Chủ tịch VFF - Người & ghế: Một bàn tay & Một bầu trời

13/04/2013 11:28 GMT+7

(TNO) Thực hiện khuyến cáo của FIFA, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 7 sẽ phải làm một nhiệm vụ kép: Vừa quản lý vừa trực tiếp điều hành - đó là một thông điệp được các quan chức VFF khóa 6 “bắn tiếng” cho báo chí.

(TNO) Thực hiện khuyến cáo của FIFA, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 7 sẽ phải làm một nhiệm vụ kép: Vừa quản lý vừa trực tiếp điều hành - đó là một thông điệp được các quan chức VFF khóa 6 “bắn tiếng” cho báo chí.

>> Chủ tịch VFF - Người & ghế: Cởi trói cho “vua”
>> Chủ tịch VFF - Người & ghế: Tiêu chí kiếm tiền!
>> Rốt ráo tìm Chủ tịch và Tổng thư ký VFF mới

 Nguyễn Trọng Hỷ - Khả Hòa TNO
Ở hai nhiệm kỳ 5 và 6 vừa qua, ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ chỉ làm công việc quản lý - Ảnh: Khả Hòa

Nói một cách hình ảnh thì việc chủ tịch VFF vừa quản lý vừa điều hành cũng giống với việc một bàn tay ôm cả một bầu trời, và quản lý cả một bầu trời mênh mang, rộng lớn.

Ở đời này, có bàn tay nào ôm được cả bầu trời hay không? Có, đó là bàn tay Phật tổ trong thiên tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, bàn tay đã trói chặt cả một nhân vật được tôn là Tề Thiên Đại Thánh, và khiến cho cái ông Tề Thiên Đại Thánh nổi tiếng là ngông cuồng, nganh ngạnh cũng không biết phải thoát ra cách nào.

Nhưng trong địa hạt bóng đá nói chung, và địa hạt Bóng đá Việt Nam nói riêng - cái địa hạt mà ai cũng bảo là tìm một người đủ tâm, đủ tầm, lại đủ kiên nhẫn để ngồi lên ghế chẳng khác gì việc phải tìm đường lên trời, thì sự xuất hiện của một bàn tay Phật tổ xem chừng không tưởng.

Ở hai nhiệm kỳ 5 và 6 vừa qua, ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ chỉ làm công việc quản lý (chứ không kiêm nhiệm việc điều hành), và chỉ mỗi cái việc quản lý ấy thôi, ông Hỷ đã nhiều lần kêu ca về việc mình gần như không có đủ thời gian để có thể giải quyết mọi việc cho rốt ráo.

Nên nhớ là nếu ở nhiệm kỳ 5 ông Hỷ vừa làm chủ tịch VFF vừa làm Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT thì sang đến nhiệm kỳ 6, ông đã về hưu ở ngành thể thao, nên chỉ chuyên tâm làm việc ở VFF. Ấy thế mà để giải quyết, chỉ đạo các công việc đại sự ở VFF, ông cũng rơi vào cảnh… không có đủ thời gian.

 Lê Hùng Dũng và Phạm Văn Tuấn - Minh Tú TNO
Ông Lê Hùng Dũng (bìa trái) được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho chức chủ tịch VFF khóa 7 - Ảnh: Minh Tú

Với 3 ứng cử viên sáng giá nhất cho ghế chủ tịch VFF khóa 7 lúc này, dễ thấy ông Lê Khánh Hải vẫn đang là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Phạm Văn Tuấn vẫn đang là Tổng cục Phó Tổng cục TDTT, còn ông Lê Hùng Dũng lại là chủ tịch Hội đồng quản trị của một ngân hàng cỡ bự. Nếu một trong ba ông hoặc một ông nào đó có cùng “đặc thù công việc” như các ông ngồi lên ghế chủ tịch VFF khóa 7 thì họ có đủ thời gian để giải quyết những công việc quản lý trong ngôi nhà VFF hay không?

Đấy là nói tới chuyện thời gian, giờ nói tới chuyện tính chất công việc, ai cũng biết quản lý VFF là phải vạch ra những đường hướng vĩ mô cho sự tồn tại, phát triển của VFF. Còn điều hành VFF là xắn tay thực hiện những việc cụ thể, mang tính chất “bếp núc” của tổ chức này.

Để làm việc vĩ mô, người ta cần một bộ óc biết nhìn xa trông rộng, còn để thực hiện những việc cụ thể, “bếp núc”, người ta cần những nhân vật biết hành động tức thời. Và ở VFF xưa nay, hai công việc khác biệt này lần lượt thuộc về chủ tịch và Tổng thư ký (TTK) VFF.

Bây giờ, nếu ông tân chủ tịch VFF vừa quản lý vừa điều hành thì vai trò của ông TTK nằm ở đâu? Ngay cả khi cho rằng khi ấy TTK vẫn đảm nhiệm một mảng việc đối nội - đối ngoại nào đó như giải thích của phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì khi ấy, rõ ràng cái bóng của ông chủ tịch vẫn bao trùm, lấn át tất cả. Mà chìm khuất, ngụp lặn trong cái bóng bao trùm ấy, TTK rất dễ trở thành người bị “cầm tay chỉ việc”, và chỉ có thể làm việc như một cái máy ngoan ngoãn mà thôi.

Tóm lại, ngay cả khi dựa vào FIFA (dù hơn một quan chức VFF từng bảo “FIFA, AFC không phải con ngáo ộp”) để dồn vai trò kép, vừa quản lý, vừa điều hành lên ông chủ tịch VFF thì trong bối cảnh nhân sự cụ thể của chúng ta bây giờ, việc thực hiện một vai trò kép vẫn sẽ tạo ra rất nhiều bất ổn.

Còn nếu chúng ta đưa ra cái gọi là “vai trò kép” chẳng qua để dồn quyền lực vào một nhân vật nào đó, và dọn đường cho nhân vật đó có thể “dùng một bàn tay, che cả bầu trời” thì đấy lại là một câu chuyện khác.

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.