Cảm hứng bắc cầu

06/10/2010 00:06 GMT+7

Làm thương hiệu bây giờ không còn là chuyện riêng của các doanh nghiệp, mà đã thành một công việc mang tính quảng bá sáng tạo dành cho tất cả mọi hoạt động mang tính thu hút công chúng.

Long Giang (trái) và Đức Thiện, 2 tuyển thủ Olympic trưởng thành từ giải U.21 Báo Thanh Niên - Ảnh: Khả Hòa - Hoàng Anh

Làm thương hiệu bây giờ không còn là chuyện riêng của các doanh nghiệp, mà đã thành một công việc mang tính quảng bá sáng tạo dành cho tất cả mọi hoạt động mang tính thu hút công chúng.

Tổ chức một giải bóng đá cũng là một cách làm thương hiệu, và càng tổ chức thành công liên tiếp trong nhiều năm thì thương hiệu được khẳng định và uy tín càng được nâng cao.

Giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên đã đi qua 14 năm, thời gian đủ dài cho một thương hiệu. Bây giờ, ở VN và ở khu vực Đông Nam Á, nói “Giải bóng đá U.21” là người ta sẽ nghĩ ngay tới “Giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên”. Nhiệm vụ chính của một tờ báo là làm báo, là hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Nhưng sức hấp dẫn cùng uy tín của tờ báo sẽ được tăng lên, thậm chí tăng nhiều lần, nếu bên cạnh việc làm báo, tờ báo còn tham gia các hoạt động xã hội khác và thu hút được sự hưởng ứng của cộng đồng. Từ đó, hoạt động báo chí của tờ báo sẽ thuận lợi hơn, được sự ủng hộ nhiều hơn của bạn đọc. Và, thương hiệu tờ báo sẽ được khẳng định cùng với “giá trị gia tăng” là những hoạt động xã hội này. Bóng đá cũng là một hoạt động mang tính xã hội thu hút đông đảo người quan tâm.

Có thể nói, với VN, bóng đá là hoạt động giải trí thu hút được đông đảo người hâm mộ nhất. Đã có những quốc gia ở đó bóng đá trở thành “quốc giáo”. VN cũng là một quốc gia mà người dân hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt “có hạng”. Vậy thì làm bóng đá thực sự rất đáng “đồng tiền bát gạo”. Nhưng, làm bóng đá, tổ chức được một giải bóng đá để thành thương hiệu là điều không hề dễ, và không phải ai cũng có khả năng làm được, nhất là với bóng đá VN. Những vụ tiêu cực của bóng đá VN thì ai cũng biết. Nhưng những mặt tích cực, nhất là tiềm năng của bóng đá VN thì không phải ai cũng biết và dễ dàng gợi lên, khơi ra. Làm sao khơi dậy được những mặt tích cực, làm phát lộ được những tiềm năng của bóng đá trẻ VN mới là việc làm khó khăn nhưng hữu ích, thay vì chỉ đứng ngoài chê bai.

Báo Thanh Niên đã vào cuộc tổ chức giải U.21 với tinh thần như vậy, với mục đích không chỉ tạo thêm một sân chơi, mà quan trọng hơn là tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ phát lộ những tiềm năng của mình. U.21 là lứa tuổi “cầu nối” giữa khả năng phát lộ và sự trưởng thành của cầu thủ, nó là lứa tuổi hết sức nhạy cảm trong bóng đá. Nếu “đức, trí, tài” rèn đúc được ở tuổi U.21, thì cầu thủ sẽ trưởng thành và có thể đi xa khi ở vào độ tuổi U.23 và sau đó. Mà ta đều biết, U.23 đã là độ tuổi của bóng đá Olympic, còn xa hơn một chút là độ tuổi trưởng thành của cầu thủ đội tuyển quốc gia.

Tính chất “cầu nối” của tuổi U.21 trong bóng đá cũng như giải U.21 mà Báo Thanh Niên tổ chức mang tính quan trọng là như vậy! Nếu làm tốt “cầu nối” này, thì qua hàng năm, bóng đá VN sẽ phát hiện ra những cầu thủ có thể lập tức khoác áo đội tuyển Olympic quốc gia cũng như đội tuyển quốc gia. Có thể nói, giải U.21 chính là sân chơi tạo được những “cảm hứng bắc cầu” cho những khát vọng trong bóng đá trẻ VN. 

Nghiêm khắc với các hành vi bạo lực      

16 giờ chiều nay 6.10 tại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai (Pleiku), BTC sẽ tổ chức buổi họp báo VCK giải U.21 Báo Thanh Niên lần thứ 14-2010. Tham dự buổi họp báo có 120 khách mời gồm lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai, BTC địa phương và các ban ngành liên quan, lãnh đạo Tập đoàn HAGL. Phía LĐBĐ VN có đại diện Phòng thi đấu, Hội đồng trọng tài. Về phía BTC giải gồm có ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, người đã sáng lập ra giải U.21 trong 14 năm qua, trưởng BTC giải; ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cùng nhiều thành viên khác của Báo Thanh Niên. Ngoài ra còn có trưởng đoàn, HLV 8 đội bóng, các giám sát, trọng tài về làm nhiệm vụ VCK cùng đông đảo báo chí, phát thanh truyền hình trung ương, Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai và các tỉnh lân cận.

Phát biểu trước giờ họp báo, giám sát Đặng Thanh Hạ cho biết: “Chúng tôi sẽ nhắc nhở các trọng tài điều hành thật nghiêm minh, khách quan trên tinh thần đảm bảo tốt luật lệ, đặc biệt sẽ rất nghiêm khắc với các hành vi bạo lực. Chúng tôi cũng đề nghị các đội giáo dục thường xuyên HLV, cầu thủ mình, nhắc nhở thi đấu fair-play, không được phản ứng thái quá với trọng tài. Đây là giải đấu “xanh - sạch - đẹp” nên tất cả thành viên dự giải đều phải quyết tâm và góp sức mang lại tiếng vang và thành công chung cho giải”.

Trước cuộc họp báo, vào lúc 9 giờ sáng nay sẽ là cuộc họp kỹ thuật giữa BTC với 8 đội bóng, rà soát lần cuối danh sách đăng ký thi đấu, màu áo, chuẩn bị cho lễ khai mạc vào 15 giờ 30 chiều mai.

Q.T

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.