Các đội bóng V-League lỗ nặng

27/08/2010 08:26 GMT+7

Trong lộ trình tiến lên chuyên nghiệp hóa hoàn toàn, vấn đề kinh doanh bóng đá mang lại lợi nhuận là một tiêu chí quan trọng. Thế nhưng ở V-League hiện nay, chưa có đội bóng nào có thể thu lãi từ tiền bán vé, bản quyền truyền hình, quảng cáo hay xa hơn nữa là hoạt động bán áo đấu. Tất cả các đội bóng khi được hỏi về vấn đề này đều lắc đầu trả lời: “Làm gì dám nghĩ đến lãi. Số tiền bỏ ra đầu tư thì khổng lồ trong khi nguồn thu chỉ như muối bỏ biển. Còn lâu lắm các đội bóng Việt Nam mới có thể thu lãi từ kinh doanh bóng đá”.

Sân Cao Lãnh không bán vé nên luôn thu hút lượng khán giả đến sân rất đông - Ảnh: B.Dương

Trong lộ trình tiến lên chuyên nghiệp hóa hoàn toàn, vấn đề kinh doanh bóng đá mang lại lợi nhuận là một tiêu chí quan trọng. Thế nhưng ở V-League hiện nay, chưa có đội bóng nào có thể thu lãi từ tiền bán vé, bản quyền truyền hình, quảng cáo hay xa hơn nữa là hoạt động bán áo đấu. Tất cả các đội bóng khi được hỏi về vấn đề này đều lắc đầu trả lời: “Làm gì dám nghĩ đến lãi. Số tiền bỏ ra đầu tư thì khổng lồ trong khi nguồn thu chỉ như muối bỏ biển. Còn lâu lắm các đội bóng Việt Nam mới có thể thu lãi từ kinh doanh bóng đá”.

Khi được hỏi về vấn đề này, chủ tịch CLB N.Sài Gòn, ông Nguyễn Vĩnh Thọ tỏ ra khá bất ngờ: “Đó là điều thực tình chúng tôi chưa hề nghĩ đến khi đầu tư vào bóng đá. Năm vừa qua, N.Sài Gòn chi hơn 50 tỉ đồng cho đội bóng, bao gồm việc mua lại đội QK4, trả lương, thưởng và kinh phí di chuyển, ăn ở cho cầu thủ và ban lãnh đạo. Tuy nhiên, nguồn thu lại gần như không có. Việc bán vé hay bản quyền truyền hình chỉ mang tính hình thức. Đội bóng như XM.Hải Phòng luôn có hàng vạn khán giả mua vé vào sân mà còn thu chẳng được bao nhiêu, huống gì là chúng tôi”.

Trong khi đó, chủ tịch Nguyễn Minh Sơn của CLB B.Bình Dương cũng chẳng mảy may nghĩ đến doanh thu: “Nói về đầu tư vào bóng đá, B.Bình Dương là một trong những đội chịu chi nhất ở V-League. Riêng khoản lót tay, lương thưởng cho những ngôi sao trong đội đã ngốn biết bao nhiêu. Đội chúng tôi nhiều ngôi sao nên chi phí bỏ ra lại càng tốn kém. Tuy nhiên, B.Bình Dương không bao giờ tính toán lời lỗ trong bóng đá, chúng tôi cũng đầu tư chỉ nhằm đạt được danh hiệu. Giờ đây, đội thất bại ở mùa giải này chúng tôi cảm thấy rất chán ngán”. Phát biểu của chủ tịch Nguyễn Minh Sơn cho thấy B.Bình Dương đầu tư vào bóng đá và không hề nghĩ đến lợi nhuận. Bởi khán giả vào sân Gò Đậu hoàn toàn miễn phí. Chỉ có khu vực khán đài VIP mới bán vé và đó cũng chỉ là hình thức để đáp ứng tiêu chí chuyên nghiệp của FIFA.

CS. Đồng Tháp cũng không phải là ngoại lệ. Là đội bóng nghèo ở V-League và sống bằng “bầu sữa” ngân sách nhà nước, nhưng CS.Đồng Tháp mới chỉ bán vé vào sân thời gian gần đây nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp. Giá vé vào sân Đồng Tháp cũng được giảm xuống tới mức tối thiểu để phục vụ người dân. Lãnh đội CS. Đồng Tháp luôn tâm niệm người dân vùng lũ kinh tế còn khó khăn nên không muốn làm khó những người yêu đội bóng. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, nguồn thu từ bán vé có thể giúp đội bóng cải thiện được về thu nhập. Với một địa phương hâm mộ bóng đá như Đồng Tháp thì có tăng giá vé vẫn thu hút được nhiều CĐV đến sân.

N.Sài Gòn chi hơn 50 tỉ đồng cho đội, tuy nhiên nguồn thu lại gần như không có” _Ông Nguyễn Vĩnh Thọ
Đội bóng SHB Đà Nẵng mùa giải 2009 chi ra không dưới 40 tỉ đồng để hoạt động, nhưng họ lại mở cửa tự do cho các khán giả vào sân. Mùa giải năm nay, đội bóng mới bán vé trở lại (vé thấp nhất 10.000 đồng, cao nhất 25.000 đồng) nhưng chủ yếu để quyên góp xây bệnh viện ung bướu Đà Nẵng. Còn mỗi tấm biển quảng cáo trên sân Chi Lăng vào khoảng 50 triệu đồng/năm. Tính ra, số tiền từ quảng cáo của đội bóng chỉ xấp xỉ 4 tỉ đồng. Nếu trừ vào khoản tiền chi ra mùa giải qua, con số âm là rất lớn và buộc Ngân hàng SHB phải chi trả hoàn toàn.

Ngay cả những đội bóng sớm đạt chuẩn chuyên nghiệp như HA.GL cũng không khả quan hơn là bao. Trao đổi với chúng tôi, giám đốc điều hành của HA.GL Huỳnh Mau cho biết: “Chúng tôi luôn tìm nguồn tài trợ lớn ngay sau khi mỗi mùa giải kết thúc. Với thương hiệu HA.GL Group, câu lạc bộ thu về hơn 10 tỉ đồng từ tiền bán vé và quảng cáo”. Con số ấy tuy lớn hơn các đội bóng ở V-League, nhưng so với hơn 70 tỉ đồng mà đội bóng chi ra ở mùa giải năm nay thì chẳng khác gì “muối bỏ bể”.

Nhìn thế mới thấy, các đội bóng ở V-League đang xem nhẹ nguồn thu rất lớn từ quảng cáo và truyền hình. Dù hiện tại, giá trị chuyển nhượng cầu thủ ở V-League đang tăng chóng mặt. Sự phát triển không cân đối ấy sẽ có hại và khiến giải chuyên nghiệp của chúng ta rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì mất cân bằng trong thu – chi.

Anh Tuấn – Yến Ca

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.