Bóng đá Việt Nam bao giờ hết 'phú quý giật lùi'?

25/07/2017 08:03 GMT+7

Có một thực tế khó thể chối cãi ở bóng đá VN là cấp độ đội tuyển trẻ không hề thua kém các nước trong khu vực, thậm chí tiếp cận hay ngang ngửa trình độ châu lục, nhưng lên cấp đội tuyển quốc gia lại thường không bằng ai. Làm thế nào để không còn xảy ra tình trạng “phú quý giật lùi” này?

Cầu thủ Việt thiệt thòi trăm đường
Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển bình luận: “Đội U.15 VN vừa giành thành tích đặc biệt xuất sắc với chức vô địch U.15 Đông Nam Á, nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng là liệu từ lứa này, chúng ta có thể hái quả ngọt ở đội tuyển quốc gia trong tương lai hay không? Bởi VN chưa có sự đầu tư đồng bộ và đầy đủ từ tất cả các tuyến trẻ, chưa có chiến lược sâu mang tính chất định hình lối chơi xuyên suốt cho những đội lứa tuổi.
Ở các nước khác như Malaysia có tới 10 đội U.15 và hệ thống đào tạo khá bài bản nhằm cung cấp cho đội tuyển quốc gia. Tại VN, hiện đã có nhiều CLB chú trọng đến đào tạo trẻ, nhưng nhìn tổng quát hầu hết vẫn mang tính tự phát, chưa thành quy mô rộng lớn”.
Đã từng làm trưởng đoàn đội U.16 VN năm 2016 và nay là U.15 VN, ông Nguyễn Lân Trung, ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), nói: “Xuất phát điểm, cầu thủ trẻ VN không thua kém “Tây”, nhưng càng lớn các em càng không được thụ hưởng những điều kiện thiết yếu để phát triển. Chưa kể tố chất người VN cũng có nhiều hạn chế nên càng nhiều tuổi cầu thủ Việt càng bị thiệt thòi về sức mạnh, sức bền nếu không có chế độ dinh dưỡng dồi dào.
Bên cạnh đó, thói quen ăn uống cũng một phần tạo nên nền tảng thể lực không tốt. Nhiều năm trước, không ít cầu thủ uống sữa lại nôn hoặc đồ ăn chất lượng thì bỏ nhưng đêm trèo cổng Trung tâm huấn luyện Nhổn để ra ngoài ăn bún. Nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản nằm ở bài toán kinh phí. VN còn nghèo nên tài chính cho phát triển bóng đá còn quá eo hẹp”.
Không thể nóng vội và đốt cháy giai đoạn
Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn thừa nhận, các đội tuyển bóng đá (nam) trước đây không được chăm lo sát sườn nên thành tích chưa cao trên trường quốc tế. Nhưng bây giờ sẽ khác và phải khác! “Làm đào tạo trẻ không thể nóng vội và đốt cháy giai đoạn được. Cần có thời gian. Kết quả của đội U.15 VN mới chỉ là bước đầu của giai đoạn phát triển tài năng. Để đạt được thành công trong tương lai còn rất nhiều việc phải làm.
Ngoài chăm lo dinh dưỡng để nâng cao thể chất, cũng cần đặc biệt quan tâm đến khâu đào tạo chuyên môn, duy trì sự nỗ lực tập luyện thường xuyên ở các CLB. Dĩ nhiên, VFF sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các cầu thủ trẻ (không chỉ lứa U.15 mà còn nhiều lứa khác) được liên tục thi đấu các giải trẻ trong nước”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là phải tạo nhiều hơn nữa cơ hội cọ xát quốc tế ở những giải đấu chính thức của AFC, AFF hay những giải đấu giao hữu. Chỉ có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các CLB và VFF thì bóng đá VN mới có được sự ổn định bền vững và các đội tuyển quốc gia từ tuyến trẻ cho đến đội A mới có được kết quả khả quan, không tụt hậu về trình độ so với quốc tế”.
Chuyên gia Vũ Tiến Thành đánh giá: “Ở lứa tuổi trẻ sở dĩ cầu thủ VN chơi tốt vì đào tạo ban đầu rất cơ bản, không hề chịu các áp lực thành tích nên thi đấu với sự thoải mái, cống hiến. Nhưng khi lớn lên thì do không được nuôi dưỡng tốt, bị tác động bởi môi trường còn nhiều vẩn đục của bóng đá người lớn quá sớm, cộng với tâm lý thỏa mãn khi thành công nhanh mà không chịu học hỏi, tiếp tục khổ luyện nên đánh mất chính mình. Bản thân VFF và CLB có lúc cũng nóng vội chạy theo thành tích nên vắt sức cầu thủ khiến họ bị quá tải, lệch lạc và đánh mất phong độ. Từ đó dẫn đến sức ì và sự hụt hơi khi bước vào môi trường chuyên nghiệp”. (T.K)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.