Bóng đá VN năm 2010: Nghịch lý kinh niên

26/12/2010 22:07 GMT+7

Bóng đá VN sắp kết thúc năm 2010 với những nghịch lý chưa có lời giải thỏa đáng.

Thành Lương khóc nức nở, hình ảnh thất bại của tuyển VN - Ảnh: Bạch Dương

Bóng đá VN sắp kết thúc năm 2010 với những nghịch lý chưa có lời giải thỏa đáng.

Hình ảnh Thành Lương ôm mặt khóc nức nở sau trận bán kết AFF Cup lượt về, Quang Thanh chống nạng, Tài Em phải băng nẹp tay và không thể xách được hành lý, Phước Tứ, Việt Cường bước tập tễnh rời khách sạn La Thành trong ngày đội tuyển giải tán sau thất bại là một hình ảnh đau lòng và khiến chúng ta phải suy nghĩ. Thật sự cảm thấy thương cho các tuyển thủ nhưng cũng rất dằn vặt bởi những câu hỏi: Tại sao chúng ta đã tận lực, tại sao các tuyển thủ thi đấu hết mình nhưng VN vẫn thất bại?

Đau đớn hơn là cảm giác bất lực, thua một đội bóng non trẻ và không quá mạnh như Malaysia. Đó là vì năng lực cầu thủ, cách quản quân và phong cách huấn luyện của HLV Calisto hay những đường lối, chiến lược xây dựng đội tuyển của LĐBĐ VN đã sai từ những kế hoạch ban đầu?

Nhưng cũng có những câu hỏi ngược lại là tại sao chúng ta tập trung đội tuyển đã gần 3 tháng mà thể lực các cầu thủ yếu đến như vậy, tại sao cầu thủ VN dễ chấn thương, tại sao đã chuẩn bị tới hơn 30 cầu thủ mà khi vào giải chúng ta vẫn thiếu, thiếu trầm trọng ở nhiều vị trí…?

Dù HLV Calisto gọi lên rất nhiều cầu thủ trẻ nhưng không thể sử dụng cũng là một thất bại. Mà hậu quả của nó là khi những cầu thủ chủ chốt vắng mặt chúng ta đã không có được sự thay thế xứng đáng. Rồi việc đội tuyển phải nhập cuộc với tư cách đội ĐKVĐ cũng là bất lợi vì chúng ta đã đánh mất lối chơi “phòng ngự - phản công” sở trường. Luôn phải vào trận với tư thế cửa trên, tấn công với phong cách thật đẹp mắt. Mà lối chơi đẹp thì như con dao hai lưỡi và rất mong manh dễ vỡ. Lúc hội tụ đầy đủ mọi yếu tố thì lối chơi của đội tuyển thăng hoa bùng nổ, còn khi một mắt xích trục trặc thì nó sẽ gãy.

Đó là ở cấp độ đội tuyển, còn ở V-League 2010 chúng ta vẫn nhận thấy rất nhiều vấn đề nổi cộm, từ công tác tổ chức với những vấn đề về an ninh sân bãi, khán giả quá khích nổi loạn như sân Lạch Tray, sân Thiên Trường cho đến nạn bạo lực bùng phát một cách dữ dội trên sân cỏ. Những pha vào bóng quá thô bạo, những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một số cầu thủ thường xuyên được phát trực tiếp trên truyền hình khiến người xem lo ngại về mức độ ảnh hưởng tới các thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, những án kỷ luật, án phạt gây nhiều tranh cãi khiến khán giả hoài nghi, chán nản và mất dần niềm tin vào sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Về chuyên môn, người ta không còn thấy những ngôi sao đến với V-League, những ngoại binh mới cũng không thật sự thuyết phục. Những nhân tố nổi bật nhất chỉ là những tên tuổi cũ như Merlo, Leandro hay Philani, Huỳnh Kesley, Nguyễn Rogerio…

Ngoài ra, tính chất khốc liệt của giải đấu cũng khiến các đội không mạnh dạn sử dụng những cầu thủ trẻ, khiến rất nhiều tài năng phải mài mòn trên băng ghế dự bị, sa sút hoặc không thể phát huy được khả năng, trong đó có những trường hợp thui chột vĩnh viễn.

V-League đã từng được coi là một trong những giải đấu hấp dẫn nhất khu vực, nhưng dường như mỹ từ đó đang dần bị mất đi bởi những vấn đề chưa thực sự chuyên nghiệp như tên gọi của nó cách đây gần 10 năm. Nó cũng giống như hình ảnh thành bại của đội bóng này lại phụ thuộc vào tiến độ “lên chuyên” của một đội bóng khác. Đáng buồn thay những điều trớ trêu đó, những nghịch lý đó vẫn đang tồn tại trong môi trường bóng đá VN.

Huấn luyện viên
Đặng Phương Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.