Bóng đá Sài Gòn một thời vang bóng: Ông chủ cầu môn Lưu Kim Hoàng

26/04/2016 08:44 GMT+7

Cuối năm 1976, Lưu Kim Hoàng rời Tiền Giang về Sài Gòn khoác áo thủ môn cho đội Cảng Sài Gòn và nhanh chóng trở thành thủ môn chính của đội bóng này và đội tuyển TP.HCM suốt 13 năm ông thi đấu. Ông trở thành một phần quan trọng mang lại hơi thở cho bóng đá Sài Gòn.

 Cuối năm 1976, Lưu Kim Hoàng rời Tiền Giang về Sài Gòn khoác áo thủ môn cho đội Cảng Sài Gòn và nhanh chóng trở thành thủ môn chính của đội bóng này và đội tuyển TP.HCM suốt 13 năm ông thi đấu. Ông trở thành một phần quan trọng mang lại hơi thở cho bóng đá Sài Gòn.

Bóng đá Sài Gòn một thời vang bong (logo): Lưu Kim Hoàng chờ thủ môn giỏiLưu Kim Hoàng vẫn còn nhanh nhạy với từng đường bóng - Ảnh: Khả Hòa
Trận cầu đáng nhớ
Để đạt được thành tích hiếm có này, thủ môn sinh năm 1948 tại tỉnh Gò Công (nay là Tiền Giang) rất siêng năng tập luyện, rèn luyện thể lực và giữ phong độ thi đấu tốt cho đến tuổi 40. Năm 1965, khi đang học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ), ông đã là thủ môn cho đội tuyển tỉnh Gò Công thi đấu ở giải các tỉnh miền Tây. Và cơ hội đến với ông khi “lọt vào mắt xanh” của lãnh đạo đội Cảng Sài Gòn (CSG).
Khi về CSG, Lưu Kim Hoàng với sự dẻo dai, phản xạ nhanh, phán đoán giỏi đã sớm chiếm vị trí chính thức thay cho thủ môn đàn anh Sáng “lùn” và đứng vững trong khung thành đội bóng được yêu thích nhất miền Nam hơn 10 năm. Đội CSG khi đó như một gia đình nhỏ, ai cũng thương yêu đùm bọc nhau, đàn anh luôn chỉ dẫn cho đàn em, không hề có sự kèn cựa mà luôn giúp nhau cùng tiến, trong đó tài năng và đạo đức của các bậc đàn anh như Tam Lang, Dương Văn Thà, Tư Lê… luôn có ảnh hưởng rất lớn đến từng cầu thủ CSG sau này. Ông Hoàng kể lại: “Anh Tam Lang là người đáng kính trọng. Lúc đó, sau mỗi trận đấu đều có họp đội rút kinh nghiệm, anh nhắc nhở cụ thể những vị trí còn sai sót và đề ra các biện pháp khắc phục. Mỗi sáng, anh đi đến từng người để bấm mạch, yêu cầu tất cả anh em nằm ngay trên giường và không cho bỏ chân xuống đất (để việc kiểm tra được chính xác), ai bỏ đội đi nhậu nhẹt là bị phát hiện liền”.
Thời Lưu Kim Hoàng còn thi đấu đỉnh cao, bóng đá nước ta chưa tham gia các giải đấu quốc tế chính thức. Phải đến năm 1991 (3 năm sau khi anh nghỉ thi đấu) mới có đội tuyển quốc gia lần đầu thi đấu tại SEA Games ở Philippines. Cũng may là ông được tuyển chọn vào đội tuyển TP.HCM nên trong màu áo này còn có dịp cọ xát quốc tế với các đội trong khối XHCN sang VN thi đấu giao hữu như Hungary, CHDC Đức, Cuba, Lào, Ba Lan, Tiệp Khắc và Thiên Tân (Trung Quốc)...
Đối với các trận đấu trong nước, ông Hoàng nhớ nhất trận trên sân Long An cùng đội câu lạc bộ Quân đội với đủ các danh thủ Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Phan Văn Mỵ, Trần Văn Khánh… tại giải A1 toàn quốc mùa 1982 - 1983. Ông Hoàng nhớ lại: “Trong trận này, đội CSG ghi 3 bàn thắng do các anh Nguyễn Văn Thòn, Hồ Thủy và Phan Hữu Phát phối hợp tấn công quá hay. Riêng tôi, có thể do có nhiều năm đối diện với những tiền đạo giỏi như Cù Sinh, Võ Thành Sơn, Từ Như Hiển, Mai Đức Chung, Nguyễn Văn Thành... nên càng lúc càng bắt bóng tốt hơn, làm chủ được khu vực 16 m 50 và giữ sạch được mành lưới trong trận này nên đội thắng chung cuộc 3-0”.
Nốt trầm ở tuổi hưu
Hai năm sau khi giúp CSG trở thành đội đầu tiên ở phía nam được đăng quang giải vô địch toàn quốc 1986, Lưu Kim Hoàng giã từ bóng đá đỉnh cao, bắt đầu làm đúng phần việc của một nhân viên công ty lai dắt của CSG. Ông phải đi học “nghề làm dây” như một thủy thủ chính hiệu để “lai tàu ra, dắt tàu vào” cho đúng quy định. Đến năm 2004, khi CSG trở thành CLB Thép miền Nam - CSG, ông lại chuyển qua làm việc khác: vừa bảo vệ kho bãi vừa “trông coi” sân bóng đá của CLB. Với khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của sân cỏ và vùng cảng lẫn những cơ cực trong cuộc sống, ông Hoàng tâm sự: “Cuộc sống sau khi giã từ sân cỏ cực nhọc lắm, lương chẳng bao nhiêu có khi còn trả rất chậm. Còn “trông coi” thì đủ thứ, nghĩa là hằng ngày lo tưới nước, chăm sóc mặt sân cỏ; khi có trận đấu thì kẻ vôi, kiểm tra lưới khung thành… Cho đến khi về hưu tôi mới được phân công tập trung vào một việc là bảo vệ kho cho đến nay”.
Nói về bóng đá Sài Gòn, ông Hoàng cho biết: “Trong tôi vẫn đau đáu một ngày nào đó bóng đá Sài Gòn sẽ tiến bộ trở lại như thời thập niên 70, 80 thế kỷ trước. Đây là vùng đất mà tài năng dễ được chắp cánh, nhưng thời gian qua mai một vì nhiều lý do khác nhau. Tôi mong các cấp lãnh đạo và giới có trách nhiệm nên quan tâm và định hướng phát triển bóng đá Sài Gòn tốt hơn. TP này cũng có rất nhiều thủ môn giỏi trước đây như Phạm Văn Rạng, Lâm Hồng Châu, Hồ Thanh Chinh, Vũ Nhật Thành, Nguyễn Hồng Phẩm, Nguyễn Văn Phụng… nhưng bây giờ chưa thấy ai nổi bật cả. Vì vậy tôi mong có nhiều hơn những thủ môn giỏi và cũng mong có những ngày hội như festival bóng đá ba miền để ôn cố tri tân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.