Đại gia Việt bỏ tiền tỉ làm bóng đá 'phủi'

Sân cỏ Việt Nam (VN) ngày càng có nhiều người bỏ hàng tỉ đồng tiền túi để chơi bóng đá phong trào chỉ vì đam mê, chứ không vì một vụ lợi nào khác. Dù đủ tiềm lực để đưa đội bóng lên chơi chuyên nghiệp, nhưng các ông bầu này vẫn nói không.

Bóng đá chuyên nghiệp VN quá nhiều gam màu tối
Ông Trần Ngọc Tâm, biệt danh “Tâm TOTO” là người rất nổi tiếng trong giới bóng đá “phủi”, bởi mỗi năm ông chi hơn 2 tỉ đồng cho đội bóng An Biên FC và tổ chức giải đấu phong trào Cúp An Biên đã lên tuổi thứ 10.
Khởi điểm, bầu Tâm rất máu làm bóng đá chuyên nghiệp, nhưng chỉ mới dấn thân vào ông đã ngán ngẩm: “Tôi không giấu giếm ý định xây dựng một đội bóng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chính những bạn bè am hiểu sâu trong giới bóng đá lại là những người đầu tiên ngăn cản vì V-League có nhiều gam màu tối. Bản thân tôi từng tham dự giải hạng A của TP.HCM và thấy ngay ở đây sự sòng phẳng và tôn trọng nhau là điều xa xỉ. Cấp nghiệp dư còn thế, thì ở thượng tầng sẽ thế nào?
Lên chơi chuyên nghiệp để làm gì khi bóng đá bản thân chưa tự nuôi được mình. Nhất là những người cầm cân nảy mực, bao gồm cả trọng tài chưa minh bạch khiến mọi người mê bóng đá đều chán nản. Chơi chuyên nghiệp, mình trong sạch người khác không trong sạch thì khán giả sẽ đánh đồng. Thấy bầu Đức đáng thương chưa khi tất cả quay lưng lại với ông ấy trong khi ông ấy làm bóng đá vì cái tâm, vì sự phát triển của bóng đá VN", bầu Tâm nói.
Cứ mãi như hiện nay thì chả ai dám làm bóng đá chuyên nghiệp
Lớp học anh văn cho cầu thủ của Metro FC Nhân vật cung cấp
Ông Trần Phúc Thảo, biệt danh “Thảo Thành Thành” - là ông chủ đội bóng Thành Thành FC được thành lập từ năm 2003. Mỗi năm ông Thảo cũng bỏ ra khoảng 1,3 tỉ đồng để cháy với niềm đam mê bóng đá. Giống như bầu Tâm, bầu Thảo cũng nhìn ra những hạn chế của bóng đá chuyên nghiệp: “Tôi không hiểu sao Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cứ để ông bầu Đỗ Quang Hiển ảnh hưởng từ 4 - 5 đội bóng. Đây chính là điều bất bình đẳng trong bóng đá chuyên nghiệp mà cứ để hoài khiến các đội kêu ca. Nếu không chấp nhận một lần đau để một ông chủ chỉ một đội bóng thì bóng đá chuyên nghiệp VN sẽ chết yểu”.
Ông Thảo cũng nhận ra một vấn đề rất hay về cách điều hành của VFF: “VFF khuyến khích các đội phát triển bóng đá trẻ, nhưng thật trái khoáy khi bắt các đội phải đóng số tiền lớn để được tham dự. Tình hình kinh tế hiện nay đầu tư đội trẻ đã khó, đi thi đấu đã tốn tiền ăn, tiền di chuyển, tiền khách sạn thì tiền đâu nữa mà đóng tiền cho VFF. Nếu đá giải trẻ mà phải đóng tiền thì chúng tôi thà gom các đội thuê sân đá với nhau sướng hơn. Làm như kiểu VFF thì làm sao bóng đá trẻ VN phát triển”.
Ngoài ra, VFF và Công ty tổ chức bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) cần làm tốt hơn việc tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp. Chứ cứ giữ mãi tình trạng như hiện nay thì chả ai dám dấn thân làm bóng đá chuyên nghiệp, vì làm sẽ mất uy tín. Ngay cả, PVF - họ dư tiềm lực để chơi V-League nhưng vẫn chỉ chú tâm làm bóng đá trẻ là đủ hiểu".
“Bầu Đức” ở futsal phong trào
Không chỉ trùng tên với bầu Đức (HAGL), ông Nguyễn Phú Đức ở đội Metro FC là một điển hình làm bóng đá futsal phong trào một cách căn cơ. Cầu thủ là thành viên của Metro FC được đầu tư chu đáo không chỉ để phát triển chuyên môn mà còn nâng chất về văn hóa. Ngoài việc tập luyện ban ngày, họ được học tiếng Anh miễn phí vào mỗi buổi tối.
Ông Đức nói: “Tôi gầy dựng Metro FC từ lúc mình còn khó khăn, sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền vì muốn thỏa niềm đam mê của mình. Nhưng càng làm tôi càng bị cuốn hút theo dòng chảy bởi nhận ra nó là hơi thở đời sống hợp với người trẻ. Càng gần gũi với cầu thủ, tôi nhận ra rằng họ không chỉ cần nâng chất về chuyên môn mà phải nâng chất về chất xám. Tôi đã biết rõ cái hậu của đời cầu thủ vì thế, chúng tôi rất trân quý những cầu thủ ham học. Đó là hành trang tốt cho họ khi giã từ nghiệp quần đùi áo số. Slogan của Metro FC là: Not Just A Team - Không chỉ là một đội bóng, bởi từ đội bóng này, chúng tôi muốn giúp các bạn trẻ học hành và định hướng cho họ khi bước vào đời”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.