Chuyện học tập của cầu thủ Việt ở nước ngoài

04/04/2017 09:28 GMT+7

Song hành tốt giữa học tập và bóng đá là điều không hề đơn giản với các cầu thủ trẻ Việt Nam đang sinh sống, tập luyện tại một số nước châu Âu.

Đá giỏi nhưng học cũng phải tốt
100% các bậc phụ huynh người Việt mà chúng tôi có cơ hội trò chuyện đều yêu cầu con em mình phải hoàn tất chương trình học phổ thông trước khi tính đến chuyện đá chuyên nghiệp. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi hầu hết các cầu thủ ở đây đều có kiến thức nền tảng rất tốt.
Thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ, chúng tôi nhận thấy nhiều cầu thủ dù chưa một lần bước vào đại học hay cao đẳng nhưng đã sở hữu khả năng ngoại ngữ vào hàng “siêu đẳng” nếu so với một cử nhân tốt nghiệp tại VN. Ở tuổi 17, tiền vệ Tony Lê Tuấn Anh (U.19 Bohemians Praha, CH Czech) tự tin cho biết có thể sử dụng 5 ngôn ngữ gồm VN, Czech, Anh, Đức và Tây Ban Nha. Con số tương tự với Boby Lương Nguyên Bảo (U.21 Dukla Praha, CH Czech) hay Nguyễn Phi (U.21 Luzern, Thụy Sĩ). Nhưng kỷ lục nhất có lẽ là Henry Nguyễn (U.19 Helsinki, Phần Lan) khi có thể nói lưu loát 5 ngôn ngữ khác nhau ngoài tiếng mẹ đẻ VN.
Nhờ vốn ngoại ngữ tốt, thành tích học tập từ khá giỏi trở lên cộng thêm năng khiếu bóng đá bẩm sinh, vì thế những trường hợp này có rất nhiều lựa chọn cho tương lai. Cá nhân cầu thủ Henry Nguyễn hồi đầu năm nay đã chính thức nhận được một suất học bổng toàn phần từ Đại học California State, Bakersfield. Nhưng ấn tượng hơn cả là việc HLV trưởng đội bóng của trường phải sang tận Phần Lan thuyết phục Henry và gia đình nhận lời sang Mỹ.
Trong khi hè này, Milan Lê Chí Phúc (U.17 Mnichovo Hradiste, CH Czech) sẽ đi Malta để làm trợ giảng thời vụ tại một trung tâm Anh ngữ dù chỉ mới 17 tuổi. Gia đình hy vọng trải nghiệm nho nhỏ này sẽ giúp Phúc trau dồi thêm các kỹ năng và trở thành hành trang bổ ích cho tương lai mai sau.
Milan Lê Chí Phúc (U.17 Mnichovo Hradiste, CH Czech) Goal.com
Cân bằng thời gian học và chơi bóng
Nhìn chung, các cầu thủ gốc Việt luôn được gia đình quan tâm, chăm sóc và sắp xếp mọi chuyện rất ổn thỏa giữa việc học và chơi bóng đá. Tony Lê Tuấn Anh cho biết mỗi ngày anh dành ít nhất từ 4 - 5 tiếng cho việc tập luyện ở CLB Bohemians Praha và các bài tập bổ trợ tự thân dưới sự giám sát của bố. Xen kẽ là lịch học tại trường và buổi tối ở nhà trước khi đi ngủ. Lịch trình sinh hoạt, tập luyện kín cả ngày, thế nên tính trung bình anh chỉ được ngủ hơn 7 tiếng vào ban đêm. Nghe thì có vẻ vất vả nhưng anh chàng vẫn quả quyết: “Tôi không gặp vấn đề gì giữa việc học hành và chơi bóng cùng lúc. Mọi chuyện đều được xử lý đâu vào đấy”.
Cựu tuyển thủ và đội phó tuyển U.19 Thụy Sĩ Nguyễn Phi thì cho hay: “Dù thời gian biểu có phần kín kẽ, nhưng tất cả các cầu thủ đều cố gắng hoàn thành chương trình học cơ bản trước năm 20 tuổi để tập trung vào con đường chuyên nghiệp”. Tiền vệ có bố đến từ Hà Tiên còn có sở thích tự chuẩn bị bữa ăn hằng ngày vì theo anh “như vậy sẽ đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể”.
Ông Lê Chí Thanh (bố của Lê Chí Phúc) thừa nhận: “Tự chăm sóc bản thân cả về kiến thức nền lẫn thói quen sinh hoạt chính là những điểm nhấn quan trọng trong cách đào tạo trẻ của phương Tây. Bởi nếu tương lai chẳng may không thể theo nghiệp bóng đá thì cơ hội hòa nhập trở lại với cuộc sống đời thường của cầu thủ cũng dễ dàng hơn".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.