Đội tuyển Việt Nam: Trợ lý Lee Young-jin 'lấn át' HLV trưởng Park Hang-seo?

12/11/2017 11:00 GMT+7

Gây ấn tượng sâu sắc cho các phóng viên thể thao Việt Nam (VN) không chỉ có HLV trưởng Park Hang-seo mà còn cả trợ lý Lee Young-jin (54 tuổi), người từng tham dự hai kỳ World Cup 1990 và 1994 khi khoác áo tuyển thủ Hàn Quốc.

Trợ lý nói nhiều hơn HLV trưởng
Ngày đầu tiên đội tuyển tập trung, ông Lee Young-jin ra sân từ khá sớm, cùng các trợ lý người Việt “bài binh bố trận” với các dụng cụ tập luyện trên khắp mặt cỏ, đợi HLV trưởng. Trong khi thầy Park có thái độ “thăm dò” cầu thủ bằng sự im lặng để quan sát thì ông Lee như một hoạt náo viên. Buổi tập khởi động bỗng dưng trở nên ồn ào bởi những tiếng la hét bằng tiếng Hàn Quốc của ông. Chưa hết, ông Lee còn vỗ tay đều đặn để giữ nhịp bước chân cầu thủ.
Các ngày tập tiếp theo cũng ồn ào náo nhiệt như thế. Người ta quen dần với những lời thúc giục của ông Lee. Ông luôn chân luôn tay và lạ một nỗi ông nói khá nhiều, hò như hò đò nhưng khuôn mặt luôn tươi cười, tỏa ra một thứ năng lượng tích cực. Nếu thầy Park đôi khi còn cáu kỉnh thì ông Lee lại mềm mỏng hơn nhưng không kém phần quyết liệt. Ở những bài tập chiến thuật, có cảm giác đội tuyển sở hữu cùng lúc hai... HLV ngoại. Đội hình của ông Park học cách chống phản công, còn đội do ông Lee “dẫn dắt” thì rèn cách tấn công sao cho hiệu quả. Nhịp điệu các buổi tập luôn diễn ra rất sống động.
Trước khi đội tuyển tập trung chuẩn bị cho trận lượt về vòng loại Asian Cup 2019, ông Park giao cho trợ lý đồng hương đi xem hai trận đấu tại V-League. Một trong bốn tân binh lên tuyển đợt này do đích thân ông Lee lựa chọn: tiền vệ Đỗ Văn Thuận của CLB Sài Gòn, và nhiều khả năng sẽ là tân binh duy nhất được ra sân đội hình xuất phát ở trận đấu gặp Afghanistan vào tối 14.11. Khi làm công tác tuyển trạch, ông Lee đã ghi chép rất tỉ mỉ, sau trận đấu trên sân Thống Nhất đã xuống tận nơi, hỏi Chủ tịch CLB Nguyễn Giang Đông rất nhiều điều về Thuận, bao gồm cả chuyên môn lẫn chuyện cuộc sống. Trong đó có một câu: Cậu này có ngoan không, có phải người tử tế với đồng đội và những người xung quanh không?

tin liên quan

HLV Otto Pfister - ‘Già làng’ trong bão đạn Afghanistan
Ở tuổi 79, rất nhiều người đã an nhàn hưởng tuổi già và dành quãng đời còn lại để quây quần bên con cháu hoặc tưởng nhớ về dư âm của một thời tuổi trẻ huy hoàng. Nhưng với Otto Pfister, ông vẫn chọn cho một mảnh đất mới đầy thách thức. Đó là Afghanistan, nơi mà bóng đá đứng trong lằn ranh của sự sống và cái chết.
Ông Lee là mẫu người của “tốc độ”, động tác luôn khẩn trương nhưng không vội vã, hấp tấp, trái lại còn hàm chứa sự cẩn trọng. Cách ông tìm hiểu về cầu thủ VN hay của đối thủ cho thấy ông là người làm việc khoa học, có nguyên tắc rõ ràng. Đội Afghanistan tập ở gần kế sân của đội tuyển, ông Lee lại tay sổ tay bút thu thập, ghi chép những dữ liệu cần thiết.
Ông Park sẽ phân chia lại công việc trợ lý nội
Sẽ có người thắc mắc, phải chăng ông Lee đang lấn lướt HLV trưởng? Nếu so sánh mối tương tác giữa một số HLV tiền nhiệm với các trợ lý, sẽ thấy có sự khác biệt rất rõ trong môi trường làm việc của ban huấn luyện ở thời điểm hiện tại.
Các trợ lý VN thường khá “hiền lành”, không thể hiện cá tính và chính kiến của mình, trở thành cái bóng mờ nhạt so với người đứng đầu đội bóng. Còn dưới thời HLV Park, mọi thứ dường như thay đổi theo phong cách chuyên nghiệp của thế giới. HLV trưởng lên kế hoạch, làm giáo án và đưa xuống cho trợ lý thực thi. Ra sân, trợ lý cứ thế mà khai triển. Khi có gì vướng mắc thì báo cáo HLV trưởng. Ở một số nước Đông Nam Á khác, mô hình huấn luyện tiên tiến này đã được áp dụng từ lâu. Chẳng hạn HLV Ong Kim Swee (tuyển Malaysia) hay Kiatisak (tuyển Thái Lan) không bao giờ hò hét trên sân. Nhiệm vụ của họ là phụ trách tổng thể, còn những gì thuộc về chi tiết đều do các trợ lý đảm nhiệm.
HLV Park nói một ý đáng suy ngẫm: “Tôi và ông Lee đã quen cách làm việc như các bạn vừa thấy. Với các trợ lý VN, công việc còn chồng chéo và trùng lắp nhau. Tôi không hiểu trước đây họ được phân chia cụ thể trách nhiệm của mình như thế nào. Tôi sẽ phải lập lại kế hoạch và từng người sẽ có nhiệm vụ rõ ràng hơn, tránh sự giẫm chân lên nhau. Muốn hiệu quả, người nào nên có việc của người ấy và bổ trợ cho nhau chứ không nên hai người làm một việc, và việc quan trọng thì lại không ai làm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.