'Bóng đá phải đẹp và vui !'

12/01/2014 09:00 GMT+7

Chương trình đào tạo bài bản của hệ thống Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal - JMG đã góp phần rất lớn hình thành lối chơi trong sáng, nhiệt tình và đẹp mắt của các cầu thủ U.19 Việt Nam.

Chương trình đào tạo bài bản của hệ thống Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal - JMG đã góp phần rất lớn hình thành lối chơi trong sáng, nhiệt tình và đẹp mắt của các cầu thủ U.19 Việt Nam.

Công Phượng giữa vòng vây các hậu vệ U.19 AS Roma
Công Phượng giữa vòng vây các hậu vệ U.19 AS Roma 

Sau khi Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal - JMG được thành lập vào năm 2007, toàn bộ chương trình huấn luyện do hệ thống Học viện JMG đảm nhận. JMG là tên viết tắt của nhà sáng lập Jean-Marc Guillou. Ông Guillou, 69 tuổi, từng là tiền vệ dẫn dắt lối chơi của đội tuyển Pháp và đã cùng Les Bleus tham dự vòng chung kết World Cup năm 1978 ở Argentina. Kể từ khi thành lập vào năm 1994, JMG đã đóng góp nhiều tuyển thủ cho hầu hết những quốc gia có cơ sở của hệ thống học viện này. Khoảng 70 - 80% thành viên đội tuyển quốc gia của Bờ Biển Ngà dự 2 vòng chung kết World Cup 2006, 2010 là học trò của ông Guillou. Nhiều cầu thủ đang chơi cho các CLB danh tiếng trên thế giới là cựu học viên của JMG như: Yaya Touré, Kolo Touré, Gervinho, Eboué, Salomon Kalou, Zokora…

Sau học viện đầu tiên ở Bờ Biển Ngà, JMG đã phối hợp với các đối tác để mở học viện ở nhiều nước như: VN, Ai Cập, Algeria, Bỉ, Mali… Toàn bộ các học viện thuộc hệ thống JMG có cùng nguyên tắc tuyển sinh và đào tạo: tuyển các thí sinh từ 11 - 13 tuổi; mỗi khóa học kéo dài từ 7 - 9 năm; các học viên nhí chơi bóng bằng chân trần và chỉ được mang giày khi đã đáp ứng các tiêu chuẩn gắt gao về kỹ thuật.

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với HLV Guillaume Graechen để tìm hiểu thêm về hệ thống Học viện JMG. Ông Graechen là chuyên gia được JMG cử sang “phố núi” để phụ trách toàn bộ việc đào tạo.

Ông có thể nói cụ thể hơn về quan điểm đào tạo của JMG?

Khi còn thi đấu, ông Guillou luôn đề cao tinh thần đồng đội và lối chơi kỹ thuật. Ông cũng không “sáng tạo” ra điều gì to tát mà chỉ tập trung phát triển những giá trị căn bản vốn có của bóng đá, luôn giữ tình yêu với quả bóng tròn cho học viên để các em có thể cống hiến những trận cầu sôi nổi, quyến rũ. Bóng đá phải đẹp và vui! Chính vì vậy, chúng tôi đưa ra chương trình đào tạo dài hạn để các em được phát triển khả năng của mình một cách tự nhiên và bền vững nhất. Thường phải sau 4 - 5 năm, các em mới được cho thi đấu những giải đấu “chính thức”. Còn trước đó chỉ là các trận đấu tập mà chúng tôi không bao giờ đặt nặng vấn đề thắng thua hay tỷ số.

Một số ý kiến cho rằng các học trò của ông có kỹ thuật tốt nhưng còn thiếu sự mạnh mẽ...

Tôi thừa nhận rằng học trò của mình còn “mỏng cơm” nên có phần thiệt thòi khi tranh chấp bóng với các cầu thủ to cao. Nhưng như tôi vừa nói, JMG không muốn “đốt giai đoạn” đào tạo nên không cho tập tạ sớm vì sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của các em. Những bài tập dạng này nếu dồn ép quá sớm, không chỉ chặn đứng sự phát triển hệ cơ xương mà còn ảnh hưởng đến tốc độ, độ linh hoạt trong từng động tác của học viên. Những cầu thủ U.19 của học viện chúng tôi chỉ bắt đầu tập tạ được 2 tháng. Tôi tin rằng trong thời gian tới, thể hình của các em sẽ được cải thiện đáng kể.

Nguyễn Tuấn Anh - Ảnh: Khả Hòa
Nguyễn Tuấn Anh - Ảnh: Khả Hòa

Còn một yếu tố quan trọng khác để có thể lạc quan là chế độ dinh dưỡng của người VN ngày càng tốt nên vóc dáng của các thế hệ tương lai cũng “ngon lành” hơn. Cụ thể, trong số các học viên khóa 3 vừa gia nhập học viện, một số em mới 12 tuổi đã cao trên 1,6 m. Trong khi đó, trung bình của các em khóa 1 (tức lứa cầu thủ đang tham gia đội U.19 - NV) khi cùng độ tuổi chỉ cao khoảng 1,5 m.

Ngoài bóng đá, Học viện HAGL - Arsenal - JMG còn trang bị gì cho tương lai học viên?

Trước tiên là học vấn. Chúng tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ nhà đầu tư là ông Đoàn Nguyên Đức. Ông Đức đã cho xây dựng một dãy lớp học ngay đối diện học viện và ký hợp đồng với một trung tâm giáo dục ở địa phương. Thầy cô ở trung tâm này hằng ngày đến đây để dạy cho các em. Kết quả cũng không tệ, đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, tỷ lệ đậu ở Học viện HAGL - Arsenal - JMG là 100%. Chúng tôi đợi tất cả các em khóa 1 cùng hoàn tất chương trình phổ thông để bắt đầu khóa học ngắn hạn về quản lý, truyền thông, luật, kinh tế và kế toán. Đây là bước chuẩn bị để các em trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, có thể tự quản lý được tiền bạc, giao tiếp chuẩn mực. Ngoài ra, hiện hầu hết học viên khóa 1 đều đã có trình độ tiếng Anh từ khá đến giỏi. Tóm lại, chúng tôi cố gắng trang bị kỹ năng, kiến thức cho học viên một cách toàn diện nhất để ngay cả khi không chơi bóng nữa, các em vẫn vững vàng để lo cho cuộc sống của mình.

Người Nhật rất đáng để VN học hỏi

HLV Guillaume Graechen (ảnh) nhìn nhận ông không phải là nhà cầm quân thi đấu các giải nên chưa nhiều kinh nghiệm dẫn dắt U.19 thi đấu với những đối tượng mạnh. Nhưng ông cho rằng mình rất hiểu học trò và chịu lắng nghe góp ý để điều chỉnh cho phù hợp nên đã đưa ra một số thay đổi giúp U.19 VN chơi tươi mát hơn sau khi bại trận trước Nhật Bản. Graechen đánh giá “Người Nhật rất đáng để VN học hỏi. Họ thể hiện đầy đủ phẩm chất kỹ thuật, chơi bóng rất kỷ luật và đầy sức mạnh, tốc độ. U.19 VN cũng đang trên con đường hướng đến cách chơi như vậy. Với 4 tháng tập huấn ở nước ngoài sắp tới cùng với việc đầu tư quyết liệt của TCTDTT, VFF , tôi tin U.19 VN sẽ còn tiến bộ”.

Nguyễn Tuấn Anh - Ảnh: Khả Hòa
Ảnh: Khả Hòa

Trên website của JMG, thông tin về học viên các khóa của từng học viện ở các nước được cập nhật khá chi tiết. Chỉ cần phân tích những số liệu này cũng rút ra được nhiều thông tin thú vị. Chẳng hạn, tháng 3.2012, Công Phượng và Tuấn Anh là 2 học viên đầu tiên của khóa 1 “được” mang giày sau khi vượt qua bài kiểm tra kỹ thuật tâng bóng bậc 3. Đây là bài kiểm tra cực khó và thường các học viên phải mất 3 - 5 năm mới vượt qua được. Do vậy, những em được trao giày sớm cũng là những em nổi bật nhất. Thực tế cho thấy ở giải đấu vừa qua, Công Phượng và Tuấn Anh đã để lại nhiều ấn tượng tốt cho HLV các đội bạn.

HLV Guillaume Graechen đánh giá có một số học viên ở khóa 2 và khóa 3 tỏ ra vượt trội hơn đàn anh khóa 1 trong quá trình tập luyện. “Khớp” với đánh giá này là việc học viên Đinh Thanh Bình (sinh năm 1998, khóa 2) được website JMG “chúc mừng” sau khi lập kỷ lục của Học viện HAGL - Arsenal - JMG: chỉ mất 195 ngày để từ bậc 1 lên bậc 2 và thêm 188 ngày để đạt bậc 3; là cầu thủ trẻ nhất được mang giày (15 tuổi 2 tháng).

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> U.19 VN - U.19 Tottenham 2-3: Đứng dậy ấn tượng
>> HLV U.19 Việt Nam tiếc vì không thể thắng U.19 Tottenham
>> Cầu thủ U.19 Việt Nam quyết đứng dậy
>> U.19 Việt Nam không có gì phải buồn
>> U.19 VN - U.19 Nhật Bản 0-7: Cần nhiều điều để vượt lên chính mình
>> U.19 Việt Nam sẽ trưởng thành từ những nỗi đau
>> Nữ CĐV Nhật Bản e ngại U.19 Việt Nam
>> Không khí trước trận U.19 Việt Nam - U.19 Nhật: Bình lặng trước 'bão
>> Mạc Hồng Quân dùng tên tuyển U.19 VN để chơi game bóng đá
>> U.19 Việt Nam 0-7 U.19 Nhật Bản: Chênh lệch đẳng cấp
>> U.19 Việt Nam trổ tài ca hát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.