Đại hội VFF càng chậm trễ càng gây nhiều hệ lụy

27/09/2018 10:44 GMT+7

Việc Đại hội Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) khóa 8 chưa thể được tổ chức có thể làm ảnh hưởng lớn đến hoạch định trước mắt của bóng đá VN cũng như trong tương lai gần.

Vẫn cứ phải chờ…
Đại hội VFF khóa 7 diễn ra vào tháng 3.2014 và nếu theo đúng lịch trình nhiệm kỳ 4 năm, Đại hội khóa 8 phải được tiến hành cách đây 7 tháng, hoặc cùng lắm chậm hơn 1 - 2 tháng (đến khoảng tháng 5.2018). Tuy nhiên, đã sắp bước sang quý 4 của năm 2018, VFF vẫn chưa thể ấn định thời điểm tổ chức do phải chờ một số thủ tục cần thiết liên quan đến ứng viên vị trí chủ chốt.
Sau nhiều suy xét “cân đi tính lại”, dứt khoát phải “cài” người quản lý trực tiếp VFF để mọi việc chuyển động theo đúng quỹ đạo, mãi đến đầu tháng 8 vừa qua, Bộ VH-TT-DL đã chính thức đồng ý giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải ra ứng cử chức Chủ tịch VFF khóa 8. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn lãnh đạo bộ là ứng viên duy nhất cho chức danh này. Cách đây 2 ngày, Thứ trưởng Lê Khánh Hải khẳng định ông sẽ không rút lui mà sẵn sàng tham gia tranh cử nhưng dĩ nhiên còn phụ thuộc sự chấp thuận của cơ quan cấp trên.
Đã sắp hết tháng 9 nhưng VFF cũng chưa thể có văn bản trình Bộ Nội vụ về danh sách nhân sự sẽ được bỏ phiếu tại đại hội vì các cấp có thẩm quyền còn phải xem xét hồ sơ của Thứ trưởng Lê Khánh Hải. Một lãnh đạo Bộ
VH-TT-DL cho biết: “Vì công tác nhân sự cho đại hội VFF có nhân vật ứng viên chủ chốt là thứ trưởng của bộ nên mọi việc phải theo đúng trình tự. Chỉ khi nào có văn bản chuẩn y ở cơ quan cấp trên thì mọi việc mới tiến hành như dự định”.
Chia sẻ với Báo Thanh Niên vào ngày 26.9, một thành viên ban tổ chức đại hội VFF cho hay từ nhiều tháng nay, các tiểu ban như lễ tân, hậu cần, tài chính vẫn xúc tiến các công tác chuẩn bị, nhưng vẫn phải chờ khâu quan trọng nhất là tiểu ban nhân sự chốt lần cuối danh sách đã được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Theo vị này, với tình hình chậm trễ trên, chắc chắn giữa tháng 10 không thể kịp đại hội mà “nguy cơ” phải dời đến cuối tháng 10 hoặc sang tháng 11, thậm chí cũng chưa biết có chắc diễn ra trong năm nay không khi trước mắt có rất nhiều sự kiện dồn dập như AFF Cup, Đại hội TDTT toàn quốc rồi vòng chung kết Asian Cup sẽ “hút” mọi sự tập trung và chú ý của Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT, VFF lẫn các bộ phận chức năng cho các hoạt động này.
Theo kế hoạch, nhiệm kỳ 8 sẽ bắt đầu từ tháng 3.2018 - 3.2022. Vô hình trung, nhiệm kỳ này coi như mất hẳn gần một năm do đại hội phải hoãn khá nhiều lần.
“treo việc” chờ người !
Việc chưa thể tiến hành đại hội còn gây ra hệ lụy khác khi bộ máy đầu não của VFF đang hoạt động ì ạch, nhiều bộ phận của tổ chức liên đoàn đang “treo” để chờ người mới về quản lý hoặc làm theo kiểu đối phó chủ yếu ngóng tin để xem ai sẽ chỉ đạo chính công việc của mình trong thời gian tới.
Vì lý do sức khỏe từ gần 2 năm qua, Chủ tịch VFF đương nhiệm Lê Hùng Dũng đã không trực tiếp tham gia quản lý mọi hoạt động cả bề nổi lẫn chiều sâu của VFF, dù ông vẫn giữ trách nhiệm phê duyệt, chỉ đạo khi cấp dưới trình lên. Phó chủ tịch tài chính tài trợ Đoàn Nguyên Đức bấy lâu nay cũng gần như “ở ẩn”, ít tham gia một số công việc lớn của VFF. Bộ phận truyền thông cũng không còn lãnh đạo kể từ ngày ông Nguyễn Xuân Gụ xin từ chức khỏi ghế phó chủ tịch. Suốt từ đầu năm đến giờ, VFF “chìm ngập” trong khối lượng công việc khổng lồ mà Phó chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn phải đứng ra cáng đáng hầu hết. Tổng thư ký Lê Hoài Anh, người đứng đầu bộ phận điều hành, cũng phải quán xuyến quá nhiều thứ. Thường vụ VFF trên thực tế chỉ còn rất ít người làm việc.
Nhìn bộ máy VFF hiện tại, một ứng viên phó chủ tịch truyền thông cho biết: “Với việc mọi thứ dồn vào vài người như vậy, thử hỏi làm sao kham hết nhiều vấn đề nóng bỏng của bóng đá VN. Ngoài quan hệ quốc tế, tổ chức các đội tuyển nam, nữ và các đội tuyển U, còn phần nào đảm bảo thông suốt và các phần việc khác, VFF cứ phải vừa chạy vừa xếp hàng, thiếu người có “tầm” bám sát và quán xuyến chặt chẽ các mảng như trọng tài, tổ chức thi đấu, bóng đá phong trào. Do đó, đã xảy ra hàng loạt vụ việc đáng tiếc như nhiều sự cố về trọng tài hay thay đổi lịch thi đấu sao cho đảm bảo hợp lý và công bằng thì có cảm giác VFF phó mặc cho VPF hành xử nhiều lúc chưa khách quan, gây mất lòng tin khi điều hành V-League”.
Nhiều ứng viên “nguội lạnh” vào VFF
Trong bối cảnh phải chờ cơ quan chức năng “bấm nút” cho VFF tổ chức đại hội vào thời điểm chính xác nào, không chỉ ngành thể thao và VFF sốt ruột mà một số ứng viên cũng có cảm xúc tương tự. Trong những ngày qua, nhiều ứng viên chức danh Phó chủ tịch tài chính tài trợ như ông Nguyễn Hoài Nam, Phạm Thanh Hùng hay Phó chủ tịch truyền thông như ông Cao Văn Chóng, Lương Hoàng Hưng cho hay, họ rất muốn gặp gỡ truyền thông và giới chuyên môn trình bày cương lĩnh hành động; hay như ông Trần Văn Liêng muốn nói thêm về những gì trước đây đã từng trình bày nhưng chưa thể vì phải có ngày tổ chức đại hội trước. Dù từng người đã có sự chuẩn bị đầy đủ công việc cụ thể của mình cũng như định hướng hoạt động của nhiệm kỳ sẽ tham gia để góp sức nâng tầm bóng đá VN, nhưng việc phải dài cổ chờ “phát pháo” lệnh tuy không nói ra khiến trong lòng họ cũng trở nên “nguội lạnh”.
Sắp tới đây, bóng đá VN có rất nhiều hoạt động, giải đấu quan trọng, không chỉ là những giải như vòng chung kết U.19 châu Á, AFF Cup 2018 mà quan trọng là trong năm 2019 với vòng loại U.23 châu Á tranh suất vào vòng chung kết giành vé đi Olympic Tokyo, vòng chung kết Asian Cup tháng 1.2019 hay SEA Games vào tháng 11 tại Philippines.
Việc chậm trễ Đại hội khóa 8 có thể làm ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị của VFF và các đội tuyển cho những kế hoạch này. Chưa kể, nếu thời gian cứ tiếp tục bị trì hoãn, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) có thể có văn bản nhắc nhở và phạt VFF, vì Liên đoàn Bóng đá thành viên nếu chậm trễ tổ chức đại hội nhiệm kỳ là vi phạm quy định của FIFA.
 
Một ứng viên phó chủ tịch tài chính tài trợ cho hay bất cứ đơn vị nào, dù là sự nghiệp hay hoạt động kinh doanh thì thời điểm tháng 10 hằng năm phải là lúc thống nhất và hoàn thiện mọi phương hướng, mục tiêu cụ thể cho năm tới. Với VFF, để làm điều đó một cách hiệu quả và có trách nhiệm cao trước người hâm mộ, lẽ ra chính bộ máy mới của VFF phải là những người vạch chiến lược, thực thi để đạt mục tiêu đề ra. Như thế bóng đá VN mới có lộ trình để biết làm gì, đạt đến kết quả nào trong năm 2019. Tuy nhiên, hiện nay bộ máy mới chưa có, bộ máy cũ thì gần như “tê liệt”, thử hỏi làm sao bóng đá VN khá lên nổi. (T.K)
Một quan chức ngành TDTT cho hay: “Tại Đại hội khóa 7 vào năm 2014, VFF đã đặt rất nhiều mục tiêu, từ ưu tiên cho công tác đào tạo bóng đá trẻ, bóng đá nữ; bóng đá phong trào cho đến một số thành tích cụ thể của các đội tuyển quốc gia; xác định VFF phải tự chủ về tài chính, nguồn thu đạt 100 - 130 tỉ đồng/năm, nguồn thu của VPF đạt khoảng 100 tỉ đồng/năm, mỗi CLB chuyên nghiệp trung bình đạt từ 40 - 50 tỉ đồng/năm.
Nếu đại hội đúng kỳ hạn, VFF đã có thể tiến hành tổng kết từ cuối quý 1 năm nay và báo cáo đã thực hiện được những mục tiêu nào, còn dang dở những gì, và đặc biệt sẽ kiến nghị các yêu cầu nào, đề xuất với ngành những vấn đề cụ thể ra sao để ngành sớm định liệu, đưa vào kế hoạch năm để xử lý, giải quyết. Chúng tôi biết, VFF khóa này vẫn đang cố gắng hết sức để hoàn tất các phần việc đã được ban chấp hành đề ra. Tuy nhiên, bộ máy lãnh đạo VFF hiện không đầy đủ nên đang dẫn đến tình trạng bị quá tải công việc”.
[VIDEO] ĐÁNH NHAU CHẾT NGƯỜI KHIẾN GIẢI VĐQG INDONESIA BỊ HOÃN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.