Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và hồi ức về cố HLV Weigang

19/06/2017 15:18 GMT+7

Là phiên dịch viên cho HLV Karl-Heinz Weigang tại Tiger Cup 1996, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan ông Nguyễn Tất Thành vẫn đọng mãi những ký ức về ông thầy người Đức, người thầy lớn của bóng đá Việt Nam.

HLV Karl-Heinz Weigang được xem là thầy của rất nhiều thế hệ danh thủ, HLV. Ông được coi như là một trong những tiên phong “phá đá mở đường”, bằng tình cảm của mình dẫn luồng kiến thức mới mẻ về cho bóng đá Việt Nam thuở vừa hội nhập.
Năm 1996, ông Nguyễn Tất Thành khi đó đang làm việc tại Bộ ngoại giao, được đề nghị làm phiên dịch cho HLV Karl-Heinz Weigang tại Tiger Cup diễn ra tại Singapore.
Trước sự ra đi của HLV Weigang (13.6.2017), Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan là ông Nguyễn Tất Thành chia sẻ cùng Thanh Niên một số mẩu chuyện về ông thầy người Đức.
Là phiên dịch viên, hiển nhiên ông Tất Thành luôn sát cánh như bóng với hình với ông thầy người Đức, đặc biệt ở những không gian rất ít người được có mặt như phòng thay đồ trước trận.
“Ông Weigang giải thích cặn kẽ cho từng cầu thủ: tại sao anh đá trận này, hay tại sao không? Phần lớn các cầu thủ biết trước mình sẽ đá bao lâu ở trận nào, vì sao.
Mỗi cầu thủ đều biết rõ HLV mong đợi điều gì ở mình. Ông Weigang biết từng cầu thủ muốn gì và cần gì.
Ngay trước trận đấu quyết định với Myanmar, ông chạy theo Hồng Sơn vào sân nói: “Cố lên, nếu muốn tôi sẽ giúp anh đi đá ở nước ngoài”.
Hầu hết các cầu thủ, nhất là Văn Phụng và Công Minh rất biết ơn ông Weigang vì điều đó”, ông Thành nhớ lại.
Hiểu tâm lý học trò, nhưng đúng tính cách của một người Đức ông Weigang rất cứng rắn để bảo vệ đội bóng.
Tờ giấy ghi chú chiến thuật trận Việt Nam thắng Myanmar 4-1 tại Tiger Cup 1996 Nhân vật cung cấp
Đại sứ vẫn còn nhớ như in: “Ông Weigang kiệm lời nhưng quyết liệt khi cần. Khi họp với Ban tổ chức, ông gay gắt đòi công bằng cho đội mình.
Có người của Ban tổ chức gặp riêng nói, “Năm ngoái (SEA Games Chieng Mai 1995), đội Việt Nam chỉ may mắn thôi!”. Ông Weigang trả lời: “Năm nay cũng sẽ vậy!”.
Nếu tôi nhớ không lầm thì cả giải có một lần duy nhất ông Weigang nhảy cẫng lên vui sướng nhưng không có phóng viên nào chụp được ảnh. Đó là thời điểm Việt Nam dẫn Indonesia 3-1 ở trận tranh giải ba”.
Cũng theo ông Tất Thành, HLV Weigang đã làm rất ổn thỏa câu chuyện rất nhạy cảm là chia tiền thưởng. Về cơ bản, ông chia tiền thưởng cho các cầu thủ theo thời gian đá trên sân. “Họ rất bằng lòng về điều này”, ông Thành cho biết.
Nói như Đại sứ Nguyễn Tất Thành, ông Weigang tự biết vị thế của mình, mặc dù mãi tới sau khi sang Singapore, ông mới biết người ta đã quyết định cho ông nghỉ ngay sau giải.
Tấm giấy lưu niệm chữ ký toàn tuyển Việt Nam sau Tiger Cup 1996 Nhân vật cung cấp
Kỷ niệm buồn nhất, theo ông Thành: “Đúng thời gian Tiger Cup, biết tin anh trai qua đời, ông Weigang khóc rưng rức trước mặt tôi. Nhưng có người vẫn bảo, ông ấy giả vờ. Chỉ có trưởng đoàn Tô Hiền đến gặp riêng chia buồn với ông.
Khi ông Tô Hiền tại một cuộc họp kéo dài đến khoảng 2 giờ sáng xin cho mấy cầu thủ bị nghi bán độ ở lại lập công chuộc tội, ông Weigang đồng ý. Trưởng đoàn Tô Hiền có một báo cáo tường trình đầy đủ mọi chuyện, chỉ tiếc ông đã ra đi rất sớm”.
Tiger Cup 1996 là giải đấu với rất nhiều buồn vui lẫn lộn, nổi bật với câu chuyện “Quê hương là chùm khế ngọt” của trưởng đoàn Tô Hiền.
Nhưng đối với Đại sứ Nguyễn Tất Thành, đó là một trải nghiệm đặc biệt, khẳng định sự trở lại cũng như vị thế của Việt Nam giai đoạn hội nhập.
Từ tấm huy chương bạc tại SEA Games Chieng Mai 1995 đến huy chương đồng Tiger Cup 1996, không ai bảo đó là may mắn nữa. Thành công đó, có dấu ấn rất lớn của HLV Weigang.
“Sau Tiger Cup tôi đi mua báo, cô chủ sạp không lấy tiền. Còn khi đi uống cafe, ông chủ nhất định mời. Dân ta yêu bóng đá vô cùng, và cũng rất công bằng với những người tâm huyết với bóng đá Việt Nam", ông Thành khép lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.