Cầu thủ Việt Nam ít cơ hội xuất ngoại

29/12/2017 15:35 GMT+7

Thị trường chuyển nhượng cầu thủ khu vực Đông Nam Á vài năm trở lại đây đã trở nên khá sôi động, nhưng có vẻ như các đội bóng và cầu thủ Việt Nam (VN) vẫn nằm ngoài làn sóng ấy.

Trên thực tế, bóng đá VN không quá xa lạ với chuyện “xuất khẩu” cầu thủ. 16 năm trước, tiền đạo Lê Huỳnh Đức đã khoác áo CLB Lifan (Trung Quốc) theo dạng hợp đồng “hàng đổi hàng” với CLB Công an TP.HCM. Thời gian xuất ngoại của Đức chỉ kéo dài 4 tháng nhưng anh cũng đã ghi được 4 bàn thắng. Sau đó trung vệ Lương Trung Tuấn cũng có thời gian được Bình Định cho sang thi đấu ở Cảng Thái Lan năm 2005. Đến năm 2009, Lê Công Vinh mới trở thành cầu thủ VN chính thức ký hợp đồng với CLB Leixoes SC (Bồ Đào Nha) qua sự mối lái của HLV Calisto.
Năm 2013, Vinh tiếp tục được thử lửa tại CLB Sapporo (Nhật Bản), mà sau này Vinh thừa nhận: “Chỉ 4 tháng thi đấu ở nền bóng đá tiên tiến bậc nhất châu lục, tôi đã có những trải nghiệm sâu sắc. Ở một khía cạnh nào đó, tôi thấy đã thành công ít nhiều nhưng chưa thực sự làm tôi thỏa mãn”.
Đó cũng là tâm trạng chung của Công Phượng, Tuấn Anh khi trở về từ CLB Mito Hollyhock và Yokohama. Chấn thương là lý do chính khiến họ không thể tỏa sáng ở Nhật Bản. Xuân Trường hơi khác hơn một chút. Anh rời CLB Gangwon để ký hợp đồng với Incheon - một đội bóng Hàn Quốc khác và cũng để lại chút ít dấu ấn. Tuy nhiên, nếu đong đếm mức độ thành công thì cả ba “đứa trẻ” nhà bầu Đức đều chưa được như kỳ vọng. Sắp tới, gần như chắc chắn Xuân Trường sẽ về nước, thi đấu cho HAGL tại V-League 2018. Và cũng gần như chắc chắn mùa giải tới không có cầu thủ VN nào chơi tại nước ngoài.
Văn Thanh (trái), một trong số ít cầu thủ đủ khả năng thi đấu ở nước ngoài Trân Quý
Chưa đủ trình độ ?
HLV Chu Đình Nghiêm (CLB Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi không thờ ơ mà vẫn cập nhật thường xuyên tình hình chuyển nhượng trong khu vực và châu lục. Nhưng cho đến thời điểm này, đội Hà Nội mới chỉ nhận được đề nghị từ CLB Buriram United (Thái Lan) muốn mua cầu thủ nhập tịch Hoàng Vũ Samson. Những đội bóng khác của Thái như Muangthong United, Chiangrai United, Bangkok United, theo tôi được biết cũng đã mua cầu thủ ngoại từ Myanmar, Singapore... Liên đoàn Bóng đá Thái Lan quy định mùa giải 2018 mỗi CLB Thái sẽ được mua 3 suất ngoại binh, 1 suất nhập tịch và mùa 2019 được mua thêm 1 suất cầu thủ quốc tịch châu Á. Chắc có lẽ họ sẽ không mua cầu thủ VN đâu”.
Ông Nghiêm giải thích: “Nếu xét về đẳng cấp, so với bóng đá châu Á bóng đá VN gần như không có cửa cạnh tranh. Cỡ như Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường mà khi sang Nhật, Hàn Quốc còn ngồi dự bị dài dài. Không ra sân thường xuyên, trình độ sẽ bị mai một. Còn ở phạm vi Đông Nam Á, trong lăng kính của tôi, cũng không nhiều cầu thủ VN đủ lực thi đấu cho các đội hàng đầu Thái Lan. Một số ít có khả năng như Văn Thanh (HAGL), Quang Hải, Văn Hậu, Văn Quyết (Hà Nội). Mới đây, giới truyền thông Thái Lan rầm rộ đưa tin Buriram muốn mua Công Phượng với giá 70 tỉ đồng, nhưng đó chỉ là chiêu PR của họ mà thôi”. Ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn bóng đá HAGL, hôm qua đã tái khẳng định HAGL không hay biết thông tin Buriram muốn chiêu mộ Phượng nên từ chối bình luận.
VFF lạc quan và ủng hộ
Trái với quan điểm của ông Nghiêm, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) lại khẳng định xét mặt bằng chung, cầu thủ VN không thua kém cầu thủ các nước trong khu vực. Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, nói: “Liên đoàn Bóng đá châu Á khuyến khích sự phát triển của bóng đá châu Á bằng cách đồng ý cho các CLB được phép mua 3 cầu thủ ngoại, 1 cầu thủ quốc tịch châu Á nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho các sân chơi như AFC Champions League hay AFC Cup. Tôi không tiện nói tên cầu thủ nhưng VN không hiếm người đủ tài năng và phẩm chất đạo đức để khoác áo các đội bóng giỏi của Đông Nam Á. Nếu được thi đấu trong môi trường mang đầy tính cạnh tranh, sẽ không chỉ tốt cho cầu thủ mà còn tốt cho cả bóng đá VN. VFF sẽ ủng hộ nhiệt thành nhưng dĩ nhiên quyền mua, bán cầu thủ phụ thuộc vào CLB”.
Bản thân Công Phượng mới đây cũng chia sẻ: “Năm nay tôi 22 tuổi và vẫn mong ước được thi đấu ở nước ngoài vì mọi điều kiện ở đó thật sự tốt, chuyên nghiệp. Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản nhất là mặt sân Mỹ Đình được xem là tốt nhất VN nhưng so với quốc tế vẫn không thể bằng. Cá nhân tôi sẽ phải nỗ lực cực lớn vì nếu tụt hậu về trình độ, cơ hội xuất ngoại của tôi sẽ bị đóng lại”.
Trung vệ Quế Ngọc Hải (SLNA) đánh giá: “Nhiều đồng nghiệp khác như anh Quyết, Quang Hải, Văn Hậu, Phi Sơn, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh hay cá nhân tôi không thua kém kỹ thuật, tư duy chiến thuật so với các cầu thủ Malaysia, Indonesia, Singapore. Thái Lan có nhỉnh hơn một chút. Cái thiếu và yếu của chúng tôi không nằm ở sự thích nghi hay tính đồng đội mà ở ngoại ngữ. Nếu muốn mở cánh cửa ra ngoài, chúng tôi cần phải học giỏi ngoại ngữ, trau dồi kỹ năng và thể lực”.
VPF sẽ phải đổi mới nhiều mặt để không thua Thai-League
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên: “V-League cần phải cải thiện như thế nào để không bị tụt hậu so với Thai-League hiện nay?”, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), cho biết: “VPF cần cải thiện nhiều yếu tố, có thể chia ra làm hai phần: xây dựng hình ảnh trực tiếp gồm: cải thiện sân tập, sân thi đấu; cải thiện chất lượng thi đấu; cải thiện chất lượng tổ chức giải (trọng tài, kỷ luật...) và xây dựng hình ảnh trực tuyến gồm: nâng cao chất lượng truyền thông (website, chất lượng truyền hình, chất lượng thông tin...), tăng tính giao lưu trực tuyến giữa khán giả, người hâm mộ với giải đấu, cầu thủ thông qua các ứng dụng trực tuyến...”.
Ông Tú cho biết thêm: “V-League vẫn là một sản phẩm quan trọng trong đời sống tinh thần của người hâm mộ, vì vậy cần nâng cao công nghệ tổ chức để  thu hút tài trợ đồng thời lôi kéo khán giả đến sân, đặc biệt phải dứt khoát đá “sạch” nhằm lấy lại niềm tin cho khán giả. Có như vậy V-League mới thực sự hấp dẫn trở lại”. (N.Duy)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.