“Đi đêm” trong bóng đá Việt Nam

28/09/2010 08:35 GMT+7

Chuyện đội bóng “đi đêm” với cầu thủ trong làng bóng đá Việt Nam đã làm khổ không ít câu lạc bộ, làm đau đầu các HLV mỗi khi bước vào những thời điểm quan trọng của mùa giải.

Bầu Thắng từng "thuyết phục" tiền vệ Minh Phương về ĐT.LA khi cầu thủ này còn hợp đồng với CSG

Chuyện đội bóng “đi đêm” với cầu thủ trong làng bóng đá Việt Nam đã làm khổ không ít câu lạc bộ, làm đau đầu các HLV mỗi khi bước vào những thời điểm quan trọng của mùa giải.

Cùng với hiện tượng này là những dòng tiền ngồn ngộn chảy theo lộ trình rất bí ẩn. Những chuyến đi “săn” kín đáo của các đội bóng nhà giàu cùng sự phớt lờ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam khiến tình trạng này trở thành một chuỗi kéo dài không dứt. Thanh Niên Tin nhanh Thể thao có loạt bài “Đi đêm” trong bóng đá Việt Nam nhằm mổ xẻ vấn đề này

“Đi đêm” là khái niệm đã có từ lâu trong bóng đá thế giới. Chuyện một số đội bóng lớn ở các giải bóng đá Anh, Ý hay Tây Ban Nha bị phạt nặng vì “đi đêm” với cầu thủ từng là những chủ đề rùm beng, khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Trong bóng đá Việt Nam, chuyện “đi đêm” của các đội bóng cũng đã có từ lâu nhưng không phải ai cũng hiểu hết khái niệm này.

“Đi đêm” nghĩa đen có nghĩa là một đội bóng đã liên hệ trực tiếp để chiêu mộ cầu thủ mà không thông qua đội bóng chủ quản, trong thời điểm trước khi cầu thủ đó hết hợp đồng 6 tháng (theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp). Điểm 3, Điều 26 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp do LĐBĐVN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: “Cầu thủ chỉ có thể được ký kết hợp đồng với một CLB khác khi hợp đồng với CLB hiện thời đã hết hạn hoặc sẽ hết hạn trong vòng 6 tháng mà hai bên không quyết định gia hạn hay ký tiếp. Trước khi ký hợp đồng lao động với cầu thủ, CLB phải tiến hành các bước điều tra cần thiết và phải thông báo bằng văn bản cho CLB hiện thời của cầu thủ trước khi tiến hành thương thảo với cầu thủ đó, văn bản này phải được gửi đồng thời tới LĐBĐVN”.

Những biểu hiện của việc “đi đêm” trong bóng đá Việt Nam được thể hiện dưới nhiều hình thái. Chẳng hạn, một đội bóng bí mật liên hệ với cầu thủ không cho đội bóng chủ quản biết, hứa đưa ra mức lót tay cao để lôi kéo và 2 bên có một bản hợp đồng “nháp” (thường gọi là “ký nháy”). Hay như đội bóng thông qua một mối quan hệ nào đó như cầu thủ ngoại đồng hương, hay người thân, bạn bè, HLV cũ của cầu thủ đó để tác động.

“Bóng đá Việt Nam đang ngày càng khan hiếm những cầu thủ nội lẫn ngoại chất lượng. Trong thời buổi được xem là “củi châu gạo quế” hiện nay, các đội bóng sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền tỉ để chiêu mộ cầu thủ. Việc cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt giữa những túi tiền khổng lồ của các ông bầu. Chính vì vậy, đội bóng nào cũng muốn mình là người đầu tiên liên hệ với cầu thủ, để chứng tỏ được thành ý của mình. Vì muốn là người “đi sớm, về sớm” nên một số đội bóng “đi đêm” với cầu thủ từ rất sớm, bất chấp điều đó là vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp”, một chuyên gia trong làng bóng đá Việt Nam phân tích.

Câu chuyện về một đội bóng “đi đêm” với cầu thủ được nhiều người biết đến đầu tiên ở bóng đá Việt Nam chính là trường hợp của ĐT.LA và tiền vệ Minh Phương. Năm 2002, Minh Phương đang khoác áo TMN.CSG đã chơi rất hay trong màu áo ĐTQG tại Tiger Cup. Anh chính là người ghi bàn quyết định giúp Việt Nam đánh bại Malaysia trong trận tranh huy chương đồng. Tài năng và tên tuổi của Minh Phương lập tức lọt vào mắt “bầu” Thắng của ĐT.LA. Không chần chừ, “bầu” Thắng lập tức bỏ công sức sang tận Malaysia để thuyết phục Minh Phương. Đồng ý về ĐT.LA với mức “lót tay” 400 triệu đồng, Minh Phương phải đứng trước cuộc chiến pháp lý dữ dội giữa 2 đội bóng. TMN.CSG kiên quyết đấu tranh tới cùng vì Minh Phương vẫn còn hợp đồng lao động với mình. Cuối cùng, chính Minh Phương là người phải lãnh hậu quả khi anh bị LĐBĐVN đình chỉ thi đấu 6 tháng (sau được giảm án xuống còn 3 tháng và thi đấu cho ĐT.LA từ giai đoạn 2 V-League 2003).

Sau Minh Phương, đến lượt tiền vệ Trường Giang nổi đình nổi đám với phi vụ chuyển nhượng về Bình Dương với mức “lót tay” 1 tỉ đồng năm 2003. Thời điểm này, Trường Giang là một cái tên quá nổi bật và nhiều đội bóng như HA.GL, NHĐA, Đà Nẵng tranh giành nhau để có được chữ ký. Tưởng như cuộc cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt chưa có điểm dừng thì đột ngột Bình Dương tuyên bố đã có được Trường Giang. Hóa ra, trong khi các “đại gia” khác chậm chân thì Bình Dương đã sớm liên hệ với Trường Giang, đưa ra những mức đãi ngộ hấp dẫn về nhà cửa, mức lương khiến Trường Giang phải xiêu lòng.

Để mất Trường Giang, CLB Tiền Giang thời điểm đó chỉ biết ngửa mặt than trời, bởi Bình Dương có sức mạnh tài chính vượt trội lại đi sớm hơn một bước. Mặt khác, thời điểm đó hệ thống luật của bóng đá Việt Nam còn chưa chặt chẽ nên việc kiện cáo cũng không phải dễ giành phần thắng. Cuối cùng, đội bóng sông Tiền cũng đành ngậm ngùi để cho Trường Giang ra đi. Đó chỉ là những trường hợp điển hình được dư luận biết đến thông qua báo chí. Chuyện “đi đêm” trong làng bóng Việt Nam mùa bóng nào cũng có với những hình thái khác nhau và thường diễn ra rất kín đáo, như với nghĩa đen của từ “đi đêm” vậy. Cuối mùa bóng 2008, K.Khánh Hòa từng tuyên bố sẽ kiện V.Ninh Bình vì “đi đêm”với 4 cầu thủ  Trọng Bình, Tấn Điền, Hữu Chương và Đức Hùng. Chủ tịch Lê Tiến Anh của đội bóng phố biển cho rằng chính vì V.Ninh Bình “đi đêm” với nhóm cầu thủ này mà thành tích của K.Khánh Hòa tụt dốc ở giai đoạn cuối V-League 2008.

Đồng thời, K.Khánh Hòa bị “chảy máu” lực lượng nghiêm trọng sau quá trình tuyển chọn nhân lực rất vất vả. Cuối cùng, dù K.Khánh Hòa tuyên bố gửi đơn lên LĐBĐVN kiên quyết làm cho ra chuyện, nhóm cầu thủ này cuối cùng cũng cập bến V.Ninh Bình, vụ việc cũng chìm vào im lặng. Sau đó, có thông tin cho rằng sở dĩ K.Khánh Hòa không muốn làm tới cùng là vì sợ bị trù dập, không yên ổn khi thi đấu ở V-League. 

Một vụ việc khác sau đó ít được nhiều người biết đến liên quan đến tiền đạo Lazaro khi khoác áo QK4 ở V-League 2009. Trong giai đoạn đầu của mùa giải 2009, Lazaro liên tiếp ghi bàn, giúp đội bóng áo lính  bất ngờ có mặt ở tốp đầu giữa mùa. Với sự tỏa sáng của Lazaro, QK4 được đánh giá tiếp tục trở thành hiện tượng ở lượt về. Thế nhưng sau đó, HLV Vũ Quang Bảo phải nước mắt ngắn dài vì bộ ba ngoại binh, trong đó có Lazaro bỗng dưng “tắt điện” ở nửa sau mùa giải, khiến QK4 trượt dài trên bảng xếp hạng và sau đó chỉ có thể trụ hạng ở vòng đấu cuối cùng. Cho đến bây giờ, khi nhắc lại chuyện này HLV Vũ Quang Bảo vẫn còn cho biết đó là nỗi kinh hoàng đối với ông kể từ khi bước vào sự nghiệp huấn luyện.

Kỳ 2: QK4 kinh hoàng vì bị “xẻ thịt”

Di Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.