Doanh nghiệp hóa đội bóng: Chuyện không đáng lo!?

03/08/2010 08:34 GMT+7

Hạn chót 31.8 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) bắt buộc các câu lạc bộ (bất kể thứ hạng) phải chuyển đổi sang cơ chế doanh nghiệp đang đến gần.

Mối bận tâm lớn nhất của CS. Đồng Tháp giờ đây là làm sao giữ chân được tiền vệ Được Em (trái) - Ảnh: Bạch Dương

Hạn chót 31.8 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) bắt buộc các câu lạc bộ (bất kể thứ hạng) phải chuyển đổi sang cơ chế doanh nghiệp đang đến gần.

Tới thời điểm này, vẫn còn tới 8 câu lạc bộ ở V- League và hạng Nhất chưa hoàn thành việc chuyển đổi này. Không có sự nhân nhượng từ VFF, nhưng chắc chắn, các đội bóng cũng đủ chiêu để “chiều” lòng các nhà quản lý.

Bình chân như vại

“Chúng tôi đã có lộ trình chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, việc đó sẽ được thực hiện trước thời hạn quy định. Chẳng phải chúng tôi vẫn đang nhận tài trợ từ Tập đoàn cao su Việt Nam đó sao”, GĐĐH đội CS.ĐT, ông Lê Ngọc Chức, quả quyết.

“Nếu Megastar đồng ý với phương án chúng tôi nêu ra, chỉ cần nửa tháng là hoàn thành dứt điểm”, đồng chủ tịch CLB Nam Định, Nguyễn Hưng Thái, phát biểu khi thông tin về việc nhà tài trợ Megastar chấm dứt hợp đồng tài trợ với đội bóng đã được công khai, và M.NĐ vừa chính thức xuống hạng.

“Chúng tôi hiện có không dưới 5 doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận đội bóng, nhưng quyết định trao cho ai lại là vấn đề cần phải bàn bạc kỹ. Gấp thì gấp, cũng không thể gả bán vội vàng được”, đại diện đội bóng LS.TH (đề nghị giấu tên) cho biết.

Đó là 3/8 đội bóng hiện vẫn chưa chuyển sang mô hình doanh nghiệp, và tới đây nếu không thực hiện đúng lộ trình VFF quy định, họ có thể phải xuống hạng.

Ở thời điểm này, việc tìm hiểu quan điểm của VFF đối với những khả năng có thể xảy ra một khi các đội bóng không kịp chuyển đổi là… “nhiệm vụ bất khả thi”.

Có kịp không?

M.NĐ đã chắc chắn xuống hạng, và nhà tài trợ Megastar cũng có công văn đề nghị chấm dứt hợp đồng giữa đôi bên. Bởi vậy, trường hợp của M.NĐ được coi như đã rồi!

Còn với hai đội bóng V- League còn lại? Ông Chức không tiết lộ kế hoạch chi tiết và thời điểm cụ thể công bố quyết định thành lập doanh nghiệp bóng đá CS.ĐT, nhưng quả quyết mọi giấy tờ cần thiết đã được đặt trên bàn làm việc của ông từ lâu. Theo đó, một công ty cổ phần bóng đá với 51% vốn do Tập đoàn cao su Việt Nam nắm giữ sẽ ra đời trong nay mai. Đây là một phần của biên bản ghi nhớ được nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Hân và TGĐ Tập đoàn cao su Việt Nam Lê Ngọc Thung ký kết trước đó.

Vị GĐĐH tương lai của công ty cổ phần bóng đá CS.ĐT cũng khẳng định mối lo của đội lúc này là giữ chân những Được Em, Duy Khanh, Văn Mộc, Minh Triết – mỗi cầu thủ sẽ nhận “lót tay” tròm trèm 2 tỉ đồng/người – chứ không phải “chuyện nhỏ kia”.

Tương tự, một đại diện của LS.TH cho biết: “Đội có thể được giao cho Hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đứng tên quản lý, nguồn ngân sách của nhà tài trợ trước kia cho đội bóng sẽ có doanh nghiệp tới đây tiếp nhận”.

LS.TH cũng không quá lo lắng chuyện thành lập công ty cổ phần, khi mà tài sản của đội bóng, tính trên cơ sở vật chất và giá trị chuyển nhượng cầu thủ, cũng ngót 500- 700 tỉ đồng. Có điều, bài học từ việc giao - nhận cho Xi măng Công Thanh vẫn còn nóng hổi, nên lãnh đạo tỉnh Thanh vẫn còn chần chừ, cân nhắc. Và như lời HLV Vũ Trường Giang, “tâm trí của đội lúc này là suất play-off chứ không phải thành lập công ty”.

Cứ như những gì đại diện các đội bóng khẳng định, có lẽ thời hạn 31.8 tới đây không quá gấp gáp như nhiều người lo sợ. Bởi thực tế, chính các đội bóng đang phải đối mặt với những mối lo lớn hơn, thực tế và đau đầu hơn là chuyện “chuyển đổi mô hình doanh nghiệp” để chiều theo yêu cầu của VFF.

Trọng Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.