Cầu thủ từ chối lên tuyển: Lợi ích cá nhân lớn hơn lợi ích quốc gia

10/09/2010 08:57 GMT+7

Trên thế giới hay tại VN, được triệu tập vào đội tuyển quốc gia là khát vọng cháy bỏng của đa số các cầu thủ. Nhưng khác với bóng đá thế giới, nhiều cầu thủ của VN đã tự dập tắt khát vọng đó bằng hành động cự tuyệt với đội tuyển, cho dù họ đã may mắn có tên trong danh sách được gọi.

Được vào đội tuyển quốc gia luôn là niềm hạnh phúc lớn trong đời một cầu thủ - Ảnh: Nga Nguyễn

Trên thế giới hay tại VN, được triệu tập vào đội tuyển quốc gia là khát vọng cháy bỏng của đa số các cầu thủ. Nhưng khác với bóng đá thế giới, nhiều cầu thủ của VN đã tự dập tắt khát vọng đó bằng hành động cự tuyệt với đội tuyển, cho dù họ đã may mắn có tên trong danh sách được gọi.

“Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi khi tập trung đội tuyển không nằm ở việc cầu thủ nào đó bị chấn thương. Mà lại nằm ở chuyện có ai đó xin về. Tôi làm HLV trưởng đội tuyển VN không phải lần đầu và càng không phải lần đầu làm quen với những việc mà có lẽ không một đội tuyển nào trên thế giới vấp phải. Nó thực sự báo động về ý thức cầu thủ” – lời than vãn của HLV Calisto mà chúng tôi ghi được trên đây đã cách đây… 3 năm. Và việc đăng tải lại vào thời điểm này, buồn thay vẫn hoàn toàn mang tính thời sự.

Dư luận chưa thể nào quên với hình ảnh Huy Hoàng, Thế Anh, rồi sau đó là Ngọc Thanh nằng nặc đòi rời tuyển năm 2008 khi VN bước vào lộ trình chuẩn bị cho AFF Cup. Còn năm nay, khi VN bước vào lộ trình bảo vệ Cúp vàng, HLV Calisto nhận được giấy xin thôi không tập trung của Đức Dương và Được Em.

Với riêng trường hợp Được Em, chúng tôi hoàn toàn thông cảm với anh vì trong cuộc đời của mỗi con người, gia đình là tài sản có giá trị nhất. Chúng tôi tin lời của Được Em khi anh khẳng định lý do rời tuyển không phải để về lo ký hợp đồng với một CLB tại TP.HCM mà vì con đang bệnh, mẹ bị tai biến và vợ đang mang thai. Giống với anh, thủ môn dự bị của tuyển Hà Lan Michel Vorm trước World Cup 2010 cũng đã được dư luận đánh giá cao vì xin rời tuyển để về nước lo vợ sinh.

Nhưng những trường hợp đã từng xảy ra trong quá khứ và mới đây nhất là Đức Dương – nói như HLV Calisto, thực sự báo động về ý thức cầu thủ. “Trong con mắt và trái tim của những cầu thủ này, màu áo quốc gia hoàn toàn bị xem nhẹ. Thật kỳ quặc khi HLV đội tuyển quốc gia và các quan chức của Liên đoàn lại phải thuyết phục một cách mềm mỏng, thậm chí có lúc còn phải năn nỉ để mời họ ở lại. Những nguyên nhân mà họ viện ra thật không thể chấp nhận nổi. Tinh thần của họ không “khỏe mạnh” mới có thể đưa ra những lý do như thế” – không còn vẻ cáu kỉnh như ngay sau hôm Đức Dương đòi về, HLV Calisto có vẻ như điềm tĩnh hơn nhưng giọng vẫn còn rất chua xót.

Quả thật, chúng tôi thoạt tiên đã bật cười khi đọc trên báo, Đức Dương nói rằng, vì anh đang có… mảnh đất muốn bán nhưng lại đang tranh chấp mà Dương lại là chính chủ nên phải giải quyết, không thể ở lại tuyển được. Thấy hài hước và chua xót. Và đúng là không biết bình luận thế nào!

Hôm qua, một vài cầu thủ trong đội tuyển đã nói với chúng tôi, cũng khá bức xúc: “Ngày VFF công bố danh sách, tôi đã mừng đến phát khóc vì thấy tên mình. “Chúng nó” không hiểu nghĩ gì mà thoái thác nhiệm vụ một cách dễ dàng như vậy. Vì hoàn cảnh gia đình là bất khả kháng thì có thể thông cảm. Còn vì chuyện nọ chuyện kia thì không thể tha thứ. Như “thằng” Quyến, nó ao ước trở lại tuyển mà giờ đang bị chấn thương, không biết có chơi được không? Còn đằng này, hoàn toàn bình thường mà lại từ chối tuyển”.

Thật khó để phân tích sâu xa nguyên nhân chính dẫn đến việc những cầu thủ xin rời tuyển, trừ trường hợp vì gia đình như Được Em. Có thể tạm phân loại ra hai dạng sau đây: 1/Sợ không cạnh tranh được với đồng đội chơi ở vị trí giống mình. Nếu rơi vào dạng này thì cầu thủ có thể bị coi là hèn, không dám phấn đấu. 2/Thu nhập thấp vì theo quy định mới nhất của Bộ tài chính, cầu thủ lên tuyển sẽ không được hưởng lương của CLB nữa mà ăn lương của tuyển. Nếu so mức lương ít nhất 20 triệu đồng/tháng ở CLB với 5 triệu đồng tại tuyển thì cầu thủ nào không vì màu cờ sắc áo quốc gia sẽ không trụ lại được.

Vậy VFF sẽ giải quyết thế nào để hài hòa lợi ích của tuyển lẫn cầu thủ? Câu trả lời của VFF lúc này chưa thực sự rõ ràng, hay nói cách khác là đang bối rối bởi theo ông Nguyễn Lân Trung: “VFF chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nên không thể đưa ra một quyết định mang tính chiến lược đối với vấn đề thu nhập của cầu thủ. Cái này phải rất thận trọng và cần có sự bàn tính lại với các Bộ, ngành có liên quan để đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ. Cũng chính vì thế mà hiện tại, VFF không muốn làm nặng nề những cầu thủ xin rời tuyển như kỷ luật hay chế tài. Nhưng như HLV Calisto nói với tôi, có lẽ “Never! Forever” việc gọi lại những cầu thủ đó quay lại tuyển”.

Sáng qua, HLV Calisto đã đề xuất một hình thức xử lý cầu thủ trốn trách trách nhiệm ở tuyển, theo chúng tôi, rất hay và có tính khả thi cao: “Tôi phê phán hành vi của những cầu thủ “trốn” tuyển vì đó là sự thiếu chuyên nghiệp, đáng bị lên án. Cần phải có sự trừng phạt những cầu thủ này, không chỉ từ phía Liên đoàn đâu mà cả CLB đã ký hợp đồng với cầu thủ đó. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự không chuyên nghiệp ở các cầu thủ. Bây giờ, nếu họ đã không chuyên nghiệp với ĐTQG thì sẽ có lúc họ cũng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp với CLB, nơi đã trả lương. Không chỉ là vấn đề tiền bạc, hình ảnh của ĐTQG và cả CLB cần phải được tôn trọng. Tôi muốn đề nghị với các CLB rằng, nếu cầu thủ đã từng thoái thác tuyển thì cũng rất dễ đến ngày nào đó, anh ta sẵn sàng thoái thác nhiệm vụ ở chính CLB của mình”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.