BTC giải U.13 “bên trọng, bên khinh”

14/07/2013 00:26 GMT+7

Trong văn bản gửi VFF, phía PVF có đề nghị xác minh làm rõ một số vấn đề tiêu cực của BTC U.13 khi cố tình gây khó cho PVF nhưng lại lơ là với Viettel.

Trong văn bản gửi VFF, phía PVF có đề nghị xác minh làm rõ một số vấn đề tiêu cực của BTC U.13 khi cố tình gây khó cho PVF nhưng lại lơ là với Viettel.

Cụ thể trong phần kiểm tra nhân sự của các đội trước khi bước vào giải, Ban tổ chức (BTC) U.13 đề nghị các đội bốc thăm để kiểm tra chéo. Người kiểm tra sẽ ghi tên các VĐV nào có hồ sơ không hợp lệ để rà soát và nếu đúng sẽ loại.

Sau đó, BTC kiểm tra nhân sự của từng đội bằng quan sát mắt thường. Tùy vào cảm nhận BTC sẽ gọi các VĐV đó ra hỏi và chụp hình. 2 người trực tiếp của BTC làm việc này là ông Phan Việt Hùng và bà Nguyễn Thị Phương. Đội PVF có 2 VĐV bị nghi vấn là Nguyễn Văn Thành và Hồ Văn Thước. Bên cạnh đó còn có 19 trường hợp của các đội gồm: Tuyên Quang (2), Hải Dương (1), Nghệ An (3), Huế (1), Quảng Ngãi (3), Đắk Lắk (2), Đồng Tháp (2), TP.HCM (1), Bình Dương (2), Hà Nội T&T (2) nằm trong diện bị BTC nghi vấn chờ xác minh.

Có điều rất lạ là đội bóng U.13 của Viettel 1 do một HLV của Bình Dương kiểm tra có một số trường hợp hồ sơ không hợp lệ nhưng bà Phương nói trước toàn cuộc họp với đại ý: Viettel là trung tâm đào tạo trẻ theo hướng lâu dài, các VĐV Viettel được nuôi dưỡng từ nhỏ nên chỉ cần anh Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc trung tâm, ký tên và đóng dấu là được. Bức xúc trước điều này, ông Trần Quốc Nghị, lãnh đạo đội U.13 Hà Nội T&T, phát biểu: Hà Nội T&T là đội chuyên nghiệp có hệ thống đào tạo bài bản, các VĐV trẻ cũng được nuôi dưỡng từ nhỏ, vậy sao phải làm các giấy tờ mà Viettel lại được miễn? Tương tự HLV Trần Mạnh Cường của PVF đã có ý kiến: “PVF là một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ dài hơi. Các học viên được chăm sóc nuôi dưỡng, ăn ở, học tập từ nhỏ. Vậy sang năm khi tham dự các giải thì hồ sơ các em cũng chỉ cần có chữ ký và con dấu của ban giám đốc trung tâm thì có được không?”. Câu hỏi này không nhận được sự trả lời từ phía BTC.

Theo HLV Mạnh Cường, anh cũng đặt vấn đề 2 VĐV của PVF nêu trên đã tham gia thi đấu các giải U.11 năm 2011 tại Đắk Lắk và giải U.13 năm 2012 tại Ninh Thuận và đã đoạt chức vô địch được BTC giải U.13 công nhận kết quả đồng thời đại diện cho VN thi đấu giải Jubio Cup ở Nhật Bản, vậy lý do gì lại nghi vấn thì bà Phương có trả lời là BTC năm nay làm khác, không tính đến mấy năm trước (!?).

Tưởng rằng làm chặt từ đầu khi nêu ra 21 trường hợp nghi vấn, nhưng sau khi bị các đội đối chất, nhất là đặt vấn đề tại sao lại “bên trọng, bên khinh” giữa Viettel với các đội còn lại thì chính BTC giải U.13 lại thỏa hiệp bằng cách vẫn cho tất cả cầu thủ này thi đấu. Mãi đến khi PVF vào tứ kết thì lại lật đật tìm cách xác minh trường hợp Nguyễn Hồng Sơn (là cầu thủ không nằm trong 21 trường hợp bị nghi ngờ ban đầu) rồi vội vàng ra kết luận loại khỏi giải.

Cách làm như vậy bị cho là dù tưởng kiên quyết chống tiêu cực nhưng lại rất sơ hở, thiếu căn cứ pháp lý và rõ ràng đã có động cơ không trong sáng khi chịu tác động không nhỏ từ đối thủ của PVF để dẫn đến sự cố làm ảnh hưởng đến danh dự của một cầu thủ, một đội bóng và uy tín của cả giải đấu. 

Đăng Khoa

>> PVF chính thức khởi kiện BTC giải U.13
>> Đội U.13 PVF TP.HCM thi đấu tại Indonesia
>> Diễn biến giải bóng đá thiếu niên toàn quốc (U-13) - Tranh Cúp Yamaha 2009
>> U.13 Phú Yên lần đầu tiên “xuất ngoại”
>> Giải bóng đá thiếu niên toàn quốc: U-13 Phú Yên vô địch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.