Calisto những điều chưa biết

13/03/2010 23:45 GMT+7

32 tuổi làm Chủ tịch Hội đồng HLV Bồ Đào Nha Trong số các HLV từng làm việc cho đội tuyển VN, Calisto là người được giới truyền thông Việt Nam yêu mến nhất vì sự bình dị trong sinh hoạt, thẳng thắn trong các cuộc tiếp xúc. Quan hệ giữa ông với giới truyền thông ở Bồ Đào Nha cũng vậy.

32 tuổi làm Chủ tịch Hội đồng HLV Bồ Đào Nha

Trong số các HLV từng làm việc cho đội tuyển VN, Calisto là người được giới truyền thông Việt Nam yêu mến nhất vì sự bình dị trong sinh hoạt, thẳng thắn trong các cuộc tiếp xúc. Quan hệ giữa ông với giới truyền thông ở Bồ Đào Nha cũng vậy.

Trước khi lên đường về nước nhận Huân chương công trạng của Chính phủ Bồ Đào Nha phong tặng, ông tâm sự: “Tôi có huân chương này cũng là một phần nhờ họ (giới truyền thông - PV). Dù tôi sống xa tổ quốc nhiều năm nhưng họ vẫn nhớ đến tôi, vẫn đưa tin về tôi đều đặn khi tôi làm việc ở Long An cũng như đội tuyển VN”.

Giới truyền thông Bồ Đào Nha còn nhớ đến Calisto ở một kỷ lục khác: là thành viên sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng HLV Bồ Đào Nha năm 1985, khi ông mới 32 tuổi. Điều đáng nói hơn, ông được giao trọng trách này chỉ một năm sau khi đội tuyển Bồ Đào Nha vào đến bán kết Euro 1984 - một giải đấu mà đội Bồ Đào Nha chỉ thua đội chủ nhà Pháp (sau đó vô địch giải) với tỷ số 2-3 sau khi dẫn trước 1-0 rồi 2-1. Bóng đá Bồ Đào Nha khi đó để lại trong lòng người hâm mộ một ấn tượng sâu đậm và thán phục qua lối chơi hào hoa đầy ngẫu hứng. Chỉ tiếc là họ đã bị gỡ hòa 2-2 ở gần cuối trận, để rồi thua khi đá thêm hai hiệp phụ, và người kết thúc chặng đường lãng mạn của đội tuyển Bồ Đào Nha không ai khác hơn là cầu thủ lịch lãm Michel Platini.

Nhắc lại quá khứ để thấy rằng ông Calisto phải như thế nào mới được giới chức bóng đá Bồ Đào Nha tín nhiệm trao giữ vị trí đỉnh cao đó.

Từ hội đồng này, ông đã tập hợp được các đồng nghiệp đóng góp chất xám xây dựng hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ và đào tạo HLV rất tốt. Bạn ông, HLV Arthur Jorge là một trong những HLV Bồ Đào Nha ra nước ngoài làm việc đầu tiên và đến bây giờ có ảnh hưởng không ít đến Mourinho, Farinha, Pacheco, Pedroto, Magalhaes, Paulo Sousa, Joao Alves...


HLV Calsito luôn gần gũi với giới truyền thông - Ảnh: Khả Hòa

Nhiều cầu thủ nổi tiếng của Bồ Đào Nha cũng đã từng qua bàn tay mài giũa của Calisto, trong số đó là hai học trò ruột của ông: Fernando Couto và Rui Barros, cả hai đều là tuyển thủ Bồ Đào Nha. Couto tập ở đội trẻ Boavista của Calisto trước khi khởi nghiệp tại Porto, anh cũng từng chơi cho Parma, Barca và Lazio.

Rui Barros, cầu thủ nhỏ con (cao 1m64) thất sủng ở Porto đã được Calisto tuyển mộ mùa hè 1986 trong thời gian ông làm việc cho CLB Varzim. Tại đây, Calisto tạo điều kiện cho anh ra sân thường xuyên. Rui Barros chơi ấn tượng đến mức ngay mùa bóng 1986-1987, anh được gọi vào đội tuyển Bồ Đào Nha, được coi là người kế tục Paolo Futre trong đội tuyển và được Porto mời về chơi bóng ngay sau mùa bóng đó.

Tiếp theo, chỉ cần thêm một mùa tỏa sáng tại Porto, Rui Barros đã được Juventus mua về để kế tục Platini. Cần biết là vào năm 1988, khi Juve mua Rui Barros, mỗi CLB ở Serie A chỉ được phép mua 3 cầu thủ nước ngoài, chứ không phải mua tràn lan như bây giờ. Khi đó Juve của HLV Dino Zoff có Rui Barros, Zavarov và Michael Laudrup. Người kế tục chiếc áo số 10 của Rui Barros sau này ở tuyển Bồ Đào Nha là Rui Costa. Hiện tại Rui Barros đang là trợ lý của HLV Jesualdo Ferreira của đội Porto.

“Tôi coi Rui Barros như một cậu em bé bỏng của mình. Đó là một cầu thủ rất rụt rè. Vào những ngày nghỉ, cậu ấy thường bắt xe bus đến nhà tôi chơi với các con tôi. Khi Porto đề nghị mua lại cậu ấy từ Varzim, cậu ấy đã xin ở lại với tôi nhưng tôi đã khuyên cậu ấy: hãy trở về Porto giành lấy vị trí chính thức, đó mới là nơi thật sự của cậu, là nơi để cậu phát triển tài năng”, Calisto nhớ lại.

Anderson, tiền vệ của M.U, cũng từng là một cầu thủ được gia đình Calisto cưu mang. Năm 2005, khi mới 17 tuổi, Anderson từ Brazil đến chơi bóng cho Porto. Qua giới thiệu của một người bạn của Calisto ở CLB Porto, Anderson đến sống chung với gia đình Calisto để anh có cảm giác mái ấm gia đình. Anderson coi bà Manuela, vợ ông Calisto, như mẹ nuôi của mình. Ana, con gái Calisto cũng từng có thời gian yêu Anderson. Họ đã chia tay nhưng vẫn là bạn tốt của nhau. Thỉnh thoảng, Anderson có mời bà Manuela, Ana và Tiago, con trai ông Calisto tới Anh chơi. Hiện giờ, sau ca phẫu thuật dây chằng đầu gối ở Porto, Anderson đang dưỡng thương tại nhà ông Calisto. 

Calisto còn được giới truyền thông quan tâm đến nhiều vì khi còn ở Bồ Đào Nha, ông đã trúng cử nghị sĩ vùng tự trị Matosinhos, quê nhà ông, và làm quận trưởng ở một quận. Thậm chí, ông đã từng bỏ bóng đá sau khi kết thúc hợp đồng với CLB Pacos de Ferreira năm 1999 để chuyên tâm đi theo con đường chính trị. Có lẽ bây giờ, Calisto đã là một nhân vật nào đó ở Bồ Đào Nha nếu không có chuyến đi thăm Việt Nam năm 2001, đến một mảnh đất hoàn toàn xa lạ nhưng mảnh đất này mau chóng làm ông say đắm. 

“Chính trị là công việc đầy toan tính, không phù hợp với những người trung thực, thẳng thắn như tôi? Hoàn toàn sai! Tôi luôn khuyến khích mọi người tham gia chính trị. Nếu là một chính trị gia giỏi, bạn có điều kiện làm cho cuộc sống của mọi người và môi trường tốt hơn”. Vấn đề mà Calisto quan tâm hàng đầu là môi trường, ông cho rằng hiện tại, các chính sách kinh tế luôn đi trước các chính sách môi trường, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.

Vì sao không có sự kết hợp giữa HLV Calisto và Mai Đức Chung?

Còn nhớ sau thất bại tại SEA Games 24, HLV Riedl ra đi, VFF đang loay hoay tìm HLV ngoại. Lúc đó ông Mai Đức Chung đang là HLV tạm quyền đội tuyển và là trưởng bộ môn bóng đá. Tổng cục TDTT đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo VFF mời ông Calisto làm HLV trưởng. Bấy giờ một số vị trong VFF phản ứng, nhưng ông Chung vẫn giữ nguyên quan điểm không chuyên gia ngoại nào hiểu bóng đá VN bằng HLV Calisto nên cần thiết phải mời ông để vực dậy bóng đá VN. Được sự hậu thuẫn của Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và TTK Trần Quốc Tuấn, yêu cầu của ông Chung cuối cùng được Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đồng ý.

Sau khi HLV Calisto được ký hợp đồng vào ngày 31.3.2008 lên làm HLV trưởng thì bắt đầu nảy ra khúc mắc. Theo hợp đồng, ông Calisto sẽ đảm đương cả đội tuyển lẫn U.23, nhưng lúc đó VFF lại có suy nghĩ muốn tránh chuyện dồn cho ông như từng dồn cho ông Riedl cùng lúc hai đội tuyển như năm 2007 dẫn đến thất bại nên thuyết phục HLV Calisto giao U.23 cho HLV Mai Đức Chung. Bản thân HLV Calisto không hề lấn cấn gì chuyện ông Chung làm đội U.23 nhưng ông cảm thấy VFF làm vậy là chưa tin tưởng thật sự và giao hết trách nhiệm cho ông. Điều đó cũng sẽ khó làm cho bóng đá VN phát triển theo một khuôn mẫu cũng nhự lộ trình mà ông đã có kế hoạch xây dựng.

Khi ông Chung thành công ở Merdeka Cup 2008 và HLV Calisto liên tiếp thất bại ở các trận giao hữu trước thềm AFF Cup, đã có sức ép từ dư luận và một vài lãnh đạo VFF cũng đã úp mở dự phòng phương án thay thế HLV Calisto nếu cứ đà sa sút tiếp diễn. Chính điều đó làm có khoảng cách giữa HLV Calisto và Mai Đức Chung, mặc dù cả hai chuyên gia này không hề có một chút hiềm khích nào. Thậm chí HLV Calisto còn nhờ HLV Mai Đức Chung sau Cúp Hoàng Gia Myanmar đi Singapore xem trận tuyển Singapore đá với Malaysia để thu thập thông tin. Nhưng do gia đình ông Chung có chuyện buồn và Tổng cục TDTT cũng không đồng ý cho ông Chung tham gia đội tuyển vì công việc cuối năm ở bộ môn bóng đá rất nhiều. Thế là sự kết hợp giữa hai ông thầy này đã không xảy ra. Ông Calisto một mình chống chọi với khó khăn, trong khi ông Chung cũng rất trăn trở nhưng lại không thể trực tiếp tham mưu cho HLV Calisto tại AFF Cup 2008. Quang Tuyến

Đặng Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.