Chuyện bản quyền truyền hình: Mọi rắc rối đều từ VFF

05/01/2012 00:49 GMT+7

VFF là nguồn gốc của mọi rắc rối liên quan đến cuộc “xung đột” nảy lửa giữa chính VFF với VPF về vấn đề bản quyền truyền hình (BQTH) các giải đấu chuyên nghiệp VN!

VFF là nguồn gốc của mọi rắc rối liên quan đến cuộc “xung đột” nảy lửa giữa chính VFF với VPF về vấn đề bản quyền truyền hình (BQTH) các giải đấu chuyên nghiệp VN!

Bộ chủ quản không hay biết về thời hạn VFF và AVG ký kết 20 năm, gần như tuyệt đại đa số các CLB không được hỏi ý kiến trong quá trình đàm phán khá vội vã của hai đối tác này - cần nhắc lại chi tiết trên để cho thấy, VFF đã “dối trên lừa dưới” như thế nào!

Với trị giá hợp đồng chỉ vỏn vẹn 6 tỉ đồng/năm, VFF không cảm thấy xấu hổ với “thành quả” mình đạt được mà còn khăng khăng cho rằng quy trình ký kết hoàn toàn đúng pháp luật. Trong 4 công văn liên tiếp mà công văn số 06 do Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ ký vào chiều qua gửi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF, VFF còn làm xấu mình khi đưa ra 2 ý như sau: Việc ủy quyền của VFF cho VPF chỉ có hiệu lực khi VPF đủ tư cách đại diện cho VFF; VPF phải đáp ứng: 1/VPF trở thành thành viên của VFF. 2/VPF phải hoàn tất việc ký kết hợp đồng nhận ủy quyền điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp.

 
Truyền hình HTV trong trận khai mạc Super League - Ảnh: Bạch Dương

VFF nên chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với AVG

Để những rắc rối về chuyện BQTH xảy ra như hiện nay, Bộ VH-TT-DL rất phiền cách làm việc không giống ai của VFF. Theo nguồn tin của Thanh Niên, nếu không có gì thay đổi vào giờ chót, Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Thế dục thể thao sẽ có ý kiến yêu cầu VFF phải tiến hành chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với AVG. Điều này là phù hợp, bởi lẽ VFF đã chuyển giao quyền tổ chức cho VPF thì không lý do gì lại tiếp tục duy trì hợp đồng mà mình không còn trực tiếp tổ chức nữa. Bộ VH-TT-DL cũng sẽ tạo điều kiện cho AVG đàm phán lại với VPF trên tinh thần vì lợi ích lâu dài của bóng đá VN. (T.K)

Nói VFF làm xấu mình là bởi VFF cho rằng việc ủy quyền của VFF cho VPF là chưa đủ hiệu lực. Trong khi, trên thực tế ở vòng 1 vừa qua, VFF đã chính thức không đứng ra tổ chức Super League nữa mà quyền điều hành đã hoàn toàn thuộc về VPF. Vậy tại sao, VFF vẫn khăng khăng tuyên bố chủ giải là mình và sở hữu tất cả các quyền khác liên quan đến giải đấu, trong đó có BQTH. Chưa hết, ngay sau ngày đại hội cổ đông đầu tiên vào ngày 14.12, VPF đã nhiều lần đề nghị VFF thực hiện hợp đồng bàn giao nhưng “VFF đã chậm trễ về mặt thủ tục hành chính, cố tình không bàn giao cho chúng tôi. Như vậy, lỗi thuộc về VFF chứ không phải VPF” - Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên cho biết. Và tại Đại hội thường niên VFF vào cuối năm 2011, VFF đã thống nhất chủ trương đồng thời thông qua việc VPF sẽ trở thành thành viên VFF. Tại dự thảo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp VFF gửi lên Tổng cục Thể dục thể thao phê duyệt, VFF đã bổ sung điều khoản, VPF thuộc thành viên VFF. Vậy, tại sao giờ đây VFF lại “lật kèo”?

Việc VPF đúng hay VFF, AVG đúng, nói như Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, sẽ có các cơ quan thẩm quyền kết luận (sáng nay 5.1, ông Thắng sẽ ký công văn gửi Bộ Thông tin - Truyền thông; Bộ Tư pháp, Bộ VH-TT-DL), song dư luận không thể dấy lên nghi ngờ động cơ của VFF ở bản hợp đồng với AVG. VPF muốn xem xét lại hợp đồng này để đảm bảo quyền lợi cho khán giả, cho các đài truyền hình, cho các CLB và cho chính VFF. Nên nhớ rằng, VFF chiếm cổ đông lớn nhất trong VPF, tới 35,4%. Nghĩa là, nếu có lợi nhuận, VFF sẽ được hưởng lớn hơn mỗi CLB. Vậy, tại sao VFF không bảo vệ quyền lợi chính đáng này? Phải chăng, vì quyền lợi của một nhóm người mà VFF phớt lờ quyền lợi của tập thể? Không phải ngẫu nhiên mà Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Thể dục thể thao lại yêu cầu VFF giải trình và làm rõ việc ký kết hợp đồng kinh tế với thời gian 20 năm này. Bộ chủ quản cũng yêu cầu VFF phải làm rõ tính minh bạch của bản hợp đồng.

Trong công văn mới nhất, VFF than rằng VPF đã không tôn trọng VFF. Nhưng nếu xâu chuỗi tất cả những “sự kiện” liên quan đến VFF suốt thời gian qua, chính VFF đã không tôn trọng chính mình và không tôn trọng dư luận.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.