Cầu thủ Việt xuất ngoại, tại sao không?

02/01/2019 19:58 GMT+7

Chỉ trong 2 năm 2017-2018, bóng đá Việt Nam liên tiếp gặt hái những thành công đáng khích lệ như lọt vào VCK World Cup U 20, Á quân VCK U 23 Châu Á 2018, lọt vào bán kết ASIAD 18 và vô địch AFF Cup 2018. Điều đó khiến giá trị cầu thủ Việt lên cao và cơ hội xuất ngoại cũng rộng mở

[VIDEO] ĐÂY LÀ LÝ DO MUANGTHONG UNITED "MÊ MỆT" ĐẶNG VĂN LÂM

Song hành với những thành tích đó là sự xuất hiện của một thế hệ cầu thủ tài năng. Những cái tên như Quang Hải, Văn Hậu, Đức Huy, Đình Trọng, Công Phượng, Văn Toàn, Hồng Duy, Phan Văn Đức, Hà Đức Chinh, Duy Mạnh kể cả Đặng Văn Lâm, Huy Hùng, Quế Ngọc Hải...giờ được nhiều câu lạc bộ trong và ngoài nước chú ý.

Đó là điều tất yếu vì trình độ, kỹ năng chơi bóng của các cầu thủ nói riêng và mặt bằng trình độ cầu thủ Việt Nam nói chung được nâng lên rõ rệt. Đằng sau đó nhờ sự chuẩn bị chu đáo về giáo án, phương pháp đào tạo từ các trung tâm bóng đá, các câu lạc bộ (CLB) trong nước như PVF,  Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội FC, Sông Lam Nghệ An, Bình Dương nên giúp tạo ra những cầu thủ chất lượng hơn.

Và theo lẽ thường, giờ đây nhiều cầu thủ đứng trước cơ hội được các CLB nước ngoài “trải thảm” mời sang thi đấu tại các giải vô địch hấp dẫn như Thai League, Malaysia Super League, thậm chí có thể là J.League 1,2, K.League...

Cũng như mọi khi, sau hàng loạt các tin tức về sự quan tâm của các CLB tên tuổi nước ngoài thì các cầu thủ được xem là “ tinh hoa” bóng đá xứ ta hiện nay vẫn không đi đâu cả. Văn Quyết, Trọng Hoàng, Quang Hải...gần đây được báo chí cho biết có thể đến với những“ miền đất hứa” ngoài biên giới quốc gia nhưng cuối cùng họ vẫn cứ gắn bó với CLB chủ quản trong nước.

Thủ môn Đặng Văn Lâm đã được một CLB lớn châu Á chiêu mộ Độc Lập

Có lẽ bài học về những trường hợp xuất ngoại không thành công trước đây khiến các CLB và cầu thủ hiện nay cảm thấy ái ngại và thận trọng như Lê Huỳnh Đức từng sang CLB Lifan (Trung Quốc), Lê Công Vinh từng đến Bồ Đồ Nha chơi cho CLB Leixoes, sang Nhật khoác áo CLB Consadole Sapporo, Công Phượng thi đấu ở CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản), Tuấn Anh đã trải qua màu áo CLB Yokohama (Nhật Bản), Xuân Trường từng khoác áo CLB Incheon United (Hàn Quốc)

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, những chuyến xuất ngoại đó ít nhiều cũng mang lại giá trị và lợi ích vô hình cho các cầu thủ và cả bóng đá Việt.

Trong tự truyện của mình, Lê Công Vinh từng thừa nhận, nhờ ra “biển lớn” đã giúp anh cải thiện nhận thức và ý thức rõ về trình độ chơi bóng của mình. Trở về nước, anh rèn luyện bản thân để trở thành con người chuyên nghiệp hơn, nghiêm khắc hơn. Vì vậy sau này trong những chia sẻ kinh nghiệm với thế hệ đàn em, bài học đó được truyền tải một cách đầy đủ để cầu thủ định vị đúng vai trò, vị trí của bóng đá Việt trên bản đồ bóng đá Châu lục. Điều đó sẽ giúp cầu thủ chúng ta không ngừng nỗ lực nhằm cải thiện trình độ chơi bóng của bản thân.

Trong khi đó, những chuyến xuất ngoại trước đây của Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng ...cũng không phải hoàn toàn vô bổ. Ngoài mục đích hợp tác giữa CLB Hoàng Anh Gia Lai với đối tác của mình thì việc từng ra nước ngoài dù không được thi đấu nhiều nhưng cũng giúp các cầu thủ rút ra những bài học bổ ích về sự hòa nhập, tính tự lập, rèn luyện bản thân, vượt qua khó khăn trong môi trường bóng đá có tính chuyên nghiệp cao. Từ đó, các cầu thủ biết định vị bản thân, tạo động lực vươn lên...

Công Phượng từng sang Nhật. Điều đó giúp anh ít nhiều trưởng thành Độc Lập

Thật ra, cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu chỉ cân-đong- đo-đếm bằng những thống kê chuyên môn thì hầu hết những chuyến xuất ngoại của cầu thủ Việt xưa nay chưa thu hoạch được gì đáng kể. Nhưng ở khía cạnh khác, bản thân họ cũng trui rèn được bản lĩnh, tâm lý, tính kiên nhẫn, cách ứng xử, động lực và thái độ thi đấu tốt hơn nhờ từng tiếp cận và trải qua môi trường khắc nghiệt hơn giải đấu quốc nội.

Vì vậy, nếu cứ ái ngại về hiệu quả của những chuyến xuất ngoại và chỉ đo bằng kết quả chuyên môn thôi thì chưa đủ. Bởi sự trưởng thành hay thành công của các cầu thủ không chỉ là những gì thu được bằng thông số đơn thuần trên sân cỏ mà còn nhờ vào sự kết tinh của quá trình rèn luyện, trang bị các yếu tố “sân sau” khác nhưng không đo được bằng những phép tính hữu hình.

 Từ góc nhìn này, có thể thấy cầu thủ Việt xuất ngoại thi đấu thì không bổ dọc cũng bổ ngang. Bóng đá trong thời đại toàn cầu hóa tất yếu phải có sự trao đổi, giao thoa một cách sâu rộng. Vì vậy cầu thủ Việt cũng chẳng thể mãi bơi trong cái “ao nhà” mà phải biết “bơi” ngoài sông lớn...

Với các đội tuyển quốc gia mạnh trên thế giới hiện nay như Pháp, Bỉ, Brazil, Croatia...hầu hết các tuyển thủ  đều là “ lính lê dương”. Ở Châu Á, các đội Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Iraq... có ít nhất 1/3 cầu thủ đá thuê tại các CLB mạnh nước ngoài trở về khoác áo đội tuyển quốc gia. Thậm chí ở cấp CLB, nếu muốn gầy dựng tên tuổi, muốn trở thành “ ông lớn” cũng phải là tập hợp từ một “dàn sao” đến từ nhiều quốc gia.

Hiện tại, nếu chỉ lấy vùng trũng bóng đá Đông Nam Á ra làm thước đo thì bóng đá Việt Nam cũng có “số má” thật. Nhưng nhìn rộng hơn ở cấp Châu lục, chúng ta không là gì cả. Tại giải đấu cấp CLB như Champion League hay AFC Cup, thường các CLB Việt Nam bị loại sớm. Trường hợp như Becamex Bình Dương vào đến bán kết AFC Cup 2009 là hiếm hoi.

Huy Hùng đang được nhiều CLB chú ý muốn có anh Độc Lập

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, tứ kết ASIAN Cup 2007 là thành tích cao nhất của bóng đá Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất (nhưng lần đó Việt Nam dự giải với tư cách chủ nhà). Ở ASIAD 2018 Indonesia là lần đầu tiên đội Olympic Việt Nam vào bán kết dưới màu áo Cờ đỏ Sao vàng. Tuy nhiên thành quả đó cũng còn rất khiêm tốn, chưa thể khẳng định vị thế của bóng đá Việt trên bản đồ bóng đá Châu Á.

Nếu chúng ta muốn trở thành 1 trong 10 đội bóng đá nam mạnh nhất Châu lục thì còn nhiều việc phải làm. Việc cho cầu thủ xuất ngoại để học hỏi, để trải nghiệm cũng là một trong những cách làm hữu hiệu nhằm góp phần nâng tầm đội tuyển bóng đá quốc gia và cải thiện thành tích chính mình.

Trong bối cảnh đó, các CLB cũng nên vì cái lợi chung của bóng đá nước nhà mà tạo điều kiện để cầu thủ Việt Nam thử sức ở những môi trường mới. Bản thân các cầu thủ cũng nên tự nâng cấp mình bằng cách chấp nhận đối diện với thử thách ở những giải đấu có tính cạnh tranh cao hơn V.League nếu muốn tiếp tục con đường bóng đá chuyên nghiệp. Vì vậy hãy mạnh dạn để cầu thủ xuất ngoại, xem như “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” vậy!  

 

 

        

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.