Cựu tiền vệ Quốc Vượng: 'Tôi chưa già nhưng những gì tôi trải qua còn hơn cả một cuộc đời'

19/07/2015 10:35 GMT+7

(TNO) Cuộc phỏng vấn gần đây nhất của tôi với Quốc Vượng cũng phải được 7 năm. Không phải vì không có dịp gặp anh mà giữa chúng tôi có những kỷ niệm khiến suốt từng ấy thời gian, tôi không dám gọi điện để đưa anh lên báo bởi sợ làm trỗi dậy những ký ức đau buồn mà anh đã từng phải đi qua...

'Bầu Đức có vẻ chủ quan' 

(TNO) Cuộc phỏng vấn gần đây nhất của tôi với Quốc Vượng cũng phải được 7 năm. Không phải vì không có dịp gặp anh mà giữa chúng tôi có những kỷ niệm khiến suốt từng ấy thời gian, tôi không dám gọi điện để đưa anh lên báo bởi sợ làm trỗi dậy những ký ức đau buồn mà anh đã từng phải đi qua...

'Sếp nhận em về và giao nhiệm vụ điều phối marketing, nhưng giờ em còn đi tìm hiểu thị thường, phụ trách bán hàng. Mọi thứ đều đang diễn ra rất thuận lợi...' - Ảnh do nhân vật cung cấp
Năm 2005, tôi chung chuyến bay với đội U.23 Việt Nam sang Philippines dự SEA Games 23. Ngồi cùng hàng ghế với Quốc Vượng, hai chị em trò chuyện, hàn huyên vui vẻ. Tôi nhớ như in lời tâm sự của Vượng thế này: “Em rất muốn được nghe quốc ca Việt Nam sau trận chung kết bóng đá nam”.

Năm ấy, U.23 Việt Nam chỉ giành HCB. Nhưng cú sốc kinh khủng nhất là vừa về nước được đúng một ngày sau khi SEA Games 23 kết thúc, khoảng 22 giờ đêm, tôi nhận cú điện thoại từ nguồn tin: “U.23 Việt Nam bán độ trong trận thắng Myanmar”.

Vài ngày sau, Vượng, Văn Quyến và một số cầu thủ nữa bị triệu tập lấy lời khai rồi sau đó bị đưa về trại tạm giam...

Ngày 30.8.2008 Vượng trở lại với đời thường, Vượng long đong lận đận hết đội này đến CLB khác. Chưa kể dính chấn thương khá nặng. Có lần Vượng nhắn tin cho tôi, nội dung rất dài, nhưng câu chữ thì toát lên một điều rằng, anh đang mất phương hướng và lo lắng tột độ cho cuộc sống. Vượng nhờ tôi giới thiệu cho một CLB nào đó. Cũng có hôm, hai vợ chồng tôi xuống thăm Vượng ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I, đóng ở Nhổn. Suốt buổi nói chuyện, Vượng không cười một lần nào. Khuôn mặt có phần u uất. Anh bảo lo lắng vì tương lai chưa biết ra sao.

Chặng đường đi suốt bấy năm qua của Vượng, vất vả, long đong. Nhưng thật mừng, vì dù chia tay hẳn với bóng đá, đến bây giờ, anh đã tìm thấy “nụ cười” cho cuộc đời.

Gọi điện cho Vượng lúc này, nghe đầu dây bên kia là niềm lạc quan và yêu đời, dù Vượng nói rằng, không phải đã hết những lo toan.
Nụ cười của Quốc Vượng - Ảnh do nhân vật cung cấp 
* Vượng ơi, cho đến giờ, chị vẫn cứ nhớ mãi hình ảnh…

Quốc Vượng: …Ngồi trên máy bay sang Philippines đúng không chị. Nhanh thật đấy. Đã tròn 10 năm rồi. Mới hôm kia, em viết trên Facebook của mình là tôi chưa già nhưng những gì tôi trải qua còn hơn cả một cuộc đời. Những cung bậc hạnh phúc và đắng cay nhất sự nghiệp, em đều nếm đủ cả rồi.

Nhắc lại biến cố năm 2005, thấy mình và anh em quá ư dại dột. Khi từ Philippines về nước, đọc báo chí viết đội có bán độ, em còn nói với gia đình và cả bạn gái là thôi chết rồi, chắc ai đó bán trận chung kết SEA Games rồi vì trận đó mình thua, làm dậy sóng dư luận lúc bấy giờ. Hoàn toàn không biết là chính mình đã mắc lỗi, vi phạm pháp luật. Chẳng là trận Myanmar, mấy thằng đồng ý nhận mấy chục triệu để dàn xếp kết quả là Việt Nam phải thắng. Nghĩ mình đá thắng thì sao lại có tội. Nếu dàn xếp để thua thì có mang em đi... xử bắn, em cũng không sẵn sàng chấp nhận.

Nhưng mình làm thì mình phải chịu, chứ không thích đổ cho số phận. Sự cố ở Bacolod đã đưa cuộc đời em vào một bước ngoặt quá lớn và thời điểm đó đã khiến em hình thành nhiều suy nghĩ rất tiêu cực mãi sau này mới thay đổi được.

Chị biết không, có giai đoạn, em cảm thấy hụt hẫng và cô đơn cùng cực vì không ai tin tưởng mình cả. Chỉ cần một bàn tay ai đó chìa ra và nói, về với đội anh đi, về với đội chú đi. Nhưng tuyệt nhiên không. Không ai cho em một cơ hội cả. Ai cũng từ chối. Rất đau khổ. Nhưng lạ cực kỳ là những lúc ấy lại vẫn không hề thấy bi quan, mà vẫn le lói một niềm tin nào đó.

* Chị cũng cảm thấy tiếc khi bộ ba Văn Quyến, Quốc Vượng, Công Vinh giờ chỉ còn lại Vinh là vẫn bám trụ với nghề đá bóng. Cả em và Quyến tài hoa theo một kiểu khác nhau nhưng cuộc đời lại có bước ngoặt gần như giống nhau. Đã khi nào, quá khứ đẹp đẽ trào về khiến em phải giật mình tiếc nuối?
Quốc Vượng và Công Vinh (trái) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Quốc Vượng: Em không còn cơ hội để nói chữ nếu nữa rồi. Mọi việc đã xảy ra. Và ngay khi ra tù, em đã tự tha thứ cho bản thân mình. Không được phép nhức nhối nữa mà phải tìm cách hoàn thiện mình trong suy nghĩ, trong cách sống, dù không phải lấy lại ngay niềm tin của người khác. Còn kỷ niệm một thời đá bóng, sẽ vĩnh viễn đi theo em. Nó đẹp kinh khủng và em không có quyền quên đi tất cả.

Năm 2002, khi em còn chưa được đá cho đội 1 Sông Lam Nghệ An, bác Nguyễn Thành Vinh gọi em và bảo: bầu Đức đang đi tuyển quân cho Hoàng Anh Gia Lai và đội Đà Nẵng cũng đang cần người. Theo bác, cháu nên về đội Đà Nẵng thì cơ hội ra sân nhiều hơn. Lương của HAGL trả là 6 triệu/tháng còn Đà Nẵng là 15 triệu. Bác Bá Thanh khi ấy có hứa với em như vậy.

Nhưng em vẫn quyết định về với đội bầu Đức để được khoác áo cùng các đàn anh Kiatisak, Dusit, Hữu Đang, Văn Sỹ Hùng, Lương Trung Tuấn, Việt Thắng, Mạnh Dũng. Năm ấy, HAGL vô địch để lên hạng chơi ở V-League. Cái tên Lê Quốc Vượng được biết đến là từ màu áo HAGL vì năm ấy, em được bầu là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải.
Về thành tích quốc tế, em cũng hai lần được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất Arribank Cup, LG Cup năm 2005, hai lần á quân SEA Games 22 năm 2003 và SEA Games 23, chỉ tiếc là SEA Games 23 lại là kỷ niệm đẹp gắn liền với đau đớn của em. Những giải đấu này, em đã phát huy những gì tinh túy nhất có thể dù đó cũng chưa phải là đỉnh cao nhất của em.
Quốc Vượng và Huy Hoàng - Ảnh do nhân vật cung cấp
Em không ảo tưởng nhưng có chút tự hào, có chút tiếc nuối. Khi em xem V-League, em mới cảm nhận sâu sắc sự tiếc nuối ấy. Chị biết không, trước kia, em đã từng dệt cho mình một giấc mơ là ra nước ngoài thi đấu. Một lần, HLV Riedl đưa đội sang Áo tập huấn. Khi kiểm tra thể lực bằng máy móc hiện đại, tốc độ chạy của em tốt nhất đội và bác sĩ có nói là tốc độ này bằng với cầu thủ châu Âu. Nhưng cái duyên với bóng đá của em không kéo dài như những gì em đã từng mong muốn xưa kia. Âu cũng là cái số.

Khi không còn cơ hội đá bóng, em đã đi tìm việc làm mà báo chí có viết là đi bốc vác. Thực chất công việc của em lúc ấy là nhận hàng rồi cân hàng cho khách. Chẳng có gì phải xấu hổ cả nếu đó là những nghề lương thiện. Em không bị sĩ diện nên không làm theo lời khuyên lúc đó là: Làm nghề đó làm gì, ăn khoai ăn sắn trong bếp thì có ai biết đâu mà chê!

* Chị cảm ơn Facebook vì nhờ nó mà chị được biết về một Quốc Vượng rất khác - chững chạc, tự tin và không còn sự bất an như trước. Rất vui vì được nhìn thấy ảnh vợ chồng em và cậu con trai hạnh phúc, rất vui vì được nhìn thấy em chia sẻ về công việc hanh thông ở công ty mới!
Gia đình hạnh phúc của Quốc Vượng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Quốc Vượng: Nếu có thang điểm 10 để chấm về một gia đình thì em tự nhận gia đình mình 8 điểm. Trước đây, chỉ có một mình thì có thể suy nghĩ đơn giản nhưng giờ phải lo cho vợ cho con. Cuối năm nay, vợ chồng em có thêm thành viên nữa. Có thể trong mắt nhiều người, em đã từng có cư xử ngang tàng. Nhưng thực chất lại không phải thế. Bây giờ, sẽ càng cố gắng sống thật tốt.

Em tự hào vì mình là người biết trên biết dưới, không lừa thầy phản bạn. Có lẽ vậy mà đời lại mang đến cho em một cơ hội khác không phải bóng đá. Ngày xưa, trong trại, em có đau đớn nhưng chưa bao giờ bị sụp đổ niềm tin. Và có lẽ cũng vì vậy mà đời mang đến cho em một công việc tốt.

Sếp nhận em về và giao nhiệm vụ điều phối marketing, nhưng giờ em còn đi tìm hiểu thị thường, phụ trách bán hàng. Mọi thứ đều đang diễn ra rất thuận lợi và em lại tự hỏi, thực ra mình có duyên với bóng đá hay nghề mới này đây!
'Bầu Đức có vẻ chủ quan'
Trên trang cá nhân của Vượng, mọi người thấy Vượng vẫn đau đáu với bóng đá lắm, nhất là có những chia sẻ đầy âu lo về Hoàng Anh Gia Lai, về bầu Đức và thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường.
Vượng chia sẻ: “Xem lứa U.19 đá ở giải Đông Nam Á, em thích lắm. Nhưng để họ thi đấu V-League có vẻ như là một nước cờ sai của bầu Đức. Ông có vẻ chủ quan về mặt bằng cầu thủ. Đáng lẽ ra, đội HAGL chỉ nên “cấy” 4 cầu thủ trẻ vào đá, rồi năm sau tăng lên 6, tăng dần số lượng theo từng năm. Chứ độp một cái, cho lứa quá non vào đá với toàn những anh có “sỏi” trong đầu thì thắng làm sao.
Đáng lẽ, cần phải tạo một “xương sống” vững chắc bằng cầu thủ nhiều kinh nghiệm thì HAGL đã không ra nông nỗi này. Ở HAGL bây giờ không ai đủ lì lợm để làm thủ lĩnh. Tuấn Anh đá hay nhưng không phải mẫu thủ lĩnh. Nhìn Phượng chơi trên sân mà thấy tội quá. Kiểu làm của bầu Đức thế là không bền đâu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.