuyết phục đại diện Hoàng Anh Gia Lai và qua nhiều lần gặp gỡ, hai bên đã nhất trí tiến hành dự án. Theo nhóm sáng tác: "Đây không phải câu chuyện tôn vinh, ca ngợi, mà về nghị lực và ước mơ. Các nhân vật sẽ dựa trên nguyên mẫu với những chi tiết hư cấu đặc thù, để qua đó chuyển tải thông điệp dám ước mơ, dám thực hiện".

 
Nhân vật Công Phong được lấy cảm hứng từ cầu thủ Công Phượng

Khó khăn thứ hai, theo Long Huỳnh, là việc chọn họa sĩ và người viết kịch bản. Đó phải là những người yêu thích, thậm chí say mê bóng đá. Đồng thời phải nắm được những chi tiết đặc thù Việt Nam như đá bóng trên sân đất ruộng, mẹ Công Phong đưa con đi tập luyện bằng xe đạp, thành kiến của gia đình Tuấn Thanh về bóng đá không phải là nghề nghiệp đoàng hoàng như bác sĩ, kỹ sư...

Nhóm tác giả đã lên thực tế tại Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, nhưng không trực tiếp phỏng vấn các cầu thủ vì các em hầu như không nói về mình. Thay vào đó, họ thu thập thông tin từ các phát biểu của ông Đoàn Nguyên Đức (người cũng sẽ trở thành nguyên mẫu nhân vật trong bộ truyện), Giám đốc Học viện - ông Huỳnh Mau, Trưởng đoàn bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - ông Nguyễn Tấn Anh, các huấn luyện viên của Học viện, nhà báo thể thao, nhân viên tạp dịch, thầy giáo dạy tiếng Pháp... để có những câu chuyện thú vị về các cầu thủ trẻ.

Khó khăn chưa hết. Trong thời gian họa sĩ chính Bách Lê sáng tác, bố của anh phải nhập viện vì tai biến mạch máu não. Vừa chăm sóc bố vừa ráo riết vẽ tranh, Bách Lê mong muốn tác phẩm này như một món quà tinh thần động viên để bố mau hồi phục. Bách Lê và bố đều là fan của pháo thủ Arsenal, nên anh rất hào hứng tham gia dự án này. Khi nằm viện, lần duy nhất bố của Bách Lê cười là khi ông xem lại clip U.19 Việt Nam thắng U.19 Myanmar 4 - 1.

Quyết định đầu tư sản xuất và phát hành bộ truyện này của Nhà xuất bản Trẻ là khá mạo hiểm trong bối cảnh truyện tranh Việt đang bị cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà bởi các tác phẩm nước ngoài và truyện lậu trên internet...

Tuy nhiên đó lại là một quyết định đáng được ủng hộ, vì đây là một bộ truyện Việt kể về những nghị lực và giấc mơ Việt. Mong muốn của nhóm sáng tác Học viện bóng đá là "được độc giả đón nhận với tinh thần khoan dung và ủng hộ cho truyện tranh Việt, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để những tập tiếp theo hay hơn, hấp dẫn hơn".

Một số hình ảnh của bộ truyện Học viện bóng đá 

Nhất Tiếu
Ảnh do Nhà xuất bản Trẻ cung cấp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.