Đi tìm 'thuyền trưởng' U.23 Việt Nam: Từ Guillaume đến Miura

31/12/2014 13:09 GMT+7

(TNO) Từ việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ cử các cầu thủ U.19 của Học viện HAGL Arsenal JMG (có tăng cường) tham dự SEA Games 2015, câu hỏi lớn được đặt ra: ông 'thầy' ruột của lứa cầu thủ này, nhà cầm quân người Pháp Guillaume Graechen hay thầy Nhật Toshiya Miura mới là người cầm quân cuối cùng?

(TNO) Từ việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ cử các cầu thủ U.19 của Học viện HAGL Arsenal JMG (có tăng cường) tham dự SEA Games 2015, câu hỏi lớn được đặt ra: ông 'thầy' ruột của lứa cầu thủ này, nhà cầm quân người Pháp Guillaume Graechen hay thầy Nhật Toshiya Miura mới là người cầm quân cuối cùng?

>> Cặp bài trùng Miura và Guillaume - Tại sao không?
>> HLV Guillaume Graechen sẵn sàng nắm U.23 Việt Nam
>> HLV Guillaume: 'Tôi chỉ lên tuyển U.23 Việt Nam nếu làm HLV trưởng

 
HLV Guillaume Graechen (đầu tiên bên phải) thích lối đá kỹ thuật, bay bướm, thậm chí phảng phất màu sắc "vẽ vời" - Ảnh: Độc Lập

Câu hỏi này tưởng như thừa bởi hợp đồng giữa VFF và HLV Miura có điều khoản quy định nhà cầm quân người Nhật sẽ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014, 2016 và tuyển U.23 quốc gia tại SEA Games 2015. Ngay cả việc thời gian đội tuyển U.23 đá SEA Games trùng với thời gian đội tuyển quốc gia đá vòng loại World Cup 2018 cũng không phải là vấn đề chính, đủ sức thuyết phục để gạt ông Miura khỏi vị trí dẫn dắt đội tuyển U.23 như điều khoản của hợp đồng.

Bởi vì, với thực lực của bóng đá Việt Nam hiện nay thì rõ ràng SEA Games, chứ không phải vòng loại World Cup mới là mục tiêu trọng điểm, và trong quá khứ khi phải đứng trước những sự lựa chọn thì các HLV tiền nhiệm của Miura như Riedl, Calisto, Falko Goetz cũng đều được tạo điều kiện để chọn mục tiêu trọng điểm.

Vấn đề nằm ở chỗ lứa U.19 HAGL xưa nay gắn liền HLV Guillaume Graechen và rất dễ nhìn thấy sự khác biệt điển hình giữa ông thầy người Pháp với thầy Nhật Miura. Nó không đơn thuần là những khác biệt vui vẻ như cái cách một nhà báo đã viết trong một chuyên mục mang tính giải trí: ông Guillaume đầu tròn, ít tóc, không đeo kính còn ông Miura nhiều tóc và luôn phải nhìn trận đấu qua một cái kính trắng.

Sự khác biệt quan trọng nằm ở triết lý bóng đá: Ông Guillaume thích lối đá kỹ thuật, bay bướm, thậm chí phảng phất màu sắc "vẽ vời" còn ông Miura thích đá nhanh, đá gọn, đá đơn giản. Ông Guillaume trong một thời điểm nào đó luôn khuyến khích các cầu thủ thực hiện những tình huống tấn công "điên rồ" còn ông Miura lại đặt kế hoạch, kỷ luật và lối chơi tập thể lên cao nhất.


HLV Toshiya Miura (bìa trái) có phong thái điềm đạm nhưng thích lối thích đá nhanh, đá gọn, đá đơn giản - Ảnh: Khả Hòa

Hãy thử tưởng tượng, cả một lứa U.19 suốt 7 năm liền được dẫn dắt và nhào nặn bởi Guillaume giờ được "chuyển tay" cho Miura rồi sẽ phải đối diện với một thực tế như thế nào? Ở đây, sự phát triển, nếu không muốn nói là chỉ có thể hy vọng vào một đội tuyển "xuôi chèo mát mái" nếu xảy ra 2 trường hợp sau: thứ nhất, các cầu thủ U.19 sớm thay đổi mình để phù hợp với triết lý mới và thứ hai, HLV Miura thay đổi hoặc dung hòa triết lý của mình để phù hợp với các tuyển thủ.

Thế nhưng không khó thấy rằng cả hai trường hợp này đều rất khó diễn ra. Đã có người nghĩ tới một phương án mang tính trung hòa, đó là ông Miura làm HLV trưởng theo đúng hợp đồng còn ông Guillaume làm trợ lý. Không cần đợi tới khi một con người gai góc, giàu cá tính như Guillaume công khai từ chối người ta cũng có thể đoán trước: đấy là một phương án mang tính viễn tưởng.

Phương án hợp lý duy nhất bây giờ là: Đã "đâm lao" thì phải "theo lao". Nghĩa là, đã dùng U.19 thì tất yếu phải dùng Guillaume Graechen. Khi ấy nói chuyện với Miura - một người vốn rất tỉ mỉ, kỹ càng trong quá trình soạn thảo hợp đồng và chắc chắn cũng sẽ rất cương quyết, về việc thay đổi những điều khoản hợp đồng như thế nào lại là chuyện của những cao nhân ở VFF.

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.