Cầu thủ Việt Nam chấn thương liên miên: CLB xem nhẹ chuyên gia thể lực và bác sĩ?

05/03/2020 08:52 GMT+7

Có nhiều cách lý giải khác nhau về việc các cầu thủ Việt Nam dính chấn thương liên tục trong thời gian qua nhưng nguyên nhân sâu xa nhất có lẽ là sự thiếu đồng bộ, thiếu nhân sự chăm lo y tế, thể lực và dinh dưỡng ở hầu hết các đội bóng.

Chưa xem trọng khâu y tế

Nói hầu hết vì trong số tất cả CLB tại Việt Nam có rất ít đội bóng sẵn sàng chi một khoản lương không nhỏ để mời HLV thể lực và bác sĩ đến từ nước ngoài. Viettel chẳng hạn. Sau khi thăng hạng V-League mùa giải 2010, Viettel đã ký hợp đồng với ê kíp người Hàn Quốc, trong đó có HLV trưởng Lee Heung-sil và trợ lý thể lực Chun Jae-ho, bác sĩ thể thao Kim Kwang-jea. HLV Lee chỉ trụ lại đến hết vòng 13 nhưng hai cộng sự của ông vẫn tiếp tục công việc tại đội bóng áo lính đến thời điểm này. Các cầu thủ Viettel cho biết thể lực cũng như vấn đề hồi phục sau thi đấu của họ cải thiện đáng kể vì có sự hỗ trợ đắc lực của hai chuyên gia Hàn Quốc này.

Covid-19 'ám quẻ' CLB Hà Nội trước trận gặp hàng xóm kị rơ Nam Định

Đặc biệt, cầu thủ Dương Văn Hào đã được “cứu vãn” sự nghiệp tưởng chừng đứt gánh giữa đường không chỉ nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Viettel mà còn nhờ cả giáo án và phương pháp điều trị đúng đắn của ông Chun, ông Kim. Hào bị chấn thương nặng do pha vào bóng ác ý của cầu thủ Huỳnh Tấn Tài (Long An) ở vòng 3 giải hạng nhất 2018. Anh bị chệch khớp cổ chân, gãy xương mác, tổn thương sụn, đứt dây chằng và được mổ tại Bệnh viện Quân đội 108. Viettel vẫn giữ nguyên chế độ để Hào yên tâm chữa trị. Hào phục hồi nhanh hơn dự kiến và anh đã được đăng ký thi đấu lượt đi V-League 2020.
Tại sao cầu thủ Việt Nam chấn thương liên miên: Các CLB quá coi nhẹ chuyên gia thể lực và bác sĩ1

Ám ảnh chấn thương luôn đe dọa các ngôi sao như Văn Toàn khi Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố về y tế

Ảnh: Vy Khánh

Thật bất ngờ khi đội bóng được đánh giá “nghèo” nhất V-League là Dược Nam Hà Nam Định (D.NĐ) lại có hẳn bác sĩ thể lực “xịn”. Mùa giải năm ngoái, tuy tiềm lực tài chính rất eo hẹp nhưng D.NĐ đã mời HLV thể lực đội U.23 Malaysia Masheide Sulleiman. Năm nay vì vị này đã tái ký với Liên đoàn Bóng đá Malaysia nên D.NĐ chọn đối tác khác, cũng nổi tiếng không kém - HLV thể lực người Đức Nils Haacke. Ông Nils sẽ có mặt ở Việt Nam ngày 6.3, mà nói như Giám đốc kỹ thuật D.NĐ Nguyễn Văn Sỹ: “Chúng tôi không phải chơi sang mà cảm thấy sự cần thiết thật sự của HLV thể lực. Bởi sẽ giúp thể trạng cầu thủ tốt lên và tránh được chấn thương”.
HAGL là đội bóng đầu tiên của Việt Nam mời bác sĩ Choi Ju-Young sang kiểm tra tình hình sức khỏe cho đội 1 cũng như Học viện HAGL. Đó là thời điểm HLV Chung Hae-soung vẫn còn làm “thuyền trưởng” tại đây. Bằng mối quan hệ và ảnh hưởng của mình, ông Chung đã mời được người bạn thân Choi Ju-Young vốn nổi danh là bác sĩ nhiều năm của đội tuyển bóng đá Hàn Quốc. Ông Chung rất muốn đề xuất có trợ lý, HLV thể lực và bác sĩ từ Hàn Quốc để có những kế hoạch chuẩn bị tốt nhất nhằm bảo vệ đôi chân cho Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh… Tiếc là quãng thời gian làm việc tại phố núi quá ngắn ngủi không thể giúp ông Chung biến ước mơ đó thành hiện thực.
Hiện tại HAGL có 3 bác sĩ gồm Đồng Xuân Lâm, Đào Trọng Trí cùng Trần Quốc Bách chuyên chăm sóc cho đội trẻ. Bác sĩ Lâm chuyên điều trị, Trọng Trí và một trợ lý người Hàn Quốc Lee Ki-nam được HLV Lee Tae-hoon bổ sung sẽ chịu trách nhiệm tập hồi phục và chăm sóc cho các cầu thủ. Tuy nhiên, thiết bị tại đây cũng chỉ ở mức kiểm tra sơ bộ chứ chưa đủ chuyên nghiệp, chuyên sâu chữa trị chấn thương nặng của bóng đá chuyên nghiệp. Cầu thủ HAGL khi đau nặng thường xuyên được đưa xuống Bệnh viện ĐH Y Dược (cũng của bầu Đức liên doanh).
Liệt kê 3 ví dụ ở trên để thấy một thực tế, ngoại trừ Viettel có cả bác sĩ chuyên khoa lẫn HLV thể lực, đội D.NĐ tuy có HLV thể lực nhưng lại thiếu bác sĩ còn HAGL có bác sĩ lại thiếu HLV thể lực. Tức là chưa có sự đồng bộ.

Tiếc khoản lương cho bác sĩ

HLV Chung Hae-soung năm đầu tiên dẫn dắt CLB TP.HCM đã yêu cầu có HLV thể lực và bác sĩ Hàn Quốc. Tuy nhiên, năm nay đội này yêu cầu bác sĩ người Hàn giảm lương vì cho rằng 3.000 USD/tháng là quá nhiều khiến bác sĩ này không quay trở lại Việt Nam. Ông Chung chỉ còn một trợ lý người Hàn Quốc, một HLV thể lực người Tây Ban Nha Luruena Lobo và 2 bác sĩ Việt Nam. Về lâu dài, ông Chung muốn yêu cầu thêm ít nhất 1 trợ lý chuyên môn sau khi Phùng Thanh Phương chuyển sang CLB Sài Gòn, cùng ít nhất một bác sĩ có trình độ khác. Khá tiếc khi TP.HCM sẵn sàng trả 1 triệu USD cho Lee Nguyễn, hàng trăm ngàn USD cho Công Phượng, 4 ngoại binh cùng hàng chục tỉ đồng cho các ngôi sao như Văn Thuận (9 tỉ đồng), Bùi Tiến Dũng (7 tỉ đồng) hay Phi Sơn, Hoàng Thịnh... nhưng lại tiếc khoản lương 3.000 USD/tháng cho bác sĩ có trình độ đến từ Hàn Quốc.
Không có HLV thể lực nên HLV Hoàng Văn Phúc kiêm luôn cả “chuyên gia” thể lực lẫn tâm lý cho CLB Sài Gòn. Từng dẫn dắt đội tuyển quốc gia, ông Phúc hiểu rõ tầm quan trọng của một ban huấn luyện với đầy đủ đội ngũ phụ trách thể lực, y tế.
Bác sĩ Vũ Thành Luân là người đã cõng Đỗ Duy Mạnh lên bục nhận Siêu cúp quốc gia 2019 vào ngày Mạnh bị chấn thương. Bác sĩ Luân cũng sẽ cùng Mạnh sang Singapore dự kiến cuối tuần này để bác sĩ Lim Tan phẫu thuật cho Mạnh ở Bệnh viện Parkway. Nhưng đội Hà Nội có lẽ cần đến một bác sĩ chuyên khoa thực thụ bởi bác sĩ Luân chỉ đảm đương được các vấn đề về vật lý trị liệu hay điều trị những ca đơn giản. Rất ngạc nhiên khi một đội bóng giàu tham vọng như Hà Nội lại thiếu cả HLV thể lực.
Dường như sự đầu tư của Hà Nội cho những vấn đề cốt yếu này lại đang tỷ lệ nghịch với thành tích mà đội đã giành được trong thời gian qua. HLV Chu Đình Nghiêm đã hơn một lần tâm sự rằng, đội Hà Nội phải thi đấu trên các mặt trận nên rất cần có HLV thể lực và bác sĩ chuyên khoa có trình độ giỏi. Rất nhiều đội bóng vì nhiều lý do khác nhau mà chưa có HLV thể lực và bác sĩ giỏi như SLNA, SHB Đà Nẵng, Becamex Bình Dương…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.