Bóng đá Sài Gòn một thời vang bóng: Dũng mãnh như Hồ Thanh Chinh

01/05/2016 08:41 GMT+7

Năm 1966, thủ môn Hồ Thanh Chinh đã cùng đội tuyển miền Nam đoạt Cúp Merdeka danh giá. Thành công của ông trong vị trí trấn giữ khung thành có được nhờ luôn giữ gìn sức khỏe và tận dụng được nhiều kỹ thuật của các môn thể thao khác.

Năm 1966, thủ môn Hồ Thanh Chinh đã cùng đội tuyển miền Nam đoạt Cúp Merdeka danh giá. Thành công của ông trong vị trí trấn giữ khung thành có được nhờ luôn giữ gìn sức khỏe và tận dụng được nhiều kỹ thuật của các môn thể thao khác.

Hai anh em Hồ Thanh Chinh và Hồ Thanh Cang, năm 2016 - Ảnh: N.Q
Môn nào cũng giỏi
“Hồ Thanh...” là một gia đình đặc biệt trong làng thể thao vì nhà này có 9 anh chị em thì 7 người con trai (theo thứ tự gồm Thanh Hưng, Thanh Chinh, Thanh Cang, Thanh Ngọc, Thanh Xuân, Thanh Đức và Thanh Dũng) đều trở thành cầu thủ bóng đá và đều có những đóng góp xứng đáng cho làng cầu VN.
Nổi bật hơn cả là anh Cả Hưng (tự Cải) từng thi đấu cho Quan Thuế - đội bóng nhiều lần vô địch hạng danh dự của miền Nam VN, đã đại diện đất nước thi đấu Cúp C1 châu Á trước năm 1975. Anh Ba Chinh vinh dự cùng đội trưởng Phạm Huỳnh Tam Lang nâng cao Cúp vô địch giải Merdeka 1966 - chiếc cúp mang tầm vóc toàn châu Á trong thời điểm đó. Anh Tư Cang là tiền vệ xuất sắc của đội tuyển miền Nam và sau này của đội tuyển quốc gia thống nhất, từ 1982 là HLV đội Hải Quan. Về điền kinh cấp đội tuyển có mặt Thanh Chinh, Thanh Xuân và Thanh Đức.
Trong 7 anh em trai, ông Chinh là người to khỏe nhất (cao 1,72 m, nặng 65 kg) nhờ được gia đình “cấp phép” cho tập luyện các môn bóng rổ, điền kinh, judo... từ lúc còn nhỏ và môn nào ông cũng thi đấu giỏi, trong đó trước 1975 là VĐV môn bóng rổ của đội tuyển Sài Gòn (xem như là đội tuyển miền Nam lúc đó). Điền kinh thì ông giỏi các môn chạy
(100 m, 200 m, 4 x 100 m), nhảy xa và ném lao, đều giành được vị trí số 1 miền Nam. Chỉ riêng môn chạy 100 m, ông đạt 11 giây 1 - thành tích rất cao lúc đó. Trọng tài FIFA đầu tiên của VN là Trương Văn Ký, cũng là kỷ lục gia chạy 100 m với 11 giây, từng ra điều kiện ai chạy được thành tích như ông sẽ được ông cho làm rể. Cuối cùng thì ông Chinh làm rể nhà người khác, nhưng chỉ cần thành tích đang có, ông được chọn tham dự
Olympic tại Tokyo (Nhật Bản) cách đây 52 năm. Ông thường tập judo ở sân Phan Đình Phùng do đích thân võ sư Hồ Cẩm Ngạc chỉ dạy, nhờ tập ở đây mà ông gặp và được nhà vô địch ném lao Trần Văn Nên truyền đạt rất nhiều bí quyết của môn này. Ném lao giỏi còn giúp ông đoạt chức vô địch 10 môn phối hợp của học sinh toàn Sài Gòn.
“Bén duyên” thủ môn
Dù sau này đủ 7 người con trai trong nhà đều thành danh ở môn bóng đá, nhưng thật oái oăm là ba của các anh lúc đầu lại không “cấp phép” cho anh em ông tập. Ông Chinh kể lại: “Chúng tôi thường lén ba đi tập đá bóng nhưng ông cụ tôi cấm tiệt. Tôi thường để đôi giày ở trước giỏ xe đạp khi đi tập, hôm nào về gần đến nhà mà nhìn thấy ba đứng trước nhà là lo quăng lẹ vào hồ rau muống cạnh đường”. Nhờ tập luyện tốt và tham dự các đội bóng phong trào nên đến năm 1961 (20 tuổi), ông được đội bóng hạng danh dự là Quân Cụ nhận vào làm thủ môn. Khi có lệnh gọi nhập ngũ tại Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế (Nha Trang), cũng nhờ đội Quân Cụ xác nhận mà ông khỏi phải trình diện để tiếp tục đá bóng. Ông Chinh cười nụ: “Khi đó mới thấy ba tôi vui lên”.
Để trở thành thủ môn giỏi, ông thừa nhận nhờ rất nhiều kỹ thuật của các môn thể thao mà ba ông khuyến khích ông tập trước đó. Chẳng hạn môn bóng rổ giúp ông phán đoán tốt điểm rơi của trái bóng tròn, nhất là kỹ thuật dừng và nhoài người trên cao, giúp thủ môn có được “độ chờ” khi bóng sắp lao đến. Cũng nhờ chơi bóng rổ và ném lao quen nên ông là thủ môn chuyên phát bóng tấn công bằng tay rất mạnh và chính xác, thường đến đúng vị trí của đồng đội ở quá nửa sân. Nhắc lại chuyện cũ, ông nói: “Mấy cầu thủ nước ngoài, nhất là Đại Hàn (tên gọi trước đây của Hàn Quốc) ớn cú nhào lộn và đưa chân ra trước sau khi bắt dính bóng của tôi lắm, chẳng dám áp sát đâu”.
Năm nay ông Chinh đã 75 tuổi, tuy vẫn phải chống gậy đi lại nhưng trông ông đã khỏe lại sau khi bị tai biến nằm liệt giường cách đây 3 năm. Anh Hồ Thanh Tuấn, người con trai luôn túc trực bên ông, nói: “Ba tôi vẫn giữ nếp tập luyện thể dục hằng ngày nên mới vực lại được như vậy đó, hiện vẫn tự lo được mọi sinh hoạt cá nhân. Chân đau, không tập đi bộ thì ba tôi chuyển qua đạp xe đạp mỗi buổi sáng”. Thật mừng và thán phục ý chí của ông Chinh, lúc nào cũng dũng mãnh!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.